Kinh tế hộ làm đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Thịnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2013 | 8:49:50 AM

YBĐT - Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái đã chú trọng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ để nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã là tập trung phát triển kinh tế nông thôn, đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng sản xuất, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học và các công trình phúc lợi xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trước tiên, để tạo hệ thống đường giao thông liên thôn thuận lợi, xã quan tâm chú trọng phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Năm 2012, xã đã hoàn thành bê tông hóa 7 tuyến đường liên thôn phục  vụ giao thông đi lại, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hiện nay, xã Tân Thịnh vẫn còn trên 9% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.050.000đồng/người/tháng, nên chính quyền xã xác định vấn đề cốt lõi nhất trong xây dựng nông thôn mới ở xã là phát triển kinh tế để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho bà con. Để làm được việc này, xã vận động, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, đưa các loại cây, con giống có năng suất, giá trị cao vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, xây dựng vùng chăn nuôi lợn; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản...  

Xã vận động, chỉ đạo nhân dân cấy hết 100% diện tích lúa nước đúng thời vụ bằng các giống lúa có năng suất chất lượng cao như: Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, TH3-3, Chiêm hương, HT1… năng suất trung bình đạt gần 100 tạ/ha/năm, tổng sản lượng đạt 648 tấn. Là một trong số những địa phương được biết đến bởi vùng sản xuất rau màu lớn, Tân Thịnh vận động nhân dân canh tác có hiệu quả 7ha đất trồng rau màu chuyên canh và thâm canh 18ha trên đất 2 vụ lúa, tập trung trồng những loại rau có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, súp lơ, su hào, đậu đỗ các loại…

Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên chất lượng và sản lượng luôn đảm bảo và đạt cao. Trung bình sản lượng rau màu cả năm đạt trên 235 tấn, trị giá 1,8 tỷ đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Đào ở thôn 3 Thanh Hùng có 3 sào rau chuyên canh và gần 4 sào trồng trên đất 2 vụ lúa, hàng năm từ trồng rau đã đem về cho gia đình bà một khoản thu nhập khá.

Bà Đào cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu trông vào mấy sào rau này, chúng tôi trồng rau đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên được người mua tin dùng, giá bán ổn định. Như 1 sào súp lơ tôi trồng bán cũng được 14-15 triệu đồng, hàng năm thu nhập từ rau được vài chục triệu đồng”.

Cùng với trồng các loại rau màu, xã chú trọng phát triển chăn nuôi, chủ yếu chăn nuôi lợn và gia cầm. Trên địa bàn xã hiện đang thực hiện 51 dự án, trong đó có 29 dự án lợn nái, 15 dự án ba ba, 7 dự án gà…, các dự án đều được duy trì và phát triển tốt. Với đàn lợn luân chuyển từ 2.500-3.000 con và duy trì đầu đàn lợn nái gần 400 con, đàn gia cầm trên 23.000 con, nhiều người dân trong xã đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Trong năm 2012, toàn xã đã xuất chuồng 2.500 con lợn thịt, sản lượng đạt 225 tấn và  2.150 con lợn giống, trị giá trên 10 tỷ đồng; gia cầm xuất chuồng trên 19.000 con, sản lượng đạt 30 tấn, trị giá 2,4 tỷ đồng. Đàn lợn luân chuyển chăn nuôi đã giúp nhiều hộ có cuộc sống khá, thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm như hộ ông Lê Đình Ninh, Vương Thị Yên thôn 3 Thanh Hùng, Vũ Văn Thấu thôn Trấn Ninh 3, Nguyễn Đình Đô thôn 3 Lương Thịnh, Tạ Thị Mai thôn 11… Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp toàn xã năm 2012 đạt 21,838 tỷ đồng.

 Giờ đây, diện mạo nông thôn Tân Thịnh  đã thay đổi, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ngôi nhà xây kiên cố, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bà Đặng Thị Nhiệm ở thôn 3 Thanh Hùng cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới là để người dân có cuộc sống mới, hết nghèo, muốn vậy trước hết người dân chúng tôi phải có điều kiện kinh tế khá”. Chính vì suy nghĩ này mà cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tân Thịnh đang nỗ lực hết sức trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hộ gia đình để làm đòn bẩy xây dựng nông thôn mới.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu bê tông hóa đường nông thôn

Là xã vùng cao, xuất phát điểm thấp, nên khởi đầu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu gặp không ít khó khăn. Song, nhờ sự quan tâm đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, đến nay, xã đã đạt 10/19 tiêu chí về XDNTM.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Hết năm 2023, toàn huyện Yên Bình có 32 trường đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra công tác phát triển GTNT tại xã Châu Quế Hạ.

Những năm qua, với sự đồng lòng, chung sức của người dân, mỗi năm trên địa bàn huyện Văn Yên có hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, bản, nội đồng được cứng hóa, góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, tạo thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Trạm Tấu thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Năm 2024, huyện Trạm Tấu quyết tâm đưa chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 57%, tăng 1,5% so với năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục