Rộn ràng Tết Ramưwan của đồng bào Chăm ở Bình Thuận
- Cập nhật: Thứ tư, 25/6/2014 | 2:22:37 PM
Ngày 25/6, đồng bào Chăm ở Bình Thuận bắt đầu đón Tết Ramưwan - Tết cổ truyền quan trọng nhất và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo (Bàni) sống trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ sáng sớm, tất cả các họ tộc người Chăm theo đạo Bàni đều tập trung về nghĩa trang người Chăm ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, để cùng nhau làm lễ tảo mộ, cúng bái và mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây là phần lễ quan trọng nhất để mở đầu cho Tết Ramưwan.
Tại nghĩa trang, sau khi vun vén cho ngôi mộ, chủ lễ tế mộ sẽ thực hiện các nghi thức cúng truyền thống như tưới nước lên mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ, thanh khiết hơn, bày biện đồ cúng, đọc kinh... Sau lễ tảo mộ, mọi người trở về nhà làm lễ cúng ông bà.
Tết Ramưwan của người Chăm kéo dài một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như lễ tảo mộ, lễ và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, tháp...
Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa, tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Trong những ngày này dù làm gì, ở đâu và bận rộn mấy đi chăng nữa, người Chăm Bàni vẫn dành thời gian về quê, quây quần cùng gia đình và người thân.
Tết cổ truyền của đồng bào Chăm Hồi giáo ở Bình Thuận ngày nay không chỉ gói gọn trong từng gia đình, họ tộc mà còn có sự tham gia của khách tham quan du lịch và nhiều nhà nghiên cứu, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các hoạt động cúng bái truyền thống, viếng chùa, Tết Ramưwan còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi mang đậm sắc thái người Chăm. Các nam nữ thanh niên Chăm vui tươi và duyên dáng trong trang phục truyền thong rực rỡ sắc màu cùng nhau hát, múa đón mừng năm mới.
Tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào đón Tết Ramưwan năm 2014 lành mạnh, tiết kiệm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp đủ điện, nước cho bà con; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ các thôn, xã vùng đồng bào Chăm Hồi giáo sinh sống.
Nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết đồng bào người Chăm; thăm, chúc Tết các chức sắc, tại các chùa, các đối tượng chính sách, gia đình tiêu biểu, đón Tết Ramưwan vui vẻ, ấm no đồng thời động viên bà con phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vui Tết nhưng không lãng phí, không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Người Chăm có truyền thống văn hóa độc đáo trong đời sống, đặc biệt là các lễ hội mang nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc như Katê, Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan...
Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm sinh sống, với hơn 41.000 người, trong đó đồng bào Chăm theo Hồi giáo hiện có hơn 15.000 người, phân bố ở một xã thuần và 6 thôn xen ghép.
Trong những năm qua, Bình Thuận đã có nhiều chính sách quan tâm và hỗ trợ để bà con phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Các vị chức sắc tôn giáo luôn vận động bà con gắn kết nghĩa xóm tình làng, đùm bọc giúp nhau phát triển kinh tế.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Sáng 24-6, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tại Đà Lạt sắp diễn ra lễ hội “Mưa phố núi”. Đây là lễ hội nằm trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014.
Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho biết, vào lúc 11 giờ 57 phút (giờ Qatar), tức 15 giờ 57 phút (giờ Việt Nam, ngày 23-6, tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam vào Danh mục Di sản Thế giới.
UNESCO vừa chính thức công nhận danh hiệu Di sản Thế giới cho một di tích cổ xưa nổi tiếng - đường mòn Inca chạy qua 6 quốc gia Nam Mỹ.
Tháp B5 thuộc khu di tích Chăm Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới tại Quảng Nam, được thử nghiệm công nghệ sinh học và nano để bảo vệ.