Văn hóa tâm linh mùa cúng âm hồn ở Huế

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/6/2014 | 1:59:52 PM

Những ngày này trên khắp mọi nẻo đường của cố đô Huế, đi đâu cũng bắt gặp những mâm lễ cúng giữa trời do người dân thực hiện, nhằm tưởng niệm những người dân tử vong trong sự biến kinh đô thất thủ đúng 129 năm trước.

Bàn cúng âm hồn của người dân trên đường Mai Thúc Loan, Huế.
Bàn cúng âm hồn của người dân trên đường Mai Thúc Loan, Huế.

Đã thành thông lệ, hình thức ngưỡng vọng của người dân về những người đã khuất này kéo dài từ ngày 23-5 đến cuối tháng 5 âm lịch.

Lễ cúng âm hồn tùy theo mỗi địa điểm, mỗi gia đình mà được tổ chức trong một ngày hay kéo dài đến cả tuần. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà mâm cỗ nhiều hay ít, nhưng ẩn đằng sau đó là một sự tưởng nhớ, thương cảm đến hàng ngàn chiến sĩ và dân thường vô tội.

Mâm cúng được bày giữa trời, thường là trước cổng hoặc giữa sân nhà. Với hai bàn thượng và hạ, lễ vật thường không thể thiếu: hương đèn, cau trầu, rượu trắng, cháo trắng, các loại hoa quả, hạt nổ, gạo, muối, các loại giấy cúng, con gà trống luộc và xôi, chè, khoai sắn…

Ngoài hầu hết các nhà dân, nhiều nhóm cộng đồng sống gần các đàn miếu âm hồn tập trung lại, gọi là “phổ”, chuyên lo coi sóc đàn miếu và tổ chức cúng tế tại đàn trong ngày lễ này. Đó là lễ cúng tại đàn Âm hồn trên đường Ông Ích Khiêm, tại miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn, tại miếu Âm hồn ở Cống Chém và nghĩa trang tập thể tại chùa Ba Đồn… Nhiều cụm xóm dân cư hay những nhóm bán hàng ở chợ cũng tổ chức lễ giỗ chung.

Nhiều cơ quan cũng tham gia cúng tế bài bản trong những ngày này…

Sự biến thất thủ kinh đô xảy ra tối 22 rạng sáng 23-5 năm Ất Dậu, tức năm 1885, đúng 129 năm trước, khi kinh đô Huế rơi vào tay người Pháp. Hàng nghìn người dân và binh lính, số thì bị đạn bom, số thì giẫm đạp lên nhau tử nạn. Sự kiện lịch sử này cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng của đất nước từ quân chủ thành thuộc địa nửa phong kiến, kéo dài cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Theo những ghi chép truyền lại, sau sự biến đầy bi thương này, thi thể người chết nằm la liệt rất nhiều nơi, nhất là khu vực kinh thành Huế. Rất nhiều trong số đó vô chủ, được người dân đào hố chôn ngay tại chỗ. Sau một thời gian khi người ta đào mở rộng đường, rất nhiều hài cốt được tìm thấy. Người ta tập trung đến nhiều điểm lân cận thành phố Huế và chôn thành những khu mộ tập thể. Đồng thời nhiều đàn, miếu, am tiếp tục lập ra để thờ những vong hồn oan khuất không nơi nương tựa ấy.

Và ngày kinh đô thất trận 23-5 âm lịch được chọn làm ngày giỗ chung, trở thành một sinh hoạt tâm linh đầy tình nghĩa dân tộc, đồng bào, trở thành một nét văn hóa đẹp, đầy tính nhân văn của người dân xứ Huế. Điều này đến nay còn thể hiện rõ bằng niềm xúc động qua một đoạn văn tế:

“Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai/ Lao nhỏ con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt xương đã chất đống/ Oan uổng quá mấy ông trên võng, thình lình sét đánh, sống chẳng trọn đời/Tội tình thay lũ trẻ trong nôi, cắt cớ sao sa, chết đờ trắng bụng”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan nhận xét: "Lễ cúng âm hồn, hay lễ cúng cô hồn, là một nét văn hóa tâm linh tốt đẹp của người dân cố đô. Nó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và tưởng nhớ đến những người đã khuất trong sự kiện kinh đô thất thủ năm Ất Dậu (1885)".

Đã gần 130 năm qua, lịch sử dân tộc có lúc thăng có lúc trầm, nhưng người dân cố đô Huế vẫn duy trì lễ cúng âm hồn một cách kiên trì, bền bỉ bằng cả tấm lòng thành. Đến Huế, đi chậm rãi giữa những nẻo đường của khu vực Thành nội và nhiều nơi khác quanh kinh thành trong những ngày này, sẽ cảm nhận được nét văn hóa đẹp, tràn đầy tính nhân văn ấy.

(Theo TTO)

Các tin khác

Ngày 25/6, đồng bào Chăm ở Bình Thuận bắt đầu đón Tết Ramưwan - Tết cổ truyền quan trọng nhất và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo (Bàni) sống trên địa bàn tỉnh.

Một tiết mục nghệ thuật đề tài “mưa” trong lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014.

Sáng 24-6, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tại Đà Lạt sắp diễn ra lễ hội “Mưa phố núi”. Đây là lễ hội nằm trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014.

Quần thể danh thắng Tràng An.

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho biết, vào lúc 11 giờ 57 phút (giờ Qatar), tức 15 giờ 57 phút (giờ Việt Nam, ngày 23-6, tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam vào Danh mục Di sản Thế giới.

Đường mòn Inca.

UNESCO vừa chính thức công nhận danh hiệu Di sản Thế giới cho một di tích cổ xưa nổi tiếng - đường mòn Inca chạy qua 6 quốc gia Nam Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục