Phát động cuộc thi khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2014 | 7:50:57 AM
Chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và kỷ niệm 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm hiểu và đóng góp ý kiến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới mang chủ đề “Khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”.
Di sản Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận.
|
Được triển khai thực hiện từ ngày 06/11/2014 đến hết ngày 30/12/2014, cuộc thi sẽ góp phần tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho những ai yêu mến Hà Nội và mong muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô đã được tổ chức UNESCO thế giới công nhận. Góp phần nâng cao vị thế và tầm vóc của Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến trong mắt nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Cuộc thi “Khám phá các Di sản thế giới ở Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” được xem là bước đi đầu tiên của Ban tổ chức nhằm hướng đến hai sự kiện ở quy mô lớn hơn là: “Cuộc thi Khám phá các Di sản thế giới tại Việt Nam” và “Triển lãm Di sản Thế giới của ASEAN – bản sắc văn hóa ASEAN” dự kiến tổ chức trong năm 2015 tới. Chuỗi sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chào mừng hiện thực hóa cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Ở cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đưa ra đề tài là bốn di sản văn hóa thế giới của Hà Nội: Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội; 82 bia đá tiến sỹ - Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Hội Gióng ở Đền Sóc (Sóc Sơn) và Đền Phù Đổng (Gia Lâm); Di sản Ca trù để cộng đồng trong nước và quốc tế tham gia khám phá, bày tỏ những trăn trở của cá nhân/cộng đồng đối với di sản. Từ đó, đưa ra những ý kiến, chương trình, kế hoạch nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn và đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò của di sản trong đời sống cộng đồng.
Đối với mỗi di sản, Ban tổ chức cũng đồng thời đưa ra các gợi mở, định hướng tìm hiểu cho người dự thi, nhằm khuyến khích người dự thi khai thác vấn đề sâu và hiệu quả hơn. Cụ thể, các vấn đề được đưa ra đối với mỗi di sản như sau:
1/ Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: Cần có một giải pháp tổng thể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích này?
2/ 82 bia đá tiến sỹ - Văn miếu Quốc Tử Giám: làm sao để cải thiện ý thức của người dân tham gia vào quá trình bảo vệ di sản quý báu này?
3/ Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng: Làm sao để khai thác và phát huy giá trị của Lễ hội, không gian lễ hội mà vẫn đảm bảo gìn giữ được các giá trị nguyên gốc của di sản?
4/ Ca trù: làm sao để tăng cường sức sống của di sản Ca trù trong đời sống cộng đồng?
Tuy nhiên, ngoài các vấn đề Ban tổ chức đã gợi mở, người dự thi vẫn hoàn toàn có thể đưa ra các đề tài khác mà họ quan tâm. Ban tổ chức đánh giá rất cao những ý kiến đổi mới, sáng tạo của cộng đồng tham gia cuộc thi.
Với các thể loại tác phẩm dự thi hết sức đa dạng, phong phú như: bài viết, phóng sự, phim ngắn, clip đồ họa… người dự thi có thể thỏa sức thể hiện bài dự thi theo cách riêng của mình. Hình thức các bài dự thi vì thế cũng không giới hạn, người dự thi có thể thể hiện tác phẩm của mình dưới dạng bài tìm hiểu, công trình nghiên cứu, dự án hoạt động…
Ở cuộc thi lần này, Ban tổ chức hết sức khuyến khích các bạn trẻ tham gia tìm hiểu và đề xuất những ý kiến đóng góp của mình nhằm khai thác và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Ban tổ chức hy vọng cuộc thi sẽ mang lại cơ hội cho những bạn trẻ yêu văn hóa được nói lên ý kiến, trăn trở của mình với di sản của Hà Nội. Dự kiến sau khi cuộc thi kết thúc, những đề tài xuất sắc, mang tính khả thi cao sẽ được tư vấn hoàn thiện và hỗ trợ hiện thực hóa.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Chiều 5-11, tại thủ đô Phnom Penh, Lễ hội Nước - lễ hội lớn nhất trong năm theo lịch Khmer đã mở màn bên bờ sông Tonle Sap, phía trước Cung điện Hoàng gia.
Ngày 5/11, tại thị trấn Sa Pa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, Đặng Huy Huỳnh đã trao Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho Ban giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Qua Hội chợ Du lịch thế giới London 2014, Việt Nam muốn gửi đến các đối tác và khách hàng thông tin cập nhật, các hình ảnh và sản phẩm của du lịch với thông điệp về điểm đến du lịch Việt Nam “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”.