Du lịch Nghĩa Lộ sau 5 năm xây dựng thị xã văn hóa - du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2018 | 8:14:00 AM

YBĐT - Nhờ chú trọng phát triển du lịch, do đó khách du lịch đến Nghĩa Lộ từ 30.000 lượt người năm 2013 tăng lên trên 60.000 lượt người năm 2017. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2017 đạt 165 tỷ đồng, năm 2018 phấn đấu đạt 184 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đã đạt 88 tỷ đồng.

Xác định phát triển du lịch là một bước đột phá, trọng tâm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã ra mắt và triển khai Đề án "Thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020" với hệ thống các chỉ tiêu phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu về du lịch như: tỷ trọng ngành du lịch chiếm 7%, bình quân mỗi năm đón 60.000 lượt khách; xây dựng bản làng văn hóa truyền thống, xây dựng con người văn hóa.

Để thực hiện các chỉ tiêu đó, thị xã đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch: tôn tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa; khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng… Đến nay, cảnh quan đô thị trên địa bàn thị xã khang trang, sạch đẹp. Hệ thống 108 nhà hàng, 27 khách sạn, nhà nghỉ, 20 hộ làm du lịch cộng đồng cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khai thác, phát huy như: phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Thái; truyền dạy chữ Thái cổ, các điệu múa dân gian, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Hàng năm, thị xã tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò gắn với nhiều sự kiện, hoạt động ấn tượng tạo điểm nhấn thu hút và xúc tiến, quảng bá du lịch. Hai bản làng văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng và sinh thái tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi và bản Đêu II, xã Nghĩa An từng bước định hình và dần rõ nét.
 
Thị xã cũng đã mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng, học tiếng Anh du lịch cho người dân; khai thác, quy hoạch cánh đồng Mường Lò, khu du lịch sinh thái Nậm Đông, bảo vệ dòng suối Thia, xây dựng các thương hiệu sản phẩm phục vụ du lịch như: hàng thổ cẩm, gạo thương hiệu Mường Lò, rượu Bách Chi, thịt trâu gác bếp; liên kết với các địa phương trong tỉnh tổ chức các tour, tuyến du lịch; kết nối với các công ty du lịch nước ngoài quảng bá và giới thiệu du khách quốc tế đến với thị xã…
 
Nhờ đó, khách du lịch đến Nghĩa Lộ từ 30.000 lượt người năm 2013 tăng lên trên 60.000 lượt người năm 2017. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2017 đạt 165 tỷ đồng, năm 2018 phấn đấu đạt 184 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đã đạt 88 tỷ đồng.
 
Qua đó, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung của thị xã sau 5 năm xây dựng thị xã văn hóa - du lịch: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,35%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 5%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên...

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp mà chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch trong 2 năm qua của thị xã đạt 2,5%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị xã trong xây dựng thị xã trở thành đô thị loại 3.
 
Và về lâu dài, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ phát triển du lịch. Người dân có nhiều hơn cơ hội việc làm từ du lịch, điều này rất có ý nghĩa khi diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp. Du lịch phát triển thì hệ thống cơ sở hạ tầng cũng sẽ khang trang hơn, đầy đủ hơn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân". 

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Hạnh, 3 yếu tố phát triển du lịch bền vững là: nền tảng văn hóa, con người và cơ chế chính sách. Vì vậy, những giải pháp cần quan tâm thực hiện của thị xã trong việc thúc đẩy du lịch phát triển cũng sẽ gắn liền với các yếu tố này.
 
Thị xã sẽ bảo tồn và phát huy cho được các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương, việc này đòi hỏi sự lãnh đạo của cấp ủy; sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
 
Đồng thời, vận dụng và phát huy tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực; phát huy mạnh mẽ, hiệu quả các nguồn lực đầu tư, không để lãng phí và sử dụng sai mục đích.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Lễ hội khinh khí cầu QuickChek

Lễ hội khinh khí cầu QuickChek được đánh giá là một trong 100 lễ hội hàng đầu ở Bắc Mỹ

Suối Giàng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

YBĐT - Suối Giàng được biết đến với khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi và sự hồn hậu, hiếu khách của người Mông. 

Du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm.

Đó là thông tin được nêu trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 và kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017 do Tổng cục Du lịch thực hiện.

8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thu hút du khách bởi những nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Sơn La, (6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) ước đạt 943 nghìn lượt, đạt 91,9% cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục