Về Nam Cường xem hội đầu xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2022 | 7:40:24 AM

YênBái - Cứ vào độ rằm tháng Giêng hàng năm, trong lễ hội đền Mẫu Nam Cường, thành phố Yên Bái, người dân địa phương lại tổ chức Hội thi đua thuyền chải truyền thống. Tiếng trống hội dồn nhịp liên hồi tạo ra âm vang mạnh mẽ hối thúc các tay đua thuyền chải mau nhịp chèo, đều nhịp hướng thuyền về phía vạch đích để cầu mang về may mắn, niềm vui, sức khỏe cho cả năm...

Nghi lễ thả chim bồ câu tại Lễ hội đền Mẫu Nam Cường, thành phố Yên Bái.
Nghi lễ thả chim bồ câu tại Lễ hội đền Mẫu Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Phía ven hồ, người dân phường Nam Cường và du khách thập phương hào hứng dõi theo Hội thi đua thuyền. Một cụ cao niên ở đây biết chúng tôi là khách, lại có chút lạ lẫm với cuộc đua thuyền mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng lại được tổ chức ở đất này vui vẻ chia sẻ: "Các anh có thấy khí chất của người miền biển không. Người Nam Định ở Yên Bái cũng chèo thuyền khỏe khoắn, nhịp nhàng lắm đấy chứ...”. 

Cũng nhờ sự nhiệt tình chia sẻ của cụ ông, chúng tôi biết thêm: phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được hình thành bởi những người dân ở tỉnh Nam Định lên mở đất định cư tại xã Cường Nỗ xưa. Cộng đồng dân cư xuất xứ từ huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy (những huyện ven biển của tỉnh Nam Định) đã mang những nét văn hoá đặc trưng của đồng bằng lên vùng miền núi Yên Bái. 

Ở Nam Cường có một cụm quần thể Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh độc đáo là Di tích lịch sử đình - đền - chùa Nam Cường mang dáng dấp đặc trưng của đình chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Đền Mẫu được xây dựng từ năm 1923 thờ Thánh Mẫu Linh Từ, Trần Triều Hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương và Công chúa Liễu Hạnh để tỏ lòng thành kính và cầu phúc an dân. 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền - đình – chùa Nam Cường không những là nơi cầu tế cho quốc thái dân an, nơi hội họp sinh hoạt làng xã mà trong kháng chiến còn là nơi cán bộ Việt Minh phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng (tháng 8/1945); là trụ sở làm việc của chính quyền xã từ buổi ban đầu, là kho dự trữ lương thực, là điểm dừng chân của một số đơn vị khi vào giải phóng Điện Biên Phủ; là lớp học trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; là nơi tiễn đưa bao lớp thanh niên trong xã lên đường tòng quân. 

Sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh, đến năm 1998, đình -  đền Nam Cường bắt đầu được tôn tạo; rồi chùa Vạn Thắng cũng được nhân dân đóng góp xây dựng theo nét kiến trúc của đền - đình xưa kia. Đến năm 2005, UBND tỉnh Yên Bái công nhận đình - đền Nam Cường - chùa Vạn Thắng ở phường Nam Cường là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 

Trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại quần thể di tích, có thể nói, Lễ hội đền Mẫu phường Nam Cường được tổ chức vào Rằm tháng Giêng là sinh hoạt văn hóa độc đáo với hai phần chính là phần lễ và phần hội. 

Phần lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, tránh được thiên tai, cầu được sức khoẻ dồi dào cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau là dâng hương tỏ lòng biết ơn các thủ chiêu và bậc tiền bối đã có công lập xã. Tiếp đến là nghi lễ phóng sinh cầu an. 

Tại buổi lễ, hộ gia đình được lựa chọn tiêu biểu hạnh phúc, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt đại diện cho các họ trong xã sẽ thực hiện nghi lễ phóng sinh 12 con chim bồ câu với ước vọng toàn dân một năm bình an, hạnh phúc. Sau lễ thả chim cầu an là lễ mừng thọ cho các vị cao niên trong xã, thể hiện đạo lý kính già, yêu trẻ truyền thống của người Việt Nam. 

Trong lễ hội còn tổ chức trao phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi là con em trong xã. Với mong ước con cháu trong làng trong xã ngày càng học rộng tài cao, đời đời phúc đức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao phong phú như: hội đua thuyền trải, kéo co, cầu lông, cờ tướng, chọi gà… 

Xuân này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, những trò chơi dân gian sẽ được địa phương tổ chức với quy mô hạn chế. Song giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình - đền - chùa Nam Cường vẫn luôn được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, hướng đến những giá trị nhân văn, chuẩn mực đạo đức, có sự giao thoa về văn hóa, tạo nét độc đáo riêng biệt là điểm đến của mỗi người dịp đầu xuân mới.

Hoài Văn

Tags Nam Cường du xuân thờ Thánh Mẫu Linh Từ Trần Triều Hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương Công chúa Liễu Hạnh

Các tin khác
Du khách trải nghiệm và check-in tại trang trại trồng nho của Hợp tác xã Sáu không Farm, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 theo Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 31/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề

Tối 21/4, tại bãi biển Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh - Thanh âm ngày nắng mới”.

Trong quá trình khai thác mỏ đá ở núi Đụn, người dân xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã phát hiện một hang động khá lớn gắn liền với quần thể di tích quốc gia.

Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (sức chứa 18.000 người), bắn pháo hoa cả tầm cao và tầm thấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục