Yên Bái sở hữu ba ngọn núi nằm trong top 15 núi cao nhất Việt Nam, một trong số đó là Lùng Cúng, cao 2.913 m, tọa lạc ở huyện Mù Cang Chải. Đây là địa danh gợi nhớ du khách về những thửa ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Thung lũng Tà Cua Y nằm trên đường chinh phục đỉnh Lùng Cúng, theo hướng từ bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha. Anh Lù A Cu, 31 tuổi, hướng dẫn viên địa phương (porter), tiết lộ ý nghĩa tên của thung lũng: "Tà theo tiếng địa phương là khu đất bằng phẳng, Cua Y là một loài cây thảo dược quý. Loài này nếu dùng đúng cách và đúng liều lượng sẽ là thuốc quý, bằng không sẽ trở thành kịch độc. Nhưng đến đời mình chưa từng thấy".
Cung đường đến Tà Cua Y được đánh giá dễ đi, không có độ dốc lớn, chủ yếu men theo bờ suối, phù hợp với thể trạng của nhiều người. Điểm đến đẹp nhất vào khoảng tháng 6-7 vì lúc này mưa đã giảm và cây cỏ lên màu xanh ngát.
Du khách có thể đi về trong ngày hoặc ngủ lại qua đêm. Lều trại và đồ ăn du khách có thể thuê trực tiếp từ porter, hoặc tự mang lên rồi nhờ porter đưa vào khu cắm trại. Theo A Cu, một du khách bình thường sẽ cần khoảng 2,5 tiếng trekking từ bản Thào Chua Chải vào thung lũng Tà Cua Y.
Ngọc Hà, 32 tuổi, làm nội trợ ở Hà Nội, có chuyến trải nghiệm cắm trại qua đêm ở Tà Cua Y vào cuối tháng 5. Vô tình thấy người bạn đăng tấm ảnh về một thung lũng xanh mát và con đường đi men theo suối chảy từ đỉnh núi, cô đăng ký đi cùng khi chỉ còn một tuần nữa tới ngày lên đường. Thời tiết mưa nhiều ở miền Bắc đôi lúc khiến Hà cảm thấy chùn chân, song cô được những người cùng đoàn trấn an.
"Mình cứ hỏi đi hỏi lại anh chị dẫn đoàn là mưa thì có đi nữa không? Mọi người bảo có chứ! Thế là mình bắt đầu chuẩn bị những món đồ leo núi trong tâm thế đi trời mưa: áo khoác chống nước, giày dép đi mưa, đèn pin, đồ giữ ấm, balo chống nước, mũ chống nước, gậy chống trơn. Hơn hết là một tinh thần sẵn sàng đi ngay cả khi trời mưa", Hà kể.
Hoàng hôn xuống tạo nên những đám mây nhiều màu ở Tà Cua Y. Ảnh: Ngọc Hà
Ngày khởi hành, đoàn của Hà hơn 10 người di chuyển bằng xe 24 chỗ, xuất phát từ Hà Nội lúc 8h tối và đến thị trấn Tú Lệ (huyện Mù Cang Chải) lúc 3h sáng. Đoàn nghỉ ngơi đến 8h sáng hôm sau, đi xe đến chân núi, chia nước uống, gậy leo núi. Họ thuê xe ôm của người bản địa đi thêm khoảng 45 phút, rồi bắt đầu hành trình trekking dọc theo suối vào thung lũng. Hỗ trợ đoàn là hơn 10 porter giúp bê đồ, dẫn đường, đảm bảo không có ai bị lạc hay bị bỏ lại vì đuối sức.
Là người thích hòa mình vào thiên nhiên, Hà cho hay cô tận hưởng từng khoảnh khắc: "Đường đi bộ dọc theo con suối vào thung lũng rất đẹp, gặp được nhiều loài cây, rau, thảo quả. Đặc biệt cung đường này có rất nhiều cây mâm xôi rừng chín mọng. Có những lúc lội suối mát lạnh, cảm giác đôi chân được xoa dịu và phục hồi".
Tối hôm đó đoàn của Hà dựng trại cạnh một nguồn nước để tiện rửa đồ ăn, nấu nướng. Bữa lẩu của họ có những sản vật từ rừng. "Có một hệ sinh thái thảo quả, dâu rừng, mâm xôi rừng và rất nhiều rau rừng ăn được khắp hai bên bờ suối, bọn mình hái rau cần rừng và nhiều loài rau mà người bản địa bảo ăn được để nấu bữa tối", Hà nói.
Từng tham gia không ít những chuyến đi du lịch khám phá, Hà chia sẻ về sự vô thường mà cô ý thức được: "Có khi một phút trước trời còn êm ả, mọi thứ còn bình yên, nhưng có thể chỉ sau một khoảng khắc thôi, trời có thể mưa to, đường sạt lở hoặc gặp rắn, côn trùng hay trượt ngã, thậm chí trẹo chân bong gân không thể tự đi tiếp. Chính việc không biết trước được điều gì sẽ xảy ra tạo nên sự hứng thú cho mình.
Hà khuyên mọi người sắp đi cung đường này nên chuẩn bị một tinh thần thoải mái, một chiếc điện thoại sạc đầy pin để lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp và một thái độ tôn trọng thiên nhiên. "Đã xác định về với thiên nhiên thì mình cứ thả lỏng đón nhận. Khi đến rừng, nhớ xin ‘thần Rừng’ cho mình một trải nghiệm vui vẻ. Khi về dọn rác sạch sẽ, tuyệt đối không đốt rừng", Hà nói.
(Theo Vnexpress)