Huyện Trạm Tấu được thiên nhiên ban tặng cho khung cảnh núi non hùng vĩ. Địa phương có 3 ngọn núi trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam gồm:
Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ cao 2.979 m;
Tà Xùa, xã Bản Công cao 2.875 m và Nả Tà cao 2.183 m so với mực nước biển. Năm 2023 là năm đầu tiên huyện thực hiện Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thực hiện đồng bộ mục tiêu Đề án, UBND huyện đã kịp thời ban hành các kế hoạch và văn bản để tổ chức thực hiện.
Ngoài các sản phẩm du lịch cộng đồng, khoáng nóng, dù lượn và săn mây tại
Laucamping xã Phình Hồ, du lịch leo núi mạo hiểm là sản phẩm đặc thù của huyện. Du khách có thể trải nghiệm leo núi, săn mây, ngắm rừng hoa đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa vào tháng 4 và 5; hoa mật rồng vào tháng 10 hàng năm. Hay như cung đường chinh phục Tà Chì Nhù thay đổi liên tục theo độ cao; khi là đi trong rừng già nguyên sinh, lúc đi qua suối, đi xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc... đến khoảng đồi trọc trơ trọi gần đỉnh.
Bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch sẵn có; hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và môi trường sống của người dân. Địa phương cũng ưu tiên phát triển các dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng, liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị khai thác du lịch với chủ rừng, đảm bảo việc tuân thủ thực hiện các quy định pháp luật về khai thác hoạt động du lịch trong rừng phòng hộ đảm bảo giữ vững cảnh quan môi trường sinh thái”.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức các giải leo núi, huyện đã huy động được mọi nguồn lực tham gia từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Đơn cử như tháng 9/2023, huyện đã phối hợp tổ chức
Giải Leo núi "Bước chân trên mây” chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù lần thứ nhất với 100 nhà báo tham gia, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Trạm Tấu.
Huyện Trạm Tấu cùng các cơ sở, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tham gia các chương trình, hội thảo xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch do tỉnh tổ chức, các tỉnh, huyện bạn mời tham dự… Đồng thời đã xây dựng trang thông tin website Du lịch huyện Trạm Tấu quảng bá trên các nền tảng ứng dụng công nghệ số; tuyên truyền bằng các hình thức truyền thống, ấn phẩm, video clip tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, kinh doanh lưu trú du lịch. Toàn huyện hiện có 27 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng; trong đó, có 1 khách sạn, 5 nhà nghỉ, 21 homestay đang được duy trì hoạt động tốt, khoảng trên 200 phòng đơn, đôi, phòng cộng đồng đón lượng khách lưu trú trong ngày trên 1.000 lượt/ngày.
Qua đó, du lịch Trạm Tấu bước đầu khởi sắc, thu hút khách nội địa, khách quốc tế và đạt được kết quả khả quan. Trong đó, số khách du lịch đến huyện năm 2023 đạt 150.000 lượt người, bằng 136% kế hoạch; doanh thu ước đạt trên 112 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch, trong đó, khách quốc tế là 20.150 lượt người.
Tuy có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, thể thao mạo hiểm trên địa bàn vẫn còn gặp những khó khăn. Loại hình du lịch này đòi hỏi nguồn lực, sự chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật cao. Trước mắt, huyện tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư vào du lịch trải nghiệm, thể thao mạo hiểm; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để phát triển từng sản phẩm cụ thể. Cùng với đó, huyện có nhiều hoạt động hướng tới đảm bảo an toàn sinh thái, sinh kế của người dân bản địa, tạo môi trường phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Thu Hiền