Đi ăn hào ở đảo Long Sơn
- Cập nhật: Thứ năm, 2/4/2009 | 12:00:00 AM
Đảo Long Sơn nằm sát đất liền, trên đường từ TP.HCM đi ra Vũng Tàu. Long Sơn là đất của hải sản, đặc biệt nổi tiếng với con hào.
Những bè hào nổi trên sông Dinh
|
Xã đảo Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu, từ đây đi thêm khoảng gần 40 km nữa thì đến trung tâm thành phố biển. Đến Vũng Tàu để tắm biển, còn về Long Sơn để ăn hải sản. Đồ biển ở đây ngon, rẻ hơn ở Vũng Tàu. Ngày cuối tuần, không chỉ có dân TP.HCM hay các nơi khác đến Long Sơn, mà ngay cả dân thành phố biển cũng lên đây để vui thú ẩm thực.
Ở Long Sơn có thú vui đặc trưng: “nhậu” trên bè. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề thả bè nuôi hào, tôm, cá trên sông Dinh. Một vài người dùng bè của mình làm điểm đón khách du lịch. Khách cứ đến bến ghe, nói đi ra bè nào thì có ghe chở đi ngay. Đi chừng mươi phút. Một dãy nhà cây, trên lợp lá dừa nước, dưới là những thùng phuy dập dềnh trên sông. Vách không dựng kín, nên gió cứ thoải mái thốc vào, mát rượi. Bên trong, bàn thấp kiểu Nhật chật kín người. Hành lang ngoài, võng giăng toòng teng cũng không còn chỗ trống.
Đảo Long Sơn, đi từ hướng TP.HCM theo quốc lộ 51, chừng 80 km đến ngã ba Long Sơn rẽ phải (có bảng chỉ đường), đi thêm chừng 2 km, lại đến một ngã ba rẽ phải, qua bến ghe đi bè hào; rẽ trái tham quan nhà Ông Lớn. |
Hải sản thì vùng biển nào cũng có, nhưng mỗi nơi có món “ruột” riêng. Long Sơn ngoài món hào, còn sò huyết, con móng tay… và các loài hải sản lạ khác như: con dộp. Con dộp là một trong những món đắt tiền, cân “sống” tại chỗ 50.000 đ/kg, nhưng nghe đâu khi vào nhà hàng hải sản nơi khác lên đến hơn 200.000đ. Khách có thể theo ghe đi bắt con dộp, con móng tay. Cao hứng, khách có thể nhờ dong ghe ra ngoài cửa biển, ngắm thành phố Vũng Tàu từ xa. Trên đường đi, người dân địa phương ở đây thường chỉ cho khách tạt vào bãi cát vàng để ngắm cảnh.
Đến Long Sơn, có thể ghé khu nhà Lớn nổi tiếng để tìm hiểu về đạo Ông Trần mà hầu hết người dân ở đây đi theo. Ông Trần là người có công khai phá mảnh đất này đầu tiên. Khu nhà Lớn là một quần thể kiến trúc bằng gỗ, bao gồm lầu Phật, lầu Dài, lầu Thánh, nhà Cấm… Khu nhà này còn lại những người Nam Bộ xưa với áo bà ba đen, tóc búi sau ót. Khách cũng có thể ở lại nhà Lớn nhiều ngày để nghỉ ngơi và tham quan.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Một ngày giữa tháng ba, chúng tôi hòa trong đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo Đảng địa phương các tỉnh phía bắc tới viếng Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ.
Từ phố cổ Hội An, đi thêm 4 km nữa, du khách sẽ đến với Cửa Đại, một bãi biển đẹp nhất ở Quảng Nam với những bãi cát dài xa tít, những ngọn sóng xô nhẹ cuốn mọi thứ ra xa trong nắng chiều óng ả. Một vẻ đẹp đến mê hồn!
YBĐT - Nằm trong quần thể di tích lịch sử của thành phố Yên Bái, từ lâu, Đền Tuần Quán đã nổi tiếng là một ngôi Đền tôn nghiêm, cổ kính với nhiều chứng tích lịch sử còn nguyên giá trị. Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà Đền Tuần Quán lâu nay không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ, cầu an lành của tín đồ phật tử thập phương, mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách xa gần trong những dịp đầu xuân.
So với những “tên tuổi” như Mũi Né hay Vũng Tàu, bãi biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) không phải là nơi tắm biển lý tưởng bởi bãi cát đen pha bùn đặc trưng. Nhưng ở đấy, có nhiều “trò” hay dành cho những chuyến đi khám phá ngắn ngày.