Sa pa ký sự

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây cũng là điểm đến trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái -Phú Thọ. Những năm gần đây, Sa Pa có sự đầu tư và biến đổi nhanh song vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ núi.

Nhà thờ đá Sa Pa.
Nhà thờ đá Sa Pa.

Sa Pa lắm hoa nhiều thuốc

Chúng tôi đặt chân lên đất Sa Pa, thị trấn nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, mang sắc thái khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới nên mát mẻ quanh năm. Ngay giữa trung tâm phố xá là một vườn mận và đào mùa này đã qua vụ khai hoa, chùm quả lấp ló dưới tán lá xanh trông như những bóng đèn nho nhỏ. Riêng hoa thì nhiều, hoa mọc ven đường, hoa trồng dọc phố, hoa trong khuôn viên các nhà hàng, khách sạn. Đủ loại: lay dơn, loa kèn, thược dược, cúc, hồng... và nhất là hoa bất tử thì hình như chỉ riêng đất Sa Pa có. Được thiên nhiên ưu đãi cho nên hoa đẹp lắm. Đỗ quyên nở đỏ trên đường chinh phục đỉnh Phan-si-păng; lan rực rỡ công viên Hàm Rồng. Riêng 2 vườn lan trên núi Hàm Rồng có đủ mặt trên 300 loài lan của rừng Hoàng Liên và nhiều giống lan nhập ngoại.

Nói về hoa lan, anh Phạm Khắc Xương – Tổng biên tập Báo Lào Cai cho biết: “Bây giờ, người ta thích chơi hoa lan, nhất là loại Kiếm hồng hoàng. Toàn huyện Sa Pa có gần trăm hộ gia đình trồng loại hoa này để bán ra thị trường. Tết vừa qua, có gia đình thu bạc tỷ, chậu hoa 82 cành của “vua hoa lan” Phan Bá Đường đấu giá thành công tại Hà Nội với giá 24 triệu đồng”. Đi trên phố Sa Pa, đâu cũng gặp những sắc màu bắt mắt và thoang thoảng hương thơm của hoa. Từng đến các vùng hoa Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng và bây giờ là Sa Pa của tỉnh Lào Cai mới thấy giá trị của hoa trong cuộc sống con người. Hoa không chỉ làm đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, một bông hoa hồng giống Đài Loan, Đà Lạt hay bông hoa tuy líp giống Hà Lan xuất khẩu cũng có giá vài đô la. Hoa Sa Pa đã có mặt tại thị trường Hà Nội và cũng đang thâm nhập thị trường thế giới để làm giàu cho vùng đất này.

Nói đến Sa Pa còn phải nói tới trung tâm cung cấp nguồn dược liệu cho cả nước. Đi dọc phố Tuệ Tĩnh, Cầu Mây, Hàm Rồng hay vào chợ, chỗ nào cũng thấy bày bán thuốc. Bán buôn có, bán lẻ có, từ cây hoàng liên đến các loại dược liệu quý như sâm, đỗ trọng, tam thất, actixô, nấm linh chi cổ và giá rẻ bất ngờ: một cân sâm giá 300 ngàn đồng, cân đỗ trọng giá 80 ngàn đồng và cân củ thiên ma giá cũng trăm ngàn đồng.

Nhớ lại hôm vào siêu thị thuốc ở Côn Minh (Trung Quốc), loại nào cũng có giá từ vài trăm đến hàng ngàn nhân dân tệ một ki lô. Thôi thì lời quảng cáo hay khiến anh nào anh nấy thi nhau móc hầu bao, có người làm cả chục triệu đồng tiền mua thuốc “quý”. Bây giờ lại thấy nó hiện diện tại nước nhà với giá “nội địa” sao không khỏi giật mình. Hỏi một chủ quầy thuốc, bà chủ hồn nhiên: “Chúng em vẫn bán dược liệu cho các nhà buôn Trung Quốc. Có người còn đặt sẵn thang đóng gói nhưng không ghi nhãn hiệu nữa đấy”.

Thế mới biết, cái bệnh “sính ngoại” hại người ta đến vô tình. Trên đường đi, chúng tôi còn gặp một quảng cáo khá độc đáo: “Tắm lá thuốc chính hiệu dân tộc Dao đỏ Sa Pa, chỉ có cơ sở đường lên núi Hàm Rồng” kèm theo khuyến mãi “Dịch vụ trọn gói tắm và mát-xa được tặng một gói thuốc tắm”. Cũng đã học được bài tiếp thị của nước ngoài nhưng tôi tin rằng, đây là cơ sở trị liệu dựa trên kinh nghiệm y học cổ truyền có tác dụng chữa bệnh và chắc là mình chẳng bị “chặt” đẹp.

Đặc sắc phiên chợ tình

Khác với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, chợ tình Sa Pa diễn ra thường xuyên vào tối thứ bảy hàng tuần. Trước kia, đó là điểm hẹn tình, nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái người Dao đỏ. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ thị trấn đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có tiếng leng keng theo mỗi bước chân từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên chiếc khăn choàng đầu của họ. Đối tượng mà các cô quan tâm là những chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ, vai khoác chiếc đài cát-sét.

Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy cát-sét của mình vào gần cô để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt nhưng vẫn hát trong tâm trạng hồi hộp. Rồi màn đêm xuống, sau những gốc cây sa mu và các tảng đá lớn là âm thanh mời gọi lúc trầm, lúc bổng của kèn lá, khèn môi bồng bềnh.

Phong tục của người Dao không ngăn cản người có vợ hoặc có chồng đi tìm bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đã đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, mở cát-sét cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị một chàng trai nắm tay giữ lại. Động tác này gọi là "kéo", biểu hiện cho sự tỏ tình quyết liệt. Còn các cô gái khi chọn được chàng trai ưng ý thì giúi vào tay người đó vật đính ước, có thể là chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay chiếc lược... Thế là đám đông ồ lên và tản ra, cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau, khi yên tĩnh trở lại thì 2, 3 cô bạn đưa cô gái này đến "gửi gắm" cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau đi...

Bây giờ thì không chỉ riêng người Dao mà người Mông cũng đến chợ tình. Vừa là để tìm bạn vừa là để vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Điều thu hút sự tò mò của chúng tôi là tiếng khèn của các chàng trai người Mông. Tiếng khèn dìu dặt cùng với bước nhảy và điệu ô xòe của cô gái Mông tham gia đội múa khèn cuốn hút.

Chợ vãn dần, cho đến khoảng 12 giờ đêm thì chỉ còn lại những người thích thưởng thức cái lạnh vùng cao và sưởi ấm bên bếp than rực hồng, nhâm nhi củ khoai, bắp ngô hay quả trứng gà nướng cùng chén rượu Bắc Hà, Sán lùng đặc sản Lào Cai. Cũng lúc này, chúng tôi gặp cả một gia đình người Mông cùng đi chợ tình. Vợ, chồng, con trai, con gái, họ đi để biểu diễn phục vụ khách du lịch và coi đây như một nghề kiếm sống.

Mỗi tối, mỗi người cũng được 50 - 70 ngàn đồng, gặp khách sộp “bo” nhiều thì khá hơn. Anh bạn đi cùng nổi hứng còn mời đức ông chồng mấy ly rượu, thế là say ngả say nghiêng đến nỗi bà vợ phải kéo mãi mới chịu rời chợ tình về nghỉ. Điều đáng tiếc cho những du khách ưa phám phá khi đến chợ tình Sa Pa mong chớp được một cảnh tỏ tình của các chàng trai, cô gái người Mông, người Dao lại hơi hiếm. Chợ tình bây giờ tấp nập hơn với cảnh mua bán và trong đó những tiếng khèn, điệu nhảy... cũng đã bị thương mại lấn át mất rồi.

Lình xình hàng lưu niệm

Chạy dài theo mép sân trước mặt nhà thờ kéo dài đến tận cổng chợ là dãy hàng bán đồ lưu niệm, nhiều mặt hàng được bày như đồ thổ cẩm: quần áo, mũ, khăn, túi xách, túi đựng điện thoại di động; đồ bạc có vòng đeo tay, đeo cổ, tiền bạc hoa xòe... được gọi là hàng địa phương, còn phần lớn vẫn là hàng nhập từ Trung Quốc. Có vài phụ nữ Dao ngồi khâu ngay bên sạp hàng bày ven đường song mấy thứ hoa văn trên thổ cầm hầu như cũng là nhập ngoại.

Hàng giá thách đội lên gấp nhiều lần so với giá bán, một cái ví thách đến 20 nghìn nhưng trả 7 nghìn đồng là bán luôn; vòng bạc đeo tay giá chỉ 25 - 30 nghìn đồng thì thách lên đến 70 - 80 nghìn đồng. Chúng tôi còn bắt gặp ở đây cảnh nhiều em bé người Mông hay một vài phụ nữ người Dao đỏ tay mang cả chuỗi vòng bạc đeo cổ hoặc hàng thổ cẩm bám riết khách du lịch, nhất là khách nước ngoài để nài mua.

Làm du lịch đã nhiều năm, người dân Sa Pa cũng có vốn tiếng Anh kha khá. Thế nên, một chị bán hàng lưu niệm hỏi thẳng vị khách nước ngoài mua tấm bản đồ du lịch Sa Pa là trả bằng tiền Việt hay đô la. Trước cửa chợ văn hóa, còn có nhiều người mang cả “cổ vật” đi rao bán. Một cặp sừng trâu 27 năm tuổi, vài bộ sừng nai, dao Mông, cối gỗ... và cả một bộ trống, chiêng của ông thầy mo bản. Không biết có còn thứ gì cần lưu giữ mà trước sức cám dỗ của đồng tiền, dân ta sẵn sàng cho ra chợ.

 Đi nhiều nơi, việc mua kỷ vật vốn là sở thích của khách du lịch. Tận mắt nhìn thấy ông Tây xúng xính trong chiếc áo thổ cẩm, bà chị miền Nam mua cái dây bạc tặng chồng nhưng cái gì riêng mang bản sắc Sa Pa thì ít thấy. Cùng với quy hoạch xây dựng khu chợ bán hàng lưu niệm để tránh mất trật tự đường phố thì việc nghiên cứu, sản xuất các món quà độc đáo của địa phương nơi có đỉnh Phan-si-păng - nóc nhà Đông Dương cũng là việc cần làm. 

Rời Sa Pa, ấn tượng về một địa danh du lịch trên núi cao còn mãi. Và tiếng hát ai: “Anh chỉ nghe em hát, vang lên trong biển mây. Anh chỉ nghe tiếng cười, vang lên giữa rừng cây... Ôi! Sa Pa mù sương...” cứ  níu kéo, hẹn ngày gặp lại...

Thế Quynh

Các tin khác
Cổng tây thành Bắc Ninh.

Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời Vua Gia Long, triều Nguyễn, trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng, Hòa Ðình (Tiên Du) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh).

Những chiếc đèn lồng rực rỡ treo trước các ngôi nhà cổ là một trong những nét đặc trưng của Hội An.

Con số vừa được Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An (Quảng Nam) công bố chính thức. 93% trong số đó là di tích kiến trúc - nghệ thuật.

Nước từ Mường Trời đổ xuống tạo nên giếng tiên trong vắt.

YBĐT - Với nhạc cụ pí ló và những giai điệu Thẩm Lé, Báo Sao, những xòe những khắp và sự cố gắng của đồng bào thì Nông Quai Ha và Nậm Tốc Tát sẽ trở thành một phần không thể thiếu dành cho những người tới Thạch Lương để tìm hiểu về lịch sử và nền văn hóa lâu đời của người Thái.

Bạn muốn mua các loại thực phẩm hữu cơ cho bọn trẻ nhưng chi phí quả thực hơi cao hơn các loại thực phẩm thông thường khác mặc dù bạn đã cân đối. Một số lời khuyên nhỏ sau đây sẽ giúp bạn phần nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục