Lễ hội xuống đồng đình Nà Ngàm: Bao giờ cho đến... ngày xưa?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Các cụ già ở Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái) kể lại rằng, ngày xưa, lúc đó nhà dân ở còn thưa thớt, ruộng lúa cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10 âm lịch. Năm này qua năm khác, người dân làm ruộng, gieo lúa nương, trồng bông dệt vải, nuôi trâu, bò, gà, vịt.

Hội đền Đại Cại (Lục Yên) được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương.
Hội đền Đại Cại (Lục Yên) được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương.

Nhưng đến một năm, tháng 10 rồi mà lúa không ra bông, trâu lăn đùng ra chết, lợn không ăn cám, gà vịt không ra chuồng. Tiếp đó là cái đói cái rét, cái ốm yếu đe dọa từng nhà, từng bản. Tết đến xuân về càng khiến cho mọi người lo lắng, hoảng sợ vì không biết đã làm điều gì sai mà ông trời trừng phạt...

Và thế là mọi người hẹn nhau đến rằm tháng Giêng gom góp làm mâm cỗ, đem ra đặt giữa làng để cầu trời khấn đất, nhờ các thần linh giúp đỡ. May mắn thay, năm đó mưa thuận gió hòa, cây cối đâm chồi xanh tươi, mùa màng bội thu, lợn gà sinh sôi, con người khỏe mạnh. Năm sau đó, một ngôi nhà đất 5 gian làm nơi cầu thần được dựng lên do tất cả mọi nhà cùng đóng góp vật liệu. Sau này, mọi người đặt tên là đình Nà Ngàm. Ông Chánh tổng họ Hoàng được dân cử làm ông mo trông coi việc đứng lễ mở hội.

Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, đình mở hội. Tiếng lành đồn xa, người người khắp nơi đến dự lễ vui hội. Buổi sáng, mâm cỗ bày ra, người già đến cầu lễ, người trẻ với cày cuốc trực sẵn ngoài đồng để chờ lễ xong là chạm đất vào mùa. Buổi chiều, già trẻ, trai gái tụ họp vui chơi. Đến chiều tối lại rủ nhau mở các lò hát khắp, hát cọi đối đáp giao duyên...

Đình Nà Ngàm thờ 3 ông thần núi (Đán Đeng, Đán Khao, Đán Đăm) và một ông thần sông (sông Chảy). Bàn thờ có 3 cấp, bàn thượng đặt 3 bát hương ngang hàng nhau ở chỗ cao ráo, chính diện theo nóc nhà đình; mặt tịnh có 3 chữ Hán Nôm là: Thần - Linh - Ứng; mỗi bát hương có một mâm cỗ riêng. Bàn trung ở về hai phía phải, trái dọc theo nóc đình, thấp hơn bàn thượng; mỗi bên đặt 4 bát hương và 4 mâm cỗ. Bàn hạ có 1 bát hương được đặt ngay trên mặt đất, dưới bàn thượng và đặt 1 mâm cỗ.

Ở phía ngoài cửa đình, dưới gốc cây đa đặt 1 bát hương và 1 mâm cỗ thờ ông thần thổ địa bản xứ. Mâm cỗ được mọi nhà đóng góp lần lượt theo phân bổ hàng năm mổ 1 con lợn từ 60kg trở lên, cứ 5 năm thì đóng góp mổ 1 con trâu. Ông mo được trả lễ bằng một thủ lợn hoặc thủ trâu theo năm đóng góp.

Lễ rước ông mo ra đình và rước về nhà khi tan lễ cùng với buổi chầu lễ là nội dung của lễ đình. Đoàn người rước do xã cử gồm 12 người mặc quần vải trắng, áo dài nhuộm chàm, đầu đội khăn xếp đen. Đi theo đoàn rước còn có các vị chức sắc, vợ và con lớn của các chánh phó tổng, tiên chỉ, chánh phó lý, thủ bạ, xã tuần, xã thu và các cụ cao tuổi.

Khi khởi hành, chiêng trống gióng lên 3 hồi 3 tiếng, thứ tự cờ lọng đi trước, chiêng trống dẫn đường rồi mới đến kiệu ông mo, người cầm ô, người ôm trát theo sau (ông mo không ngồi kiệu). Tiếp đến là các vị chức sắc, già làng cùng với vợ con của họ theo một hàng dài đi tới đình.

Ông mo được tắm rửa, ăn chay thanh tịnh từ ngày 25 tháng Chạp năm trước. Khi đoàn rước đến đình, mâm cỗ cũng đã đặt đầy đủ, ông mo mũ áo chỉnh tề vào hành lễ luôn. “Hương pay xa, va pay mơi, dân thự mứa khỏi, mơi pú đán Đeng, mơi pú đán Khao...” (Mùi hương đi tìm, mùi hoa đi đón, dân chúng tôi mời ông Đán Đeng, mời ông Đán Khao). Chín tuần lễ, chín tuần rót rượu là chín lần xin quẻ âm dương cầu phúc, cầu lành, dân cho yên, vật được thịnh. “Pi mấư liệng tua mấư đảy mả, phạ mấư hật cúa mấư đảy lai, nặm têm nà, cha têm tông, co khảu cỏ ăn thày, cha nuầy cỏ lằm cuổi” (Năm mới nuôi con mới được yên, làm của mới được nhiều, nước đầy ruộng, cá đầy đồng, cây lúa bằng cái nắn, cá chép bằng thân chuối. Nông dân xuống đồng làm ruộng được mùa, thóc lúa đầy bồ bội thu, ấm no hạnh phúc). Xong buổi lễ cầu thần, đốt xong vàng mã cũng đã quá trưa. Mâm cỗ được ngả ra giữa đình mời mọi người cùng tận hưởng lộc năm mới do thần ban cho.

Quá Ngọ sang Mùi là giờ vui hội bắt đầu. Mọi người theo chân ông mo ra ngoài sân bãi rộng để thi tung còn, đánh yến, thi đánh quay, bắn nỏ, bắt trạch, đi cà kheo, đi lò cò, xem đua ngựa... Trò chơi nào thì người thắng cuộc cũng đều được ông mo phát thưởng, phát lộc cho may mắn.

Năm 1965, cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc sống bình yên của người dân Mường Lai không còn. Đình Nà Ngàm từ đó cũng bị lãng quên. Tết đến xuân về không còn tiếng chiêng tiếng trống, bản mường không còn vui nhộn nhịp như xưa. Rồi cả khi hòa bình lập lại, cuộc sống có nhiều đổi thay, tiến bộ nhưng người Mường Lai vẫn bùi ngùi, luyến tiếc như đã đánh mất điều thiêng liêng nhất của dân tộc mình bấy lâu đã tôn thờ. Vì thế, nhân dân nơi đây đã đề nghị các ban, ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ xây dựng lại đình Nà Ngàm, tổ chức lại lễ hội xuống đồng.

Năm 1998, 2003, ngành văn hóa huyện Lục Yên đã giúp Ban Văn hóa xã Mường Lai tổ chức lại lễ hội. Nguồn động lực tinh thần ấy đã làm cho mọi người vui mừng, phấn khởi như cây có mưa kích mầm nhú lộc. Song thật buồn, từ đó đến nay, tất cả lại rơi vào im lặng... Nhưng người dân địa phương vẫn không thôi mơ ước và hy vọng, một ngày gần đây, lễ hội xuống đồng đình Nà Ngàm sẽ được khôi phục để niềm vui thêm rộng dài xuân mới và thu hút nhiều du khách đến với Mường Lai.

Hoàng Quang Nhạn

Các tin khác
Nhà thờ đá Sa Pa.

YBĐT - Từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây cũng là điểm đến trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái -Phú Thọ. Những năm gần đây, Sa Pa có sự đầu tư và biến đổi nhanh song vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ núi.

Cổng tây thành Bắc Ninh.

Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời Vua Gia Long, triều Nguyễn, trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng, Hòa Ðình (Tiên Du) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh).

Những chiếc đèn lồng rực rỡ treo trước các ngôi nhà cổ là một trong những nét đặc trưng của Hội An.

Con số vừa được Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An (Quảng Nam) công bố chính thức. 93% trong số đó là di tích kiến trúc - nghệ thuật.

Nước từ Mường Trời đổ xuống tạo nên giếng tiên trong vắt.

YBĐT - Với nhạc cụ pí ló và những giai điệu Thẩm Lé, Báo Sao, những xòe những khắp và sự cố gắng của đồng bào thì Nông Quai Ha và Nậm Tốc Tát sẽ trở thành một phần không thể thiếu dành cho những người tới Thạch Lương để tìm hiểu về lịch sử và nền văn hóa lâu đời của người Thái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục