Độc đáo phong tục cấp sắc của người Dao Nga Hoàng
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 2:51:50 PM
YBĐT – Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao Nga Hoàng sinh sống, Thôn An Thành, xã Y Can huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho dân tộc. Trong đó, cấp sắc là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và lâu đời của dân tộc Dao.
Lễ cấp sắc chính là nghi lễ chấm dứt thời thơ ấu của một chàng trai Dao để đặt tên mới – lúc này, người đàn ông dân tộc Dao mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành cả về thể chất cũng như tâm linh, bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông thực sự, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm…
Hôm nay, cả thôn An Thành thật đông vui. Từ cổng, họ hàng, dân bản xúng xính áo quần truyền thống, các bà, các chị đẹp như đi hội đang đến xem gia đình ông Triệu Phú Thành làm lễ cấp sắc cho con trai Triệu Quý Thắng năm nay đã bước sang tuổi 26. Để chuẩn bị cấp sắc cho con trai, gia đình ông phải chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ lễ phục, tranh thờ, nhạc cụ, mời các thầy đến thực phẩm như lợn, gà, rượu, gạo… Trong quá trình hành lễ thì bố mẹ cùng hai vợ chồng người được cấp sắc và 7 ông thầy phải ăn chay, kiêng nói tục, kiêng quan hệ vợ chồng… Vợ chồng anh Thắng cũng không được gặp nhau, người vợ phải ngồi ở trong một căn buồng kín cho đến khi mọi nghi lễ được hoàn thành.
Các thầy chuẩn bị làm lễ đặt tên âm cho người được cấp sắc. |
Ngày diễn ra lễ cấp sắc được các thầy lựa chọn rất cẩn thận, chủ yếu diễn ra vào dịp cuối năm. Lễ diễn ra trong 2 ngày 2 đêm. Các nghi thức được diễn ra tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Bắt đầu vào làm lễ, các thầy phải làm lễ tế, lễ khấn để kính mời tổ tiên về dự và chứng kiến hôm nay có một người con dân tộc Dao được trưởng thành. Sau đó, các nghi lễ khai đàn để báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ, dâng đèn và đặt tên âm cho người được cấp sắc tiến hành.
Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Hôm nay, anh Triệu Quý Thắng được cấp 7 đèn và 72 binh mã. Theo người Dao, nếu người nào không có tên âm thì chưa được công nhận là người lớn nên lễ đặt tên âm diễn ra rất long trọng. Và giây phút này đối với anh Thắng thật hồi hộp bởi ngay sau đây thôi, Thắng sẽ trở thành người lớn thực thụ.
Sau một hồi các thầy khấn, xin âm dương, thần linh đã chấp nhận cho anh Thắng mang tên thánh sư là Tình. Tên âm đã có, anh chính thức trở thành người lớn. Từ nay, anh và vợ anh sẽ được tham dự mọi hoạt động của cộng đồng, được dự các đám cưới, đám chay với tư cách của một công dân Dao đã trưởng thành. Và cũng từ hôm nay, vợ chồng Thắng sẽ phải gọi 7 thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho mình là cha.
7 thầy làm lễ cấp 7 đèn và 72 binh mã cho người được cấp sắc. |
Sau đó, trước sự chứng kiến của bà con dân bản, thầy dẫn anh Thắng ra ngoài cửa chính và mời Ngọc Hoàng xuống để chứng kiến là bản Dao đã có thêm một người trưởng thành, một người đàn ông được cả cộng đồng công nhận có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng.
Chuẩn bị lễ vật để cấp sắc.
Lễ cấp sắc của người Dao mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu.
Mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, lễ cấp sắc luôn được người Dao Nga Hoàng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc để góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Yên Bái.
Thanh Chi - Thanh Tân
Các tin khác
Cô gái người Mông ngơ ngác khi thấy đám khách lỉnh kỉnh mũ nón, lố nhố ngoài bờ rào chụp ảnh. Bởi cô không để ý, chứ chúng tôi thấy mùa xuân đang đi qua thềm nhà nơi cô đứng.
Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu. Địa phương nổi tiếng về nghề giò chả của Hà Thành phải kể đến Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai).
YBĐT - Với người dân Tây Bắc, đặc biệt là đối với dân tộc Thái Mường Lò, hoa ban đã đi vào cuộc sống của đồng bào với biết bao sự tích và huyền thoại, hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần mà là loài hoa thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái.
Mùa xuân đã đến rất gần trong bạt ngàn sắc trắng tinh khôi của hoa mơ hoa mận trên dải đất vùng cao Tây Bắc. Tết này, bà con các dân tộc Tày, Nùng lại đang hối hả chuẩn bị cho món bánh đón xuân truyền thống của mình.