Những sắc màu của núi
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 3:44:57 PM
YBĐT - Đêm trước phiên chợ, chúng tôi không ngủ, nằm nghe gió miên man đùa giỡn trên nóc nhà và ào ào thổi xuống những cánh rừng thông, vi vút những âm thanh của đại ngàn. Và khi mà cả núi rừng còn chìm trong bóng đêm, khi mà những cơn gió lạnh buốt và màn sương sớm còn đặc giăng kín những con dốc cheo leo ngang trời, đã thấy từng tốp người vượt núi xuống chợ sắm tết.
Xuân về trên vùng cao Mù Cang Chải.
|
Tết ở vùng cao thường đến sớm hơn, điều đó thể hiện rất rõ ở phiên chợ cuối năm. Vẫn là phiên chợ huyện như hôm nào, song điều khác lạ là người và hàng đổ về chợ đã đông và nhiều hơn.
Hàng quán la liệt với đầy đủ các loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ điện, đồ gia dụng… Mới 3 năm mà mảnh đất vùng cao này đã khác xưa nhiều quá! Đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà cũng là suy nghĩ của nhiều người khi trở lại Mù Cang Chải.
Đồng bào Mông đón tết cổ truyền theo Dương lịch, vì thế mà bắt đầu từ giữa tháng 12 họ đã bắt đầu đi chợ sắm tết. Hối hả bán mua trong phiên chợ cuối năm ấy, ông Lý Dua Dàng, bản Háng Bla Ha A cho biết: “Vụ thảo quả vừa rồi gia đình mình thu gần 8 triệu đồng, với lại chăn nuôi thắng lợi, bán thêm mấy con gà nữa là cả nhà đã có một cái tết kha khá.
Cuộc sống bao năm nghèo túng, giờ nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ, đồng bào mình đã có cuộc sống ấm no, có điện thắp sáng nên tết này mình mua cái ti vi về cho con cái xem và cũng để học tập người Kinh cách làm giàu”.
Người Mông Mù Cang Chải đã bớt nghèo. Anh Giàng A Vàng - Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Khao Mang cho biết: “Nếu trước đây đồng bào Mông phải xuống chợ từ đầu tháng để chuẩn bị, nhiều hộ ở xa phải đi bộ mất cả ngày đường, một số hộ dân ở thôn Xéo Mả Táng A, Xéo Mả Táng B, Háng Bla Ha A, Háng Bla B phải đi vòng sang tận Than Uyên (Lao Cai) mất cả ngày đi bộ mới mua được hàng hoá về để đón tết.
Còn hôm nay, đường đã mở, người dân đã có xe máy nên chỉ mất nửa giờ đồng hồ là đã đến được chợ huyện. Anh cũng cho biết thêm: “Hiện số hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 30%, quá nửa số hộ dân trong xã đã mua được xe máy. Nhờ Đảng, Chính phủ mà giáo viên vùng thấp đã tình nguyện đem cái chữ lên vùng cao dạy cho con em mình. Năm 2009, xã có 2 em thi đỗ vào trường đại học, điều mà trước đây người Mông không dám mơ tới”.
Ghé hàng quần áo to nhất chợ, đám nam nữ thanh niên đang tíu tít lựa chọn mấy bộ quần áo mới để diện tết. Thấy chúng tôi ghé vào xem, một cô gái trong nhóm cất tiếng trêu đùa. Đáo để gớm! Tôi cứ tưởng các cô gái vùng cao khi nhìn thấy người lạ phải xấu hổ, thẹn thùng, vậy mà họ bạo thật.
Anh bạn đồng nghiệp cầm máy ảnh bấm lia lịa mấy kiểu để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ đó. Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết đó là mấy cô cậu sinh viên từ miền xuôi theo bạn lên đây ăn tết. Cô gái vừa trêu chúng tôi tên là Huệ, người Hà Nội. Biết vùng cao qua ti vi, sách báo, nhìn cảnh những đứa trẻ lam lũ thất học, Huệ – cô sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ấp ủ khát khao được mang cái chữ đến với những em nhỏ thất học. Bởi thế tết này Huệ theo đám bạn học người Mông cùng lớp về Mù Cang Chải đón tết cũng là để chuẩn bị hành trang cho mình khi năm tới ra trường.
Càng về trưa chợ càng đông, tiếng người mua, kẻ bán ồn ào, tiếng trẻ con gọi nhau í ới, tiếng còi ô tô, xe máy giục giã làm cho không khí phiên chợ cuối năm thêm náo nhiệt. Các bà, các chị đi chợ sắm tết; nam nữ thanh niên gặp nhau rồi nên duyên cũng từ phiên chợ này. Họ trao nhau ánh mắt, chiếc khăn làm kỷ vật để mùa xuân tới sẽ về chung sống cùng một mái nhà.
Từ trên cao nhìn xuống, chợ thị trấn Mù Cang Chải rực rỡ, lung linh những sắc màu của núi. Xuân đã về trên sắc thắm hoa đào, sự tinh khôi trinh tiết của hoa mận, hoa mơ rừng đang vươn mình khoe sắc. Tiếng cười thiếu nữ trong trẻo, ngân nga vọng vào vách núi. Đại ngàn chuyển mình sang xuân.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT – Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao Nga Hoàng sinh sống, Thôn An Thành, xã Y Can huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho dân tộc. Trong đó, cấp sắc là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và lâu đời của dân tộc Dao.
Cô gái người Mông ngơ ngác khi thấy đám khách lỉnh kỉnh mũ nón, lố nhố ngoài bờ rào chụp ảnh. Bởi cô không để ý, chứ chúng tôi thấy mùa xuân đang đi qua thềm nhà nơi cô đứng.
Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu. Địa phương nổi tiếng về nghề giò chả của Hà Thành phải kể đến Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai).
YBĐT - Với người dân Tây Bắc, đặc biệt là đối với dân tộc Thái Mường Lò, hoa ban đã đi vào cuộc sống của đồng bào với biết bao sự tích và huyền thoại, hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần mà là loài hoa thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái.