Người Mông làm du lịch
- Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2011 | 8:46:42 AM
YBĐT - Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm nhấn chính của tuyến lịch Tây Bắc, là một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách tham quan.
Tuần lễ văn hóa Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
|
Người Mông ở Mù Cang Chải chưa thể làm du lịch chuyên nghiệp như người Mông ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhưng chắc chắn ruộng bậc thang cùng những nét văn hóa riêng của đồng bào Mông Mù Cang Chải sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách phương xa đến tham quan và muốn khám phá thêm về vùng đất này.
Trong lễ hội di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, anh Thào A Sử là người đã từng cùng với các hộ dân của xã Chế Cu Nha tham gia trình diễn quy trình làm ruộng bậc thang của đồng bào Mông trước sự chứng kiến của hàng trăm du khách.
Từ lựa chọn vùng đất xác lập quyền khai khẩn, dọn sạch mặt đất, đắp bờ ruộng và làm đường đi lại, bằng bàn tay, khối óc, mồ hôi và sự cần cù, qua thời gian bà con người Mông đã tạo nên một kỳ quan, một di sản văn hóa. Ruộng bậc thang không chỉ là hình thức canh tác đặc trưng của người vùng cao mà chính nhờ sự sáng tạo này đã tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ hấp dẫn và trở thành di sản quý của nhân loại.
Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm nhấn chính của tuyến lịch Tây Bắc, là một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách tham quan. Anh Sử cho biết: Đây là lần đầu tiên mình được trình diễn quy trình làm ruộng bậc thang cho mọi người xem. Mình cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi ruộng bậc thang được công nhận là di tích danh thắng quốc gia, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh và giới thiệu về thành quả lao động của đồng bào mình.
Không chỉ riêng Chế Cu Nha, đồng bào Mông ở xã La Pán Tẩn cũng tham gia làm du lịch khi tổ chức lễ hội Mừng cơm mới, giới thiệu một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao. Trước khi bước vào vụ thu hoạch, đồng bào Mông thường gặt trước một mảnh nhỏ trên thửa ruộng nhà mình để lấy gạo nấu trong lễ Mừng cơm mới, thể hiện sự thành kính, hiếu đễ với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ để vụ mùa tiếp theo được no đủ. Tùy vào điều kiện từng gia đình mà tổ chức to hay nhỏ. Và chỉ sau lễ cúng cơm mới, người Mông mới sử dụng thóc vào công việc khác.
Cùng với danh thắng ruộng bậc thang, lễ hội Mừng cơm mới, trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa Di tích danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là những thời khắc du khách được đắm mình trong không gian văn hóa của đồng bào Mông.
Tham gia vào phiên chợ vùng cao, mỗi người đều muốn mua cho mình một sản phẩm mang về làm quà cho người thân như: mật ong rừng, các sản phẩm dệt thổ cẩm, con dao, cái cuốc. Đặc biệt, du khách có thể trực tiếp cùng với đồng bào làm những nghề truyền thống như: nấu và giã bánh dày rèn, nấu rượu, đan lát, dệt thổ cẩm, tham gia vào các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, đua ngựa và kéo co. Đây cũng là một dịp tốt để đồng bào Mông được tiếp cận với các sản phẩm du lịch và làm du lịch.
Anh Thào A Dơ - xã Chế Cu Nha tâm sự: mình thấy rất phấn chấn trong lòng được tham gia vào Tuần văn hóa này và cũng là cơ hội tốt để mình được giao lưu, học hỏi, tiếp cận với cách làm du lịch. Mình mong muốn Nhà nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động như thế này để bà con làm ra được nhiều sản phẩm bán cho du khách, nâng cao thu nhập.
Đây là lần đầu tiên Yên Bái tổ chức một hoạt động về du lịch có quy mô lớn tại một huyện vùng cao. Trong những ngày diễn ra Tuần văn hóa đã có hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương đến tham quan và tham gia vào các trò chơi dân gian. Ông Tạ Xuân Hiếu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định: Đây sẽ là khởi động quan trọng giúp Yên Bái đưa du lịch trở thành một ngành chính, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, góp phần đổi mới diện mạo ngành “công nghiệp không khói” của địa phương.
Du khách đến với Mù Cang Chải đánh giá rất cao các sản phẩm du lịch của người Mông, ấn tượng về văn hóa bản địa, về những tình cảm nồng ấm của người vùng cao trong những ngày diễn ra Tuần văn hóa. Người Mông ở Mù Cang Chải chưa thể làm du lịch chuyên nghiệp như người Mông ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhưng chắc chắn ruộng bậc thang cùng những nét văn hóa riêng của người Mông Mù Cang Chải sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách phương xa đến tham quan và muốn khám phá thêm về vùng đất này.
Việc tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2010 là cơ hội để Mù Cang Chải quảng bá tiềm năng thế mạnh kinh tế cũng như du lịch của địa phương. Những đóng góp đó sẽ góp phần vào thành công chung của chương trình hợp tác du lịch giữa 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai.
Một số hình ảnh về Di tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải:
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT – Theo dòng du khách thập phương trong dịp hành hương đầu xuân, chúng tôi tìm về đền Đại Kại, một trong những ngôi đền lớn nhất vùng thượng lưu sông Chảy. Tại đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Dao.
YBĐT – ... ngày Rằm tháng Giêng, người người nô nức du xuân đến Khu di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền - Chùa Nam Cường (thành phố Yên Bái) để cầu phúc, cầu bình an cho gia đình và cho xã hội. Đây đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của nhân dân và du khách trong mỗi dịp hành hương đầu năm.
YBĐT - Tối 17/2 (Tức ngày 15 tháng Giêng năm Tân Mão), Lễ hội đền Đại Kại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chính thức khai mạc.
YBĐT - Đến với Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011 tại Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, du khách sẽ được tham quan các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, du lịch của 3 tỉnh trong năm nay với nhiều nội dung hết sức ý nghĩa.