Văn Chấn sẵn sàng cho Chương trình “Du lịch về cội nguồn - 2011”
- Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2011 | 9:05:42 AM
YBĐT - Cùng với thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn là huyện tổ chức tham gia nhiều lễ hội trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn” tỉnh Yên Bái năm 2011.
Phóng viên YBĐT có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Mộc - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn để tìm hiểu thêm về công tác chuẩn bị cho lễ hội.
PV: Theo ông, Chương trình Du lịch về cội nguồn tỉnh Yên Bái - 2011 lần này có tác động gì tới huyện Văn Chấn?
Ông Trần Văn Mộc: Tôi cho rằng, tham gia các hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong chương trình lần này sẽ góp phần quan trọng tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu với nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế về tiềm năng thế mạnh của huyện; thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Văn Chấn. Từ chương trình du lịch cũng sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm của huyện.
Chương trình cũng thúc đẩy, tăng cường hợp tác phát triển du lịch, liên kết các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, văn hóa các dân tộc và tâm linh.
Và để tham gia chương trình hiệu quả, huyện xây dựng qui mô tổ chức lễ hội phù hợp với kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, hiệu quả và vui tươi; gắn ý nghĩa, nội dung của lễ hội với các hoạt động thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước quê hương đổi mới.
- Thưa ông, được biết trong chương trình du lịch này, huyện Văn Chấn tham gia khá nhiều lễ hội đặc sắc?
Đúng vậy! Để triển khai tốt chương trình, ngay từ nửa đầu tháng 1/2011, huyện đã thành lập Ban tổ chức các hoạt động lễ hội gồm 15 đồng chí; thành phần gồm lãnh đạo các ngành và các xã liên quan tới tổ chức lễ hội và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong Chương trình du lịch về cội nguồn, huyện Văn Chấn tham gia vào hai nội dung chính là: tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch cộng đồng dân tộc “Trảy hội mùa xuân” và tham gia Lễ hội ẩm thực dân tộc và Hội chợ “Thương mại - Du lịch Mường Lò”.
Tuần Văn hóa, Du lịch cộng đồng “Trảy hội mùa xuân”, huyện tham gia tổ chức 4 lễ hội gồm: Lễ hội xuân dân tộc Khơ Mú (đón Mẹ Lúa) ở Nghĩa Sơn; Lễ hội xuân dân tộc Dao (Lễ Cấp sắc) ở Nậm Lành; Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Thái ở xã Sơn A và Lễ hội xuân dân tộc Mông ở xã Suối Giàng. Do bắt đầu từ sáng ngày 24/2/2011, trước đêm khai mạc lễ hội 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai vào tối 26/2, trong suốt 4 ngày, cùng với tham gia Lễ hội ẩm thực dân tộc và Hội chợ “Thương mại - Du lịch Mường Lò”, huyện sẽ phải tổ chức Lễ hội xuân dân tộc Khơ Mú (đón Mẹ Lúa ) và kéo dài đến ngày 27/2 nên công tác chuẩn bị không thể không chu đáo.
- Cụ thể việc chuẩn bị ra sao thưa ông?
Cuối tháng 1/2011, huyện đã họp với Ban tổ chức các hoạt động lễ hội của huyện để đánh giá công tác chuẩn bị cho thấy, kế hoạch được triển khai nghiêm túc. Huyện đã xây dựng, thẩm định xong kịch bản, đầu tư kinh phí tổ chức lễ hội và các điệu kiện tổ chức 5 gian hàng tham gia hội chợ đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Huyện cũng phát hiện một số xã đã triển khai thực hiện nhưng chưa thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết để chấn chỉnh trong công tác chuẩn bị.
Việc tuyên truyền cho chương trình du lịch đã được các ngành, các xã triển khai tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng, khẩu hiệu, pa nô, áp phích về thời gian, ý nghĩa của lễ hội... để mọi người biết và tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị và các hoạt động của lễ hội.
Ngay từ trước tết Nguyên đán, UBND các xã, thị trấn đã thông báo cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc trong thời gian đón tết Nguyên đán đến khi diễn ra lễ hội từ 28/1 - 28/2. Huyện cũng đã hỗ trợ Phòng Kinh tế - Hạ tầng 15 triệu đồng; xã Sơn A 30 triệu đồng; các xã Nghĩa Sơn, Nậm Lành, Suối Giàng mỗi xã 10 triệu đồng để tham gia hội chợ và tổ chức lễ hội.
Với phương châm xã hội hóa, cùng với nguồn hỗ trợ của huyện, các xã chủ động lên kế hoạch, huy động các nguồn lực tham gia với mục tiêu đảm bảo nghi thức truyền thống, tránh hình thức, lãng phí không cần thiết.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nắm bắt thông tin, hướng dẫn cơ sở chuẩn bị, kiểm duyệt nội dung, hình thức, chất lượng của các hoạt động trong lễ hội; hướng dẫn các xã xây dựng bản thuyết minh lễ hội; phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng trang trí khánh tiết cho các gian hàng tham gia hội chợ. Với số lượng 5 - 6 gian hàng tham gia hội chợ, trong đó có 3 gian ẩm thực, Phòng Kinh tế - Hạ tầng chuẩn bị đủ số lượng các mặt hàng, món ăn đặc trưng của huyện, đảm bảo an toàn thực phẩm tham gia.
Công an huyện chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để lợi dụng lễ hội hành nghề mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội. Ngành y tế chủ động chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự phòng cấp cứu và phối hợp với ngành liên quan kiểm tra an toàn thực phẩm. Chỉ đạo các xã tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trong tập luyện, hậu cần, chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Mỗi xã đều đã chuẩn bị tối đa 3 đến 4 nhà vệ sinh công cộng tại địa bàn diễn ra lễ hội; chủ động xây dựng bản thuyết minh chương trình lễ hội, trang trí sân khấu, chuẩn bị trang phục phục vụ lễ hội đảm bảo đúng bản sắc, truyền thống dân tộc.
Hiện nay, các thành viên trong Ban tổ chức các hoạt động lễ hội đang tích cực xuống các xã được phân công đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, tổ chức nghiệm thu đảm bảo tiến độ và yêu cầu đặt ra. Huyện Văn Chấn đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng đón Chương trình “Du lịch về cội nguồn” 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ năm 2011.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Đức (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm nhấn chính của tuyến lịch Tây Bắc, là một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách tham quan.
YBĐT – Theo dòng du khách thập phương trong dịp hành hương đầu xuân, chúng tôi tìm về đền Đại Kại, một trong những ngôi đền lớn nhất vùng thượng lưu sông Chảy. Tại đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Dao.
YBĐT – ... ngày Rằm tháng Giêng, người người nô nức du xuân đến Khu di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền - Chùa Nam Cường (thành phố Yên Bái) để cầu phúc, cầu bình an cho gia đình và cho xã hội. Đây đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của nhân dân và du khách trong mỗi dịp hành hương đầu năm.
YBĐT - Tối 17/2 (Tức ngày 15 tháng Giêng năm Tân Mão), Lễ hội đền Đại Kại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chính thức khai mạc.