Hai mươi lễ hội một ngày, làm thế nào?
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2011 | 8:23:38 AM
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định xây dựng quy hoạch lễ hội toàn quốc, hi vọng chấn chỉnh tình trạng bất cập thời gian qua.
Hội Làng Thư Lâu, Duy Tiên, Hà Nam.
|
Cục Văn hóa cơ sở được giao trách nhiệm xây dựng quy hoạch lễ hội, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Hiện Phòng nếp sống văn hóa (thuộc Cục) đảm trách xây dựng đề cương. Đại diện Cục cho rằng, đây là việc cần làm, nhưng thời điểm này chưa thể có ngay phương pháp cụ thể, phải chờ xong đề cương, lấy ý kiến các cơ quan, chuyên gia ngành văn hóa. Quy hoạch này là quy hoạch tổng thể, để hướng dẫn cho từng địa phương.
Hiện cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội/năm, gồm lễ hội dân gian, tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng… Chia trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 20 lễ hội. Tuy nhiên, theo chị Tuyết Mai ở Cục Văn hóa cơ sở: "Đó là thống kê trên cả nước, dựa trên danh mục lễ hội có thần tích, địa điểm. Thực tế có lễ hội diễn ra, có lễ hội không phải năm nào cũng diễn ra".
Đa số lễ hội không thoát khỏi bất cập. Nào đua nhau tổ chức với quy mô lớn. Nào gần như chung nhau kịch bản: Khai mạc long trọng, hình thức sân khấu hóa phân chia thành hai phần lễ và hội, hàng loạt dịch vụ và hàng quán ăn theo. Có nhà văn hóa dân gian cho rằng: "Thật sai lầm khi quan niệm lễ hội gồm phần lễ trang nghiêm và phần hội vui chơi".
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản Văn hóa Phi vật thể từng nói: "Đi hội là câu chuyện tốt, để người dân được hưởng cuộc sống tâm linh, bản sắc văn hóa. Mở hội, đi hội để giao lưu, thưởng thức giá trị tinh thần tốt đẹp". Ông cho rằng, quan trọng là đi hội sao cho văn minh, không nên biến đi hội thành cách cầu xin thần thánh một cách thô thiển. Hơn nữa, gần đây phát sinh nhiều lễ hội vùng miền, các tỉnh muốn khoe văn hóa và nhằm phát triển du lịch bèn xin kinh phí tổ chức. Các nhà văn hóa cho rằng, loại hội hè này thường không thể hiện rõ bản sắc văn hóa, kịch bản na ná nhau.
Còn lễ hội dân gian là nguyện vọng của dân, nên nếu quy hoạch mà phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng thì có khả năng thành hiện thực hơn. GS. TS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Quy hoạch là đúng, nhưng quy hoạch như thế nào, có phù hợp với thực tiễn không, có phát huy được vai trò lễ hội không. Phát triển văn hóa lễ hội lành mạnh là cả vấn đề. Theo tôi lễ hội dân gian có từ xưa, do người dân bỏ tiền tự tổ chức và hưởng thụ, không hề lấy kinh phí nhà nước. Những hư thân mất nết không phải từ các lễ hội dân gian đó. Quy hoạch phải tin vào người dân vì từ hàng nghìn năm nay, lễ hội vẫn tồn tại, tốt đẹp, chỉ có gần đây mới sinh chuyện".
(Theo TPO)
Các tin khác
Khoảng thời gian nghỉ 4 ngày, dịp lễ 30/4, 1/5 được xem là thời điểm các công ty lữ hành đưa ra các chương trình hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với mục đích thu hút khách hàng, đồng thời cũng mở màn cho tour du lịch hè.
YBĐT - Vùng Mường Lò không rộng về diện tích nhưng không gian văn hóa lại vô cùng rộng lớn. >>> Về Miền Ban trắng / Lễ khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2011.
Đến với vùng đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, điều khiến du khách nhớ mãi không chỉ là những dòng kênh nhỏ núp bóng dừa xanh mà còn là hương vị của những chiếc bánh cống vàng ươm - đặc sản dân dã của vùng sông nước nơi đây.
YBĐT - Bánh chim gâu - một trong những món ăn được coi là đặc sản ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.