Bao giờ du lịch về làng?
- Cập nhật: Thứ tư, 11/5/2011 | 8:59:23 AM
YBĐT - Du lịch cộng đồng ở Mường Lò từ trước đến giờ vẫn luôn được xác định có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, loại hình du lịch này hầu như mới chỉ được tỉnh và các địa phương trong vùng tổ chức dựa trên các hoạt động mang tính sự kiện.
Những làng bản đông đúc ở xã Suối Giàng (Văn Chấn) sẽ là điều kiện rất tốt để làm du lịch cộng đồng.
|
Không ít người dân trong vùng cho rằng, từ lâu đã được tuyên truyền, ra sức xây dựng làng văn hóa, khôi phục và bảo tồn văn hóa tộc người để hướng tới khai thác kinh tế du lịch, nâng cao đời sống nhưng không biết đến bao giờ du lịch mới về làng?
Những làng văn hóa như: Ao Luông của người Mường (xã Sơn A, huyện Văn Chấn), bản Đêu của người Thái (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) cùng hàng loạt các làng người Thái, người Mường khác ở vùng Mường Lò đều có điều kiện để làm du lịch không thua kém gì so với làng Ngòi Tu của người Dao (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình).
Thậm chí, Mường Lò còn hơn hẳn Vũ Linh bởi đây là cửa ngõ của vùng du lịch Tây Bắc, giao thông thuận tiện, lượng người trực tiếp tham gia du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, cảnh quan qua vùng này rất đông. Đặc biệt, Nghĩa Lộ lại ở vị trí dừng chân của khách khi họ đã đi một hành trình dài từ các tỉnh miền xuôi lên Lai Châu, Lào Cai.
Câu hỏi đặt ra, liệu các địa phương trong vùng đang thiếu cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, thế mạnh hay còn thiếu tự tin, thiếu phương pháp tiếp cận loại hình du lịch này? Một số đoàn khách từ Hà Nội đã được tiếp cận cách làm du lịch cộng đồng trong một số gia đình người Thái ở xã Nghĩa An.
Sau khi được nghỉ ở nhà sàn của dân, được ăn các món ăn dân tộc, được thăm thú cảnh quan, làng nghề, được nghe kể các chuyện cổ dân gian, xem múa hát truyền thống... họ rất thích thú. Đây cũng là một xu hướng làm du lịch đang rất phát triển ở nhiều địa phương miền núi thuộc các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Sở dĩ họ thành công là vì họ nắm bắt được hai xu hướng về nhu cầu đi du lịch hiện nay đó là, đi du lịch đến những địa chỉ nổi tiếng và đi du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa tộc người ở những miền đất lạ.
Với một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc như Yên Bái nói chung, vùng Mường Lò nói riêng thì nhu cầu của người đi du lịch chắc chắn sẽ nghiêng về xu hướng du lịch khám phá. Bởi lẽ, nếu ta hướng vào du lịch cộng đồng bằng cách thỏa mãn nhu cầu của khách thông qua những lễ hội mùa xuân thì rất khó khăn do các lễ hội chỉ diễn ra vào dịp đầu xuân và để tổ chức được một lễ hội này rất công phu, tốn kém. Hơn nữa, du lịch khám phá đang là sự lựa chọn của rất nhiều người do không cần phải chi nhiều tiền mà vẫn thực hiện được những chuyến đi xa, dài ngày qua nhiều vùng đất.
Nếu khách du lịch được nghỉ trong các làng, bản, trong nhà sàn rộng rãi, có cảnh quan đẹp, công trình vệ sinh sạch sẽ, môi trường trong lành, an ninh trật tự tốt với giá 50 đến 70 nghìn đồng mỗi đêm và ăn những món từ thịt gà, lợn, cá, rau quả nuôi trồng tại chỗ được chế biến theo kiểu món ăn dân tộc có giá chỉ bằng 2/3 so với các quán ăn ở thị xã, tin chắc rằng rất nhiều khách du lịch sẽ chọn về vùng nông thôn.
Để loại hình du lịch này sớm trở thành hiện thực, các địa phương ở vùng Mường Lò nên nghiên cứu đầu tư xây dựng các mô hình điểm trước tiên ở các thôn như bản Đêu và thôn Ao Luông.
Đồng thời, cần làm tốt việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập website giới thiệu loại hình du lịch này ở Mường Lò, tăng cường tổ chức tiếp các đoàn khách tại những nơi được lựa chọn tổ chức làm du lịch cộng đồng để người dân có điều kiện cọ xát với cách làm du lịch, có thêm thu nhập; hướng dẫn kĩ năng và khuyến khích người dân đầu tư cơ sở vật chất tham gia làm du lịch, lập địa chỉ đầu mối đón tiếp khách hoặc tiếp nhận thông tin của khách, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chính là người dân tộc tại nơi làm du lịch.
Khi khách đến Mường Lò cần có các biển quảng cáo để họ nhận biết ở đây có tổ chức loại hình du lịch cộng đồng tại các làng, bản, tộc người, du lịch cảnh quan sinh thái gắn với các địa danh như: Suối Giàng, suối khoáng bản Bon, di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, làng nghề thổ cẩm...
Những việc làm này chắc chắn sẽ gặp những khó khăn ban đầu nhưng cần có sự quyết tâm cao cả từ phía chính quyền lẫn người dân. Đến khi mọi hoạt động đã đi vào nề nếp, tự nó sẽ kích thích người dân mở rộng quy mô để nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ khai thác tiềm năng du lịch.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Bộ VH,TT&DL đã xây dựng kế hoạch vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới trong giai đoạn quyết định, gồm 2 đợt: Đợt I được thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 7; đợt II từ đầu tháng 8 đến hết tháng 10 năm nay.
Ngày 5/5, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo hai di sản của Việt Nam trong số 42 di sản tự nhiên và văn hóa của hơn 40 nước sẽ được UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản thế giới vào tháng Sáu tới.
Tạp chí du lịch uy tín Lonely Planet của Anh vừa giới thiệu 10 địa điểm tuyệt vời trên thế giới cho môn du lịch đi bộ, trong đó có khu du lịch Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam).
Tại TP.HCM, Nhãn hàng thời trang Pháp Lacoste phối hợp với Lãnh sự quán Pháp tại thành phố tổ chức triển lãm những tác phẩm nghệ thuật trong nước và quốc tế lấy cảm hứng từ chiếc áo polo huyền thoại của Lacoste: L.12.12