Lượng khách tham quan tăng kỷ lục trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9
- Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2011 | 1:59:00 PM
Từ ngày 2 đến ngày 4-9, lượng khách đổ về các điểm du lịch từ khắp Bắc - Trung - Nam đều tăng đột biến.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
|
Tại Hà Nội, Công viên Hồ Tây tổ chức các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tạp kĩ, xiếc hề ảo thuật, roadshows tái hiện các câu chuyện cổ tích khiến lượng khách đến đây tăng gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Tại một số khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Ba Vì như: Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Đầm Long… đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, đường vào một số nơi còn bị ách tắc kéo dài. Đại diện khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà cho biết, thời tiết thuận lợi và ngày nghỉ kéo dài đã tạo điều kiện để các điểm du lịch "hút" khách. Trong kỳ nghỉ này, trung bình mỗi ngày nơi đây đón khoảng 10.000 người (tăng gấp 3-4 so với những ngày cuối tuần bình thường).
Tại hai điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc là Sa Pa (Lào Cai) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ước tính, "thị trấn sương mù" đón khoảng gần 10.000 du khách. 170 cơ sở lưu trú với khoảng 4.000 giường không đáp ứng đủ nhu cầu, nên nhiều phòng nghỉ bình dân tăng giá từ 250 nghìn đồng lên 400-500 nghìn đồng/phòng/ngày mà luôn kín chỗ. Theo thống kê của Sở VH, TT& DL Quảng Ninh, năm nay, du khách đến tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long đạt khoảng 1.300 lượt, chủ yếu là khách nội địa. Riêng ngày 2-9, Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy đón 9.242 lượt khách đến Vịnh Hạ Long và trên 462 lượt tàu (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2010). Sở hữu bãi biển đẹp cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch phong phú, Đà Nẵng dịp này cũng thu hút 66.360 lượt khách (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2010).
Tại TP Hồ Chí Minh, nắng nóng và oi bức, nhưng trong 3 ngày nghỉ lễ dòng người đổ về các khu vui chơi vẫn rất đông. Lượng khách tới Khu du lịch Suối Tiên lên tới 170.000 lượt người, tăng 5% so với năm trước, khách ở các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ chiếm 40%. Khách đến Công viên Văn hóa Đầm Sen cũng tăng khoảng 10% so với dịp 2-9 năm ngoái. Riêng tối 2-9, Đầm Sen đã thu hút khoảng 170.000 lượt khách do có bắn pháo hoa. Các điểm vui chơi ở ngoại thành, đặc biệt những nơi có dịch vụ câu cá giải trí như Thanh Đa, Bình Quới (quận Bình Thạnh) hay quận Bình Chánh… cũng "bội thu" do đông khách tới đây "trốn nắng". Dù TP đã tăng cường 500 chuyến xe buýt trên 20 tuyến có lộ trình đi qua các khu vui chơi, giải trí, các bến xe, nhưng nhiều chuyến xe buýt tới khu vực Suối Tiên, Đầm Sen vẫn kín khách. Ban giám đốc Bến xe miền Tây cho biết, có khoảng 40.000 khách tới bến xe trong dịp lễ 2-9, tăng gấp đôi ngày thường.
Khác với mọi năm, dịp 2-9 năm nay giao thông tại các cửa ngõ TP Hồ Chí Minh đã "dễ thở" hơn. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm nay, tại các tuyến đường ra vào thành phố, đặc biệt là khu vực trước cổng các điểm vui chơi như Suối Tiên, Đầm Sen… thường xảy ra ùn tắc vào các dịp lễ tết, nên từ 2h chiều 4-9, CSGT đã túc trực để điều tiết, hướng dẫn phương tiện di chuyển đúng làn đường. Nhiều người tham gia giao thông cũng tránh giờ cao điểm, hoặc chủ động chọn hướng lưu thông song hành nên tình trạng kẹt xe cũng giảm. Các cửa ngõ hướng miền Tây, quốc lộ 1A… tuy lượng phương tiện khá đông nhưng vẫn di chuyển được. Tình trạng ùn tắc cục bộ chỉ xảy ra lúc 16h chiều tại khu vực ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), do thời điểm này lượng khách đi du lịch các tỉnh Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt... trở về thành phố khá đông.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Hội thi trâu lần này, 12 cặp trâu được tuyển chọn qua vòng loại trực tiếp đến từ các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên và Văn Yên tham gia các nội dung: thi trâu kéo nhanh, trâu béo đẹp, trâu to nhất và trâu thi trận đấu hay nhất.
Trong những ngày mùa thu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các địa danh lịch sử như khu di tích Tân Trào, Điện Biên Phủ, Cao Bằng... đã trở thành sự lựa chọn trong hành trình khám phá điểm đến của không ít người dân.
Mắm là món trứ danh của người dân Nam Bộ, từ lúc đi mở cõi phương Nam. Không đơn thuần là món ăn dân dã mà mắm còn là sản phẩm văn hóa đặc trưng miền sông nước Nam Bộ. Đến nỗi, sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Ở Nam Bộ có những kỳ thi ăn mắm và đã có người ăn một lúc cả chục cân”.
Đây là món “độc” dùng để đãi khách quý ở các xã miền núi của huyện: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam) và một vài xã ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).