Bánh tẻ Sơn Tây, món quà thành cổ
- Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2011 | 8:12:46 AM
Sơn Tây bình yên với thành cổ. Mọi thứ có vẻ u trầm, không ồ ạt thương mại hóa. Ngay cả các đặc sản cũng không hẳn mời chào du khách. Nhưng mọi thứ vẫn cần khám phá.
|
Khách du lịch đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chỉ “nhăm nhăm” thăm cho xong thành cổ rồi tìm quán ăn có các món thịt cò để ăn nhậu. Sau đó thì khách về, ồn ào và hết chuyện. Có chăng chỉ là câu chuyện về thành cổ Sơn Tây rất đẹp.
Hoặc khách sẽ đi thêm mấy cây số về lại làng đường cổ Đường Lâm. Những ấn tượng về một ngôi làng thuần Việt vẫn thiếu một hương, vị nào đó để làm nên cái hồn.
Người Sơn Tây hiền hòa, nhẹ nhàng và hơi có nét u buồn. Cái nết ăn, nết ở của họ cũng có gì đó nhẹ nhàng, trầm trầm. Người nơi khác ăn cỗ phải có bánh chưng, bánh dầy, xôi trên mâm cỗ. Nhưng người Sơn Tây lại ăn bánh tẻ. Chiếc bánh tẻ ở đây nhỏ nhỏ, thon thon, nhân thịt nạc, mộc nhĩ, ăn không biết ngán.
Một người bạn ở gần thành cổ dẫn tôi đến nhà vợ chồng chị Hoàng Thị Vân và anh Hoàng Xuân Hùng (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) để đặt bánh tẻ làm quà. Vừa vào đến cổng, mùi thơm đặc trưng của lá bánh đã tỏa ra nghi ngút. Ngoài trời có nóng nhưng trong ngôi nhà cổ ấy có một không khí thật ấm áp. Cảm giác ấm áp thực sự rất khó cảm nhận ở nơi khác.
Mỗi ngày nhà chị làm gần 2.000 cái bánh tẻ cho những người muốn đặt làm quà, hoặc làm món ăn chính trong các đám cỗ bàn ở cả khu vực Sơn Tây.
Gạo làm bánh thường phải ngâm cho “ngấu”, có mùi hơi chua chua rồi mới đãi để xay bột. Xay bột xong phải nấu ở mức chưa chín hẳn. Bột dẻo, sờ tay có cảm giác dính, nhưng lại không phải thế. Cảm giác bột hết nước, trông mềm, mịn như làn da của thiếu nữ đang thời xuân thì.
Bánh tẻ những nơi khác gói bằng lá chuối, gói khum khum thể hiện tính âm dương và phát triển của vũ trụ. Nhưng bánh Sơn Tây lại được gói bằng lá dong, nhân trải đều, dài, theo dọc sống lá. Bánh ở nơi khác thường có kiểu: ruột ít nhiều lá, nhưng bánh tẻ Sơn tây thì ngược lại: một lượt lá dong tươi bên trong để tạo mùi thơm đặc trưng, 2 lượt lá chuối bên ngoài để bánh không bị lòi ra khi hấp chín. Không lá đùm lá và ít nhân như mọi người vẫn nghĩ về bánh lá.
Bánh tẻ có mùi thơm của lá dong, lá chuối khô, không nhiều mùi mỡ và không có mùi hành phi hay hành tươi. Đàn ông hay đàn bà đều có thể ăn, có thể ăn chơi, ăn no, ăn bất cứ ở đâu cũng ngon.
Bánh tẻ Sơn Tây “nhất định” giấu mình với khách du lịch. Không phải lỗi tại người làm bánh, không phải lỗi chất lượng bánh, đó là vì du lịch Sơn Tây chuyển động hơi chậm. Chậm nhưng chắc. Người ta không ồ ạt kéo vào đây, nhao nhao kinh doanh bánh tẻ. Mọi thứ vẫn còn bình yên lắm.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Theo tin từ Bộ Văn hóa-Thể theo và Du lịch cho biết, Lý Nhã Kỳ (tên thật là Trần Thanh Nhàn) đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 1 năm từ 9-2011 đến 9-2012 theo Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL.
Ngày 27-9, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ông Bernaro, Chủ tịch Tổ chức NewopenWorld đã trao giấy chứng nhận Vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới do tổ chức này khởi xướng.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết đề nghị bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới bằng tiếng Việt đã được Tổ chức NewOpenWorld chấp thuận.
YBĐT - Tại thôn Tân Thành, xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) gần cây cầu sắt có tên cầu Trạng trên đường tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang (đoạn từ Yên Bái lên Văn Yên) có một ngôi miếu nhỏ nằm trên đồi. Người dân gọi ngôi miếu này là đền thờ Lương Thế Vinh (hay đền thờ Trạng Lường).