Du xuân phố núi

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/2/2013 | 9:23:10 AM

YBĐT - Dừng chân tại trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái - thành phố trẻ êm đềm bên dòng sông Hồng thơ mộng chứa đựng dấu ấn huyền thoại một thời, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp của phố núi mà còn được tham gia hành trình tâm linh cầu tài, cầu lộc tại các điểm văn hóa tín ngưỡng.

Chùa Minh Pháp (chùa Rối).
Chùa Minh Pháp (chùa Rối).

Không đậm chất huyền thoại linh thiêng của vùng đất Tổ, cũng không có cái kỳ vĩ nơi cầu mây thác Bạc Sa Pa song du lịch thành phố luôn để lại trong lòng mỗi du khách qua đây những ấn tượng khó phai về một thành phố núi - nơi được xem là vùng đất thiêng, kết tinh từ sự đa sắc màu văn hóa, từ truyền thống yêu nước, dựng nước và giữ nước của 18 dân tộc quần cư trên mảnh đất này với rất nhiều điểm danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh được cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Dừng chân tại trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái - thành phố trẻ êm đềm bên dòng sông Hồng thơ mộng chứa đựng dấu ấn huyền thoại một thời, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp của phố núi mà còn được tham gia hành trình tâm linh cầu tài, cầu lộc tại các điểm văn hóa tín ngưỡng như: chùa Tùng Lâm; đền Mẫu, chùa Vạn Thắng, đình Nam Cường, đền Tuần Quán; đền, chùa Bách Lẫm và đền, chùa Rối; thăm quần thể Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học...

Tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học - điểm dừng chân đầu tiên khi tham quan phố núi, du khách sẽ được sống trong ký ức lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930 gắn với tên tuổi của 17 chí sĩ yêu nước.

Thắp một nén hương trầm lên phần mộ - nơi các chí sĩ kiên trung yên nghỉ vĩnh hằng, kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài người anh hùng xả thân vì nghĩa lớn hay chầm chậm chạy xe con trên đường mang tên Nguyễn Thái Học,  tưởng nhớ tới câu nói của nhà thơ cách mạng Pháp Lu.I.Aragông: “Yên Bái nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ”...

Được thiết kế vừa mang dáng dấp kiến trúc hiện đại hòa quyện với kiến trúc truyền thống của dân tộc, Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học nằm trong khuôn viên của Công viên Yên Hòa là một trong những điểm đến thăm quan, tưởng niệm của du khách trong nước, quốc tế khi đặt chân tới mảnh đất Yên Bái.

Tiếp tục cuộc hành trình, du khách có thể đến thăm chùa Tùng Lâm thuộc phường Hồng Hà. Chùa còn có tên khác là chùa Ngọc Am. Cuối triều Nguyễn, chùa được các nhà buôn và chủ thuyền người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Hưng Hóa, Bạch Hà và cả những thương nhân Hoa kiều, phu thuyền ở Mông Tự - Mạn Hảo - Hà Khẩu (Trung Quốc) xây dựng.

Năm 1900, chùa được tôn tạo và có sư trụ trì. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa bị phá hủy. Năm 2003, chùa được xây dựng khang trang do Đại đức Thích Minh Huy trụ trì. Lễ chùa được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán đầu xuân và Quốc khánh 2/9 nguyện cầu cho đất nước “Phong đẳng hòa cốc”, nhân dân bình an. Nhà chùa có hai tiết lễ sinh động là lễ cầu siêu và chèo thuyền về Tây Trúc.

Rời chùa Tùng Lâm, xuôi dòng sông Hồng về phía nam, du khách sẽ đến đền, chùa Bách Lẫm. Đây là ngôi đền - chùa có lịch sử hàng trăm năm. Đền - chùa Bách Lẫm thờ thần Tản Viên Sơn Thánh và các vị thủ lĩnh địa phương có liên quan đến các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, Minh, Thanh. Chùa Bách Lẫm thờ Phật giáo theo phái Đại thừa, hệ thống tượng trong chùa có giá trị thẩm mỹ. Hàng năm, vào ngày mão đầu năm, nhân dân trong vùng và khách thập phương tụ hội về đây để hương nhang chiêm bái.

Cách chùa Bách Lẫm không bao xa, cũng tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng, đền Tuần Quán là ngôi đền cổ có từ thế kỷ XIV thời nhà Lê. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) có ghi: “Đền thờ thần Diệp phu nhân ở xã Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tương truyền là vị công chúa có tên là Hưng Nương, con vua Trần Anh Tông. Là đền tối linh ở sông Thao, các triều đều gọi là Quốc Mẫu Thánh ân Bách Lẫm”.

Ngôi đền đã có nhiều trăm năm tồn tại trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân địa phương gắn liền với lịch sử Yên Bái. Các triều đại phong kiến như hậu Lê, triều Nguyễn đều có sắc phong của vua cho đền. Ngày nay, đền được xây dựng lại theo đúng trên nền cũ, các tiết lễ của đền được duy trì theo đúng tục xưa, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách thập phương tới thăm quan, chiêm bái.

Đến với đền, chùa Rối hay đình Nam Cường, chùa Vạn Thắng… du khách sẽ gặp lại nét kiến trúc cổ xưa riêng có của đền, chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Ngoài nét đặc trưng về tín ngưỡng tôn giáo, nhân dân trong vùng vẫn duy trì những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt văn hóa đầu xuân; nhiều trò chơi dân gian được quan tâm bảo tồn và khôi phục, giữ nguyên bản sắc văn hóa riêng có của từng vùng, miền, địa phương, dân tộc, tôn giáo.

Với nhiều điểm di tích, danh thắng kỳ thú, tham quan cảnh đẹp phố núi, hẳn du khách sẽ tìm được cho mình phút thư thái trong tâm hồn để thấy yêu hơn, tự hào và quý trọng mảnh đất này. Và cũng là còn để mọi ước vọng gửi gắm vào mùa xuân luôn tròn đầy, viên mãn, hướng con người tới những điều chân - thiện - mỹ.

Phạm Minh

Các tin khác
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) là điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích. (Ảnh minh họa)

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 11/5 thông tin: Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương đang mở cổng bình chọn tại địa chỉ www.worldtravelawards.com. Thời hạn bình chọn đến hết ngày 23/7/2024.

Đội văn nghệ dân tộc Mông thôn Bản Mới, xã Suối Giàng biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh, hoạt động du lịch của huyện Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc, đưa địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách với những sản phẩm nổi trội.

Thời gian tới, huyện Lục Yên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch “Chợ đá quý Lục Yên”.

Đến nay, huyện Lục Yên đã tạo việc làm cho khoảng 800 lao động từ hoạt động du lịch; trong đó, 350 lao động trực tiếp, còn lại là lao động gián tiếp.

Trình diễn Khinh khí cầu tại Cát Bà, TP Hải Phòng hồi tháng 4-2024.

Người dân và du khách có cơ hội trải nghiệm bay treo khinh khí cầu miễn phí và chụp hình ở độ cao tối đa 50 m trong Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024 từ ngày 11-5 đến ngày 15-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục