Lễ hội vùng quê bưởi
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2013 | 10:01:11 AM
YBĐT - “Đồn rằng Khả Lĩnh vui thay/ Bên đông có giếng, bên tây có hồ/ Giữa làng có miếu thờ vua/ Dưới sông nước chảy gió đưa một dòng” - những câu ca đó gợi đến vùng quê Khả Lĩnh (xã Đại Minh, huyện Yên Bình) với lễ hội đình Khả Lĩnh vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm.
Nghi tế lễ ở đình Khả Lĩnh.
|
Làng Khả Lĩnh nằm bên dòng sông Chảy bấy lâu nay được gọi là làng bưởi, bởi nơi đây có giống bưởi thơm ngon nổi tiếng mà không phải vùng đất nào cũng có được.
Từ quốc lộ 37, qua cầu Mơ, xuôi theo con đường bê tông uốn lượn qua những vườn bưởi đang bật lên những chồi non, du khách sẽ đến với ngôi đình cổ kính trải qua thăng trầm lịch sử mấy trăm năm qua. Đình thờ một vị quan tải lương nhà Mạc, tên là Nguyễn Viết Lãng, người đã có công khai phá, vỡ đất, dựng ấp lập làng. Khi tướng quân mất, để tưởng nhớ công ơn khai hoang của ngài, dân làng đã lập đình thờ và tôn tướng quân là thành hoàng Thượng Đẳng Thần Cao Sơn Đại Vương.
Cũng vào năm đó hạn hán kéo dài, người dân trong làng đổ đi khắp nơi tìm nguồn nước, đến một cánh đồng rộng thấy có một mô đất hình mỏ cò cỏ mọc xanh tươi, từ đâu, bỗng có đôi cò trắng bay tới, lượn quanh rồi vút lên trời cao.
Thấy sự lạ, dân làng cho đó là điềm lành nên làm lễ tạ và xin được đào giếng. Quả nhiên, khi vừa đặt những nhát cuốc đầu tiên thì thấy nước dưới lòng đất, một dòng nước trong vắt chảy ra tưới mát cả một vùng. Mảnh đất hạn hán bao ngày bỗng xanh tươi trở lại, cây cối đâm chồi nảy lộc. Từ đó dân làng gọi đây là giếng Mỏ Cò và nước giếng chỉ phục vụ cho việc tế lễ. Đã mấy trăm năm trôi qua, với bao biến đổi của thời gian nhưng giếng nước huyền thoại vẫn trong vắt, mát lành như thuở ban đầu và không bao giờ cạn nước.
Người dân ở đây tin rằng chính thành hoàng làng linh thiêng đã ban cho dân làng nguồn nước qúy. Mạch nước này cho mùa màng bội thu, cho bưởi Khả Lĩnh bao đời thơm ngon. Từ lâu, những người am hiểu về giống bưởi qúy đều cho rằng cũng giống bưởi đó nhưng trồng càng xa mảnh đất Khả Lĩnh bưởi sẽ bớt dần hương vị vốn có, một phần vì ở đây có mạch nước quý.
Dòng họ Nguyễn là những người đầu tiên lập làng. Sau này, hàng chục dòng họ khác cùng đến định cư mở làng, hình thành thôn Khả Lĩnh ngày nay. Đình Khả Lĩnh là nơi linh thiêng của người dân địa phương, nơi diễn ra các hoạt động tế lễ quan trọng, đặc biệt vào dịp đầu năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình được trùng tu, tôn tạo có kiến trúc như ngày nay.
Năm 2004, đình làng Khả Lĩnh chính thức được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, nhân dân trong vùng lại nô nức mở hội tưởng nhớ công ơn vị thành hoàng Thượng Đẳng Thần Cao Sơn Đại Vương đã có công khai đất mở làng.
Trong ngày lễ hội, nghi thức đầu tiên là rước nước vào đình. Nước lấy từ giếng nước Mỏ Cò về dâng lên Thành hoàng, đây là nghi thức quan trọng thể hiện mơ ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau nghi thức dâng nước lên Thành hoàng là lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật. Kết thúc phần lễ là nghi thức hóa trúc văn với những lời thành kính của dân làng. Phần hội được tổ chức gồm các trò chơi dân gian truyền thống của vùng sông Chảy như đánh cờ, kéo co, đấu vật, chọi gà…
Ông Trần Quang Khải – Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Nhiều năm nay, lễ hội được duy trì như một nét văn hoá của người dân địa phương. Tuy nhiên, ngôi đình hiện nay đã bị xuống cấp nhiều chỗ hư hỏng, ban quản lý cùng bà con nhân dân rất mong muốn có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bà con và du khách xa gần để khu di tích được khang trang hơn”.
Bưởi đã bắt đầu lặng lẽ tỏa hương phảng phất trong mùi hương trầm trang nghiêm. Hy vọng, truyền thuyết đẹp cũng như những nét văn hóa đặc sắc vùng quê bưởi sẽ được bảo tồn và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Hồng Khanh
Các tin khác
Ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và huyện Lâm Bình tổ chức lễ hội Lồng tồng và đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Lồng tồng của người Tày” tỉnh Tuyên Quang.
YBĐT - Dừng chân tại trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái - thành phố trẻ êm đềm bên dòng sông Hồng thơ mộng chứa đựng dấu ấn huyền thoại một thời, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp của phố núi mà còn được tham gia hành trình tâm linh cầu tài, cầu lộc tại các điểm văn hóa tín ngưỡng.
YBĐT - Ngay sau những ngày vui xuân đón tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, huyện Lục Yên lại tích cực chuẩn bị tổ chức các lễ hội truyền thống đầu xuân năm mới.
Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD.