Yên Bái: Những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động khoa học và công nghệ
- Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, năm 2007, hoạt động khoa học và công nghệ có nhiều đổi mới, bám sát các yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở KH&CN. (Ảnh: Anh Dũng)
|
Công tác tham mưu, tư vấn được chú trọng nhằm đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu lực quản lý. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trình UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 294/2007/QĐ-UBND, ngày 27/02/2007 về việc ban hành Quy định quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Yên Bái; Quyết định thành lập Phòng Thông báo - hỏi đáp và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (viết tắt là Phòng TBT) thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nhằm trang bị kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Đồng thời xây dựng các dự thảo, trình UBND tỉnh phê duyệt (trong năm 2007): Quy định chế độ hỗ trợ khuyến khích đối với các tổ chức áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Quy định về cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quy định về thẩm định, giám định công nghệ và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Quy chế quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Đề án "áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2007-2010". Đồng thời, KH&CN là đơn vị đi đầu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này.
Góp phần phục vụ cho chủ trương đổi mới công nghệ, thiết bị lạc hậu trong các ngành sản xuất của tỉnh: Sở KH&CN đã tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ của 59 cơ sở chế biến lâm sản của tỉnh; điều tra, đánh giá trình độ công nghệ 76 cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đồng thời đề xuất các giải pháp và lộ trình phát triển công nghiệp chế biến chè tỉnh Yên Bái giai đoạn 2007-2010.
Việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học - công nghệ được chủ động dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những đề xuất từ các ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều được tư vấn từ các chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn. Danh mục các đề tài, dự án được phê duyệt được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các tổ chức, cá nhân để tham gia tuyển chọn theo đúng Luật KH&CN và các qui định của tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, bám sát các yêu cầu thực tế của địa phương, ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Năm 2007, tỉnh Yên Bái thực hiện 59 đề tài, dự án (ĐTDA), nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó: 16 ĐTDA chuyển tiếp và thực hiện mới 43 ĐTDA nhiệm vụ KHCN, gồm: 14 ĐTDA trọng điểm, 21 ĐTDA, nhiệm vụ KHCN hỗ trợ các ngành, đơn vị hoạt động; 6 ĐTDA hỗ trợ các huyện, thị hoạt động KHCN; hỗ trợ kinh phí đối ứng dự án cấp nhà nước 02 ĐTDA.
Cũng trong số này có 30 ĐTDA thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp (chiếm 50,8%), 14 ĐTDA thuộc lĩnh vực công nghiệp, công nghệ (chiếm 23,7%), 9 ĐTDA thuộc lĩnh vực xã hội (chiếm 15,3%) và 6 nhiệm vụ khác (chiếm 10,2%). Việc triển khai thực hiện các ĐTDA đảm bảo đúng thủ tục, trình tự, nội dung đã được phê duyệt và luôn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là về sản xuất giống, kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Một số đề tài, dự án trọng điểm như: Dự án: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai 2 dòng F1 TH3.4; Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao giống Nghi hương 2308 tại thị xã Nghĩa Lộ; Dự án ứng dụng công nghệ tạo giống chè ghép bằng chè nhập nội; Dự án xây dựng mô hình canh tác trên đất nương rẫy của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu theo hướng bền vững kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc công nghệ cao theo phương thức chăn nuôi công nghiệp; Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm...
Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, điều tra cơ bản chủ yếu phục vụ cho công nghiệp chế biến, sản xuất nông nghiệp và những vấn đề xã hội khác, như: Đề tài nghiên cứu tuyển Graphit từ nguyên liệu quặng nghèo; Thiết kế và chế tạo máy bơm nước trục đứng thay thế nhập khẩu; Dự án ứng dụng công nghệ cắt chẻ trong sản xuất quế miếng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; Dự án xây dựng mô hình thay đập tràn trọng lực kiên cố bằng đập bán kiên cố ở vùng núi cao, độ dốc lớn - tránh lũ và đảm bảo hiệu quả kinh tế; Dự án ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học một số môn học tại trường phổ thông trong tỉnh Yên Bái; điều tra đất đánh giá đất nông nghiệp và định hướng nhóm cây trồng phù hợp tại các huyện: Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái; điều tra, nghiên cứu các hiện tượng trượt đất và lũ quét trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đề xuất biện pháp phòng tránh và giảm thiểu hậu quả do chúng gây ra...
Công tác quản lý công nghệ và an toàn bức xạ đã dần đi vào nề nếp. Đến nay đã hướng dẫn và làm thủ tục cấp giấy phép cho 13/17 cơ sở bức xạ trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động sở hữu trí tuệ đã được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm, hiện có từ trước đến nay là 49 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong số đó có 14 đơn đăng ký đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 2 kiểu dáng công nghiệp và 11 nhãn hiệu hàng hoá).
Công tác quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, tập trung phổ biến các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá và công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, pháp quy kỹ thuật. Đã kiểm định 1481 phương tiện đo các loại; hướng dẫn 16 doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, quy chế ghi nhãn hàng hoá, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; Hướng dẫn 02 doanh nghiệp tham gia "Giải thưởng chất lượng Việt Nam năm 2007"; phổ biến 14 TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) tới các doanh nghiệp trong tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt vào các dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu, văn phòng phẩm phục vụ năm học mới, sản phẩm khí đốt gas hoá lỏng, mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy...
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, kiến thức áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ mới, quán triệt các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh tới mọi tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư tăng cường, dự án xây dựng nhà làm việc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo Lường - Chất lượng và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN đang được triển khai thực hiện. Đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đến nay toàn bộ khối văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc đều đã sử dụng và khai thác có hiệu quả mạng LAN trong quản lý và điều hành.
Phát huy những kết quả đạt được cùng với sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, hi vọng rằng trong thời gian tới, hoạt động khoa học và công nghệ sẽ ngày càng đáp ứng được với các yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần phục vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lương Thanh Nhị
Các tin khác
Tuần lễ Xanh Quốc tế-Việt Nam 2007 mang chủ đề "Phát triển bền vững, hòa bình hữu nghị, hướng tới tương lai", sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26/10 đến 1/11, với sự tham gia của gần 400 đơn vị đến từ 12 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Juliana Marie (Đan Mạch) phát hiện capsaisin tinh chất, hợp chất chiết xuất từ ớt, có thể làm giảm cơn đau của những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật sa ruột. Nhóm nghiên cứu đã bôi khoảng 1.000 mg capsaisin lên vết thương của 20 người đàn ông trong lúc giải phẫu, trong khi 20 người còn lại được bó giả dược.
Virus cúm sinh sôi thành công nhất ở độ ẩm và nhiệt độ thấp. Điều kiện thời tiết như vậy giúp virus ổn định hơn và duy trì trong không khí lâu hơn, so với khi trời nóng ẩm.
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hành chính tại đơn vị.