Toàn dân đồng thuận
- Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2015 | 2:01:01 PM
YBĐT - Thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ - CP (gọi tắt là Nghị định 71) của Chính phủ về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, thời gian qua, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Yên Bái đã thực hiện khá quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tài xế, người đi xe mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định. Vấn đề này còn một số băn khoăn cho người dân, tuy nhiên hầu như ai cũng bày tỏ sự ủng hộ biện pháp xử lý này.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe máy.
|
Ông Đặng Văn Sinh ở tổ 8, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) làm nghề xây dựng và hay dùng rượu trong bữa ăn, thậm chí khi vui bạn bè ông có thể uống say. Thế nhưng, khi được hỏi suy nghĩ thế nào khi cảnh sát giao thông đang thắt chặt việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người lái ô tô, xe máy, ông Sinh thẳng thắn cho rằng, việc xử lý là cần thiết vì trước đây không có xử lý nên không chỉ bản thân ông mà nhiều người còn uống rượu và đi xe máy khá tùy tiện. Ông Sinh cho biết thêm: "Thực sự tôi thấy uống rượu bia rồi đi xe máy rất dễ gây tai nạn cho mình và cả người khác. Cho nên, khi có kiểm soát thì mình cũng buộc bản thân phải tự hạn chế trong sử dụng rượu bia và ý thức hơn khi tham gia giao thông".
Còn ông Phạm Văn Trường ở tổ 72, khu phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) có nhà mặt đường gần cổng Công an tỉnh, là đoạn đường thắt cổ chai nối đường Điện Biên với đường Nguyễn Thái Học thì cho biết ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ liên quan đến bia, rượu. Đau lòng hơn cả là người uống rượu khi đi mô tô, xe máy đã gây tai nạn thương tâm cho không ít người có ý thức tốt khi tham gia giao thông.
Không chỉ vậy, có một hiện tượng khá phổ biến là nhiều thanh niên sau khi uống rượu, bia đã tụ tập thành đám đông, chở nhiều người, phóng xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn rất nghiêm trọng. Vì thế, ông Trường cho rằng, việc kiểm tra nồng độ cồn và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế, người điều khiển mô tô, xe máy là cần thiết.
Mức độ phạt tiền theo quy định như hiện nay là đủ sức răn đe nhưng điều quan trọng là phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên để hạn chế vi phạm ngay từ ý thức của mỗi người dân. Đồng thời, cán bộ và đảng viên, công chức, viên chức phải là người gương mẫu hơn nữa trong thực hiện những quy định này.
Cùng quan điểm như ông Trường, bà Nguyễn Thị Thú ở tổ 31b, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) còn tỏ rõ sự phấn khởi trước việc thực hiện Nghị định 71. Bà tâm sự, trước đây anh con trai của bà khi đi làm về thường uống rượu và không ít lần say rượu khiến gia đình rất lo lắng. Nhiều lần gia đình góp ý nhưng thói quen của anh vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, từ khi đẩy mạnh kiểm soát và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với tài xế, người điều khiển mô tô, xe máy thì bà thấy anh con trai hầu như không còn uống rượu, bia khi hết giờ làm việc ở cơ quan mà chỉ uống tại nhà. Một giám đốc doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Đầm Hồng (thành phố Yên Bái) cho biết lâu nay bạn bè rủ đi nhà hàng anh thường viện nhiều lý do để từ chối. Thực chất là anh ngại lái xe đi uống rượu trong lúc Nghị định 71 đang được triển khai quyết liệt nhưng rồi anh và bạn bè đã thống nhất khi nào cần gặp gỡ, giao lưu rượu, bia thì tốt nhất là thuê taxi để đảm bảo an toàn sau tiệc tùng.
Không chỉ có những người dân ở thành phố Yên Bái mới ủng hộ mạnh mẽ Nghị định 71 mà ở vùng nông thôn nhiều người cũng rất đồng thuận vì tình trạng lạm dụng bia rượu ở nông thôn cũng khá gay gắt. Khi say rượu, cũng có nhiều trường hợp phóng xe bạt mạng, trong khi đó đường nông thôn nhỏ, hẹp, khuất, đông người và phương tiện qua lại.
Tuy nhiên, mối quan tâm chung của mọi người dân là việc triển khai Nghị định 71 cần được tập trung tuyên truyền đến cơ sở thông qua họp ở khu dân cư để người dân nắm vững những nội dung, quy định, mức phạt đối với từng vi phạm ở mỗi loại phương tiện; tư vấn, cung cấp kiến thức cho người dân biết được khi uống một lượng rượu khoảng bao nhiêu đối với rượu nặng, nhẹ thì sẽ vượt quy định về nồng độ cồn cho phép để người dân tự xây dựng ý thức phòng ngừa vi phạm.
Việc áp dụng Nghị định 71 về kiểm tra nồng độ cồn với tài xế, người đi mô tô, xe máy cần được tiến hành đồng bộ, thường xuyên với kiểm soát việc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát tốc độ người tham gia giao thông; đồng thời phải thực hiện được các đợt kiểm soát cao điểm, tuyến đường trọng điểm vào dịp tết, dịp sinh viên, học sinh nghỉ hè, nghỉ lễ bởi chỉ có tiến hành kiểm soát thường xuyên, quyết liệt thì mới xây dựng nề nếp trong văn hóa giao thông.
Ngược lại, nếu không thực hiện quyết liệt, thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn thuốc" hoặc "bắt cóc bỏ đĩa" khiến hiệu quả của an toàn giao thông không được cải thiện. Phương tiện kiểm tra nồng độ cồn cần bảo đảm vệ sinh do người dân còn e ngại khi có nhiều bệnh dễ lây qua đường hô hấp… Những ý kiến trên rất đáng quan tâm để người dân cùng góp sức nâng cao chất lượng về an toàn giao thông khi lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng và phức tạp.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Trung tá Lê Hồng Giang - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội và giao thông trật tự, Công an huyện Yên Bình cho biết, đơn vị đang rà soát để có danh sách các đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên có biểu hiện vi phạm sẽ đưa vào danh sách để quản lý...
Sáng 10-2, báo cáo nhanh của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Bình Thuận cho biết: Vụ tai nạn nghiêm trọng làm 10 nạn nhân tử vong xảy ra tại Quốc lộ 1A (thuộc Km 1726 + 700) thuộc địa bàn xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là do xe khách 51B-141.22 chạy lấn đường và đâm vào xe khách 86B-002.84.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa có công điện yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa 2 xe khách khiến 10 người chết, 9 người bị thương tại tỉnh Bình Thuận.