Theo đó, riêng trong ngày 10-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 22 người, bị thương 19 người. Đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông.
Như vậy, trong cả kỳ nghỉ Tết 9 ngày, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 274 vụ tai nạn giao thông làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.
Trong dịp Tết, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã giảm đáng kể so với những năm trước, với tổng số hơn 160 lượt gọi trong 9 ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm là ngày 2 và 3-2 (tức ngày 28 và 29 tháng Chạp) và ngày 9 và 10-2 (tức mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng). Đây là thời điểm người dân về quê ăn Tết và quay trở lại thành phố sinh sống, làm việc.
Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.
Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương, được kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...
Đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, bình quân tai nạn giao thông/ngày giảm cả 3 tiêu chí so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
Tuy nhiên, trong những ngày từ mùng 2 đến mùng 4 tháng Giêng, tình hình trật tự an toàn giao thông đã diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy. Cá biệt, tình trạng đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.
Chỉ ra nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, chủ yếu là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn. Đó là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm…
Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý nể nang trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện; hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng...
Lĩnh vực vận tải hành khách trong dịp Tết còn xảy ra tình trạng chở quá số người quy định, tăng giá vé ô tô quá mức quy định ở một số nhà xe. Hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ô tô chở khách cao, đặc biệt là trên Quốc lộ 1. Nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
(Theo HNMO)