Trạm Tấu 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2019 | 7:58:01 AM

YênBái - 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đồng bào huyện Trạm Tấu luôn đoàn kết một lòng, chiến thắng giặc ngoại xâm, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

Đồng chí Trần Ngọc Luận - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu ( thứ 2 từ phải qua trái) trao đổi với lãnh đạo xã Trạm Tấu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng chí Trần Ngọc Luận - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu ( thứ 2 từ phải qua trái) trao đổi với lãnh đạo xã Trạm Tấu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xã Trạm Tấu hôm nay còn vẹn nguyên niềm tự hào tháng 1/2013 đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và gửi thư khen, như một minh chứng thiết thực nhất cho sự phát triển vượt bậc của vùng quê một thời gian khó này. 

Ông Giàng A Hành - thôn Km 17 là người có uy tín ở xã Trạm Tấu, sinh ra và trưởng thành ở đây, cả cuộc đời công tác dành cho mảnh đất này nên thấu hiểu và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương. 

Ông Hành chia sẻ: "Đồng bào Mông xã Trạm Tấu có truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu quê hương, làng bản. Trước đây, vì trình độ dân trí mà tập tục lạc hậu, đời sống khó khăn, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng rồi, với lòng kính yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà đồng bào Mông trong xã đã phát huy truyền thống đoàn kết, cải tạo phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thi đua xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn”.

Theo lời kể của đảng viên kỳ cựu Giàng A Hành, xã Trạm Tấu trong ký ức thời niên thiếu của ông là một miền đất đầy khó khăn, cuộc sống của đồng bào thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, giao thông cách trở, người dân nặng nề hủ tục, thách cưới cao, người chết để lâu trong nhà… Vì vậy, kẻ xấu thường lợi dụng "lỗ hổng” trong nhận thức của đồng bào để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, các hành vi phạm tội. 

Được sự quan tâm của Đảng và các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, xã Trạm Tấu cùng các địa phương trong cả huyện được mở đường giao thông nông thôn, ánh sáng điện lưới quốc gia dần thắp sáng các bản làng. 

Bao thế hệ cán bộ miền xuôi  lên "cắm” bản, "3 cùng” với dân, trong đó phải đặc biệt kể đến sự hy sinh thanh xuân của hàng nghìn thầy cô giáo miền xuôi, của cán bộ ngành nông nghiệp. Họ không ngại khó, ngại khổ, trèo đèo, vượt suối, sống giữa rừng xanh núi đỏ mang ánh sáng tri thức về cho bản làng, đào tạo bao thế hệ cán bộ lãnh đạo địa phương có đức, có tài; mang khoa học kỹ thuật thay thế lối sản xuất cũ, biến nông sản một thời tự cung tự cấp thành hàng hóa, đem lại ấm no cho bản làng. 

Rồi sự cống hiến của hàng chục nghìn lượt đảng viên trong cả huyện, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, họ đã đoàn kết, gương mẫu trong mọi hoạt động; phát huy trách nhiệm, tình yêu quê hương làng bản; đi đầu trong đấu tranh chống hủ tục… 

Ở xã Trạm Tấu có đảng viên đầu tiên trong toàn huyện mạnh dạn đưa người chết vào quan tài, phá tan "rào cản” trong tư tưởng ăn sâu hàng trăm đời của đồng bào, để từ một đám ma "lạ” đối với đồng bào được nhân rộng trong toàn huyện, trong đời sống của đồng bào Mông để nay việc đưa người chết vào quan tài không còn là lạ nữa.

Cũng ở xã Trạm Tấu, có những đảng viên đầu tiên mạnh dạn vận động đồng bào bỏ tết riêng ăn chung Tết Nguyên đán để phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy văn hóa dân tộc Mông, đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ và con em không gián đoạn học tập. 

Cuộc vận động nói thì dễ nhưng khi đã là văn hóa ăn trong tư tưởng của đồng bào thì không phải ngày một, ngày hai mà bỏ được. Vẫn là những già làng, trưởng bản, những đảng viên thấm nhuần nghị quyết, bỏ nhiều đêm thức trắng tuyên truyền ý nghĩa nhân văn trong từng nghị quyết, từng chủ trương của Đảng để người dân đồng lòng thực hiện, ăn tết chung với các dân tộc khác. 

Cũng là ở xã Trạm Tấu có những "nương ngô đảng viên” đầu tiên để rồi người dân từ đó mà bỏ những cây trồng năng suất thấp sang trồng ngô đồi, biến cây ngô trở thành hàng hóa, mang về giá trị kinh tế cho người dân. Liên tiếp xã Trạm Tấu viết nên những kỳ tích đầu tiên trong thay đổi tư duy, nếp nghĩ lạc hậu, từ một xã nghèo trở thành lá cờ đầu trong thi đua phát triển kinh tế ở huyện vùng cao Trạm Tấu. 

Ông Giàng A Hành không dấu nổi niềm vui khi hôm nay trình độ cán bộ đảng viên đã đạt chuẩn; Đảng bộ xã Trạm Tấu trở thành Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm; con em đến trường đầy đủ, nhiều cháu có trình độ đại học, về quê hương làm kinh tế, trở thành triệu phú nông dân được nhiều người biết đến như Vàng A Rua, Mùa A Páo… 

Anh Mùa A Của - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Tôi tự hào là người con của xã Trạm Tấu, nơi thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, đó là đoàn kết và dân chủ. Vì vậy, chúng tôi - thế hệ trẻ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tu dưỡng đạo đức trở thành những người con ưu tú của quê hương. Thật tự hào khi xã Trạm Tấu là địa phương được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và gửi thư khen ngợi”.

Cùng với xã Trạm Tấu, đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu đã nỗ lực thực hiện di chúc của Bác Hồ, đoàn kết thi đua xây dựng đời sống mới, chống lại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. 55 năm thành lập huyện, 50 năm thực hiện  Di chúc của Bác Hồ, Trạm Tấu từ một miền đất hoang sơ, khó khăn, vất vả nay đã khoác trên mình một "tấm áo” mới.

 Nhìn lại, những ngày đầu thành lập huyện bao khó khăn, thử thách. Toàn Đảng bộ có 13 chi bộ và 2 tổ đảng (kể cả chi bộ cơ quan) với 127 đồng chí. Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Trạm Tấu vẫn luôn quan tâm chăm lo đến công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới theo hướng nâng cao số lượng và chất lượng theo từng năm, đặc biệt chú trọng phát triển đảng viên khối nông thôn, đảng viên nữ và đảng viên là người dân tộc. Đến nay, Đảng bộ đã có 28 chi, đảng bộ cơ sở, 102 chi bộ trực thuộc Đảng ủy, tổng số đảng viên 2.125 đồng chí.     

Vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định, sức mạnh của từng hạt nhân chính trị ở cơ sở được phát huy đã giúp vùng cao Trạm Tấu có nhiều thay da đổi thịt. Năm 2019, tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn huyện đạt 6.915,5 ha, tăng 84,4 ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 14.109 tấn, tăng trên 441,7 tấn so với cùng kỳ năm trước. 

Đặc biệt, chủ trương về chuyển đổi các diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng ngô được người dân đồng lòng hưởng ứng. Từ những nương ngô của cán bộ, đảng viên, của phụ nữ, thanh niên, đến nay ở tất cả các xã việc chuyển đổi lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đồi trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Cũng nhờ thành công của công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã tạo nên thành công của phong trào trồng ngô đồi. 

Giờ đây, dọc con đường lên huyện hay tận non cao Tà Xi Láng đâu đâu cũng có những triền đồi ngô xanh bất tận, đặc biệt, đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất ngô tập trung như vùng ngô ở xã Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Pá Hu, Xà Hồ… Cây ngô đã khẳng định hiệu quả kinh tế là loại cây xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội có những thay đổi vượt bậc. Các phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới được cải tạo: người chết không để quá 48 tiếng, không thách cưới cao, huyện đã không còn hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đang từng bước được đẩy lùi… 

Từ năm 2013, đồng bào Mông đã ăn chung một tết với các dân tộc khác. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học bậc tiểu học đạt 93,5%, bậc trung học cơ sở 93%; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt 95% trở lên. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm đạt 7,7%, tăng 1,77% so với mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020. An sinh xã hội được đảm bảo. Đồng bào tin tưởng vào đường lối của Đảng, thi đua xây dựng nếp sống mới. 

Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự quan tâm của Đảng, đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu đã phát huy truyền thống đoàn kết, định canh định cư, cải tạo lối sản xuất cũ, phong tục không phù hợp với nếp sống mới, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, xây dựng huyện Trạm Tấu ấm no, hạnh phúc như hôm nay”.

Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng với những kết quả đạt được, huyện Trạm Tấu sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng huyện vùng cao phát triển toàn diện. 

 Phương Thùy  (Trung tâm TT- VH huyện Trạm Tấu)

Tags Trạm Tấu Di chúc Bác Hồ xã Trạm Tấu xây dựng đời sống mới

Các tin khác
Chị Lưu Thị Quế - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu (thứ 3, trái sang) vận động chị em thôn Háng Tây, xã Pá Lau hỗ trợ nhau cấy lúa vụ mùa.

Học và làm theo Bác từ chính những việc nhỏ, giản dị trong đời sống hàng ngày, thời gian qua, đã có nhiều tấm gương phụ nữ các dân tộc Yên Bái tiêu biểu trong lao động sản xuất, công tác Hội, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển như Bác từng mong muốn.

Anh Lý Văn Thiểu - dân tộc Dao ở xã Yên Thành nhiều năm tình nguyện lái đò chở học sinh qua hồ Thác Bà đến trường.

Những điển hình tiên tiến không chỉ tỏa sáng trên sân khấu hội thi, mà vẫn sẽ mãi là tấm gương để cộng đồng tôn vinh, nhân rộng ở địa phương, đơn vị và khơi nguồn năng lực nội sinh cho sự phát triển của quê hương trong nay mai.

Đọc Báo Yên Bái là một sở thích đặc biệt của cụ Trần Tính.

“Còn sống thì còn đóng góp trí tuệ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” là tâm huyết của cụ Trần Tính - cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên Chi bộ 6, Đảng bộ phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ).

Anh Vàng A Rua tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện cuộc sống rất khó khăn; bởi vậy, mong muốn thoát nghèo luôn là trăn trở đối với anh Vàng A Rua ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Ngay khi được xã, huyện tuyên truyền chủ trương chuyển đổi đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, anh đã mạnh dạn đi đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục