Giêng hai về làng bưởi Khả Lĩnh - Bài 1: Mùa cho hoa đơm trái

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/3/2016 | 8:39:33 AM

YBĐT -Giữa tháng Ba, trắng ngần một vùng bưởi bung hoa khắp làng Khả Lĩnh. Mỗi trái bưởi đã chắt chiu hương vị dâng đời và hương vị ấy cũng mang lại sự trù phú cho làng. >>Đại Minh mùa hoa bưởi

Chị Nguyễn Thị Vân chọn hoa bưởi chua để thụ phấn chéo cho giống bưởi Khả Lĩnh.
Chị Nguyễn Thị Vân chọn hoa bưởi chua để thụ phấn chéo cho giống bưởi Khả Lĩnh.

Làng Khả Lĩnh thanh bình và thơ mộng bên dòng sông Chảy hiền hòa suốt bốn mùa. Làng rợp bóng mát xanh những vườn bưởi. Khả Lĩnh nổi tiếng với giống bưởi tiến vua ngọt lành thuở nào... Người nơi đây hồn hậu, mến khách, đã gặp một lần là khó quên như hương bưởi của làng. Mỗi trái bưởi đã chắt chiu hương vị dâng đời và hương vị ấy cũng mang lại sự trù phú cho làng Khả Lĩnh.

Giữa tháng Ba, trắng ngần một vùng bưởi bung hoa khắp làng Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Sớm mai, những cơn mưa đêm đã dứt, chỉ còn luyến lưu giăng mắc chút sương mảnh tựa khói, tựa tơ ướp đẫm hương hoa.

7 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Vân ra vườn. Cây bưởi chua được chọn lấy hoa để thụ phấn chéo thêm nõn xanh đón ngày mới. Những bông bưởi mới chiều hôm ngậm nụ đã xòe bốn cánh duyên dáng, đài xanh cao, nhụy vàng tươi. Hanh hảnh nắng, thế là thuận lợi cho việc thụ phấn ngày hôm nay. Chị Vân nhanh tay lựa những bông hoa đầu cành, tươi tắn nhất để hai người thụ phấn thuê cho gia đình đến làm luôn. Họ là những người đã làm công việc này giúp nhà chị từ những năm trước. Khoảng 8 giờ, chị Nụ cùng một người bạn đi đò từ thôn Gò Củi, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang qua sông Chảy đã có mặt tại vườn nhà chị Vân. Mỗi người đều đeo trước ngực một chiếc hộp sữa bột loại 500g đã uống hết để đựng hoa bưởi chua và bắt đầu thụ phấn.

Công đoạn thụ phấn là thế này: lấy một bông hoa bưởi chua, bỏ đài xanh đi rồi chấm nhụy vào những bông hoa cần được thụ phấn. Cứ mỗi bông hoa bưởi chua sẽ chấm nhụy cho khoảng mươi, mười hai bông hoa là thay bông mới tùy theo lượng nhụy. Thời gian thụ phấn tốt nhất trong ngày từ 8 giờ đến 10 giờ sáng và từ 14 giờ đến 16 giờ chiều. Những bông nào ngang tầm tay với, các chị đứng dưới đất để làm. Những bông nào cao hơn một chút, các chị đứng lên ghế hoặc trèo thang. Những bông nào cao hơn nữa, các chị trèo lên cây và có thêm một cây sào nhỏ hỗ trợ vươn xa nhất khi kẹp bông hoa vào đầu sào.

Hai chị đều bảo rằng, công việc này không khó đâu mà cũng chẳng có bí quyết gì nhưng quan trọng nhất là phải cẩn thận và tỉ mẩn. Ví như, mỗi ngày phải đi hết lượt các cây nở hoa trong vườn để thụ phấn, hôm sau lại tiếp tục vòng quanh và phải quan sát xem hoa nào đã làm hôm qua, hoa nào vừa nở hôm nay thì mới có hiệu quả cao. Tôi cứ thắc mắc, hoa dày đặc, ken kít, cùng màu, sao biết tỏ tường hoa mới, hoa cũ...

Được chỉ bảo một hồi, tôi cũng ngộ ra rằng, hoa cũ hay hoa mới đều có thể trông bằng mắt thường theo cảm quan về sự cong thẳng, to nhỏ, độ tươi, sắc màu của cánh hoa và độ bung phấn của nhụy. Không ai bảo cả nhưng tôi chợt thầm nghĩ rằng, đúng là không khó để chấm nhụy cho hoa nhưng mắt cũng cần phải rất tinh. Dưng mà tài tình lắm, đàn bà cứ trèo cây nhanh thoăn thoắt lại còn đứng trên cây cả ngày, suốt chỉ một tư thế tìm kiếm, dướn với... Tôi cứ gọi là phục lăn!

Chị Vân trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của mình. Chồng chị - anh Nguyễn Tiến Mạnh, một người đàn ông nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Trần Quang Khải, gia đình anh chị là hộ đầu tiên tiến hành việc thụ phấn ở thôn Khả Lĩnh này.

Anh Mạnh kể lại, năm 2010, Viện Nghiên cứu Rau quả là một trong 18 viện thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, là cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực rau, quả, hoa, cây cảnh trên phạm vi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung của Việt Nam về thôn Khả Lĩnh hướng dẫn cách bón phân, tỉa cành, thụ phấn... cho cây bưởi.

Những năm trước đó, cây bưởi Khả Lĩnh hoa nhiều vô kể nhưng quả thì hiếm hoi nên nhiều người chán bỏ. Nản lòng thật rồi, có cán bộ trung ương đến cũng đâu ai quan tâm. Thậm chí, Viện cho không tất tật mọi thứ, đến cho cả tiền công làm mà là làm cho chính cây bưởi nhà mình cũng không có người làm theo. Cuối cùng, anh chị quyết định làm theo, anh Mạnh bảo vì anh tin.

Được trực tiếp hướng dẫn, mọi quy trình và kỹ thuật chăm sóc cây bưởi, vợ chồng anh cùng nắm chắc. Công người chẳng phụ, kiên trì hôm mai mong đến ngày hái quả, vườn bưởi nhà mình, năm sau sai quả trĩu cành hơn năm trước, mừng vui cũng khôn tả, niềm tin tự khắc sâu. Thực hiện đúng kỹ thuật, vườn bưởi nhà anh Mạnh nhiều cành nhánh, cành thấp, dễ trèo, tạo điều kiện thuận lợi cho thụ phấn.

Chia sẻ công việc thụ phấn, anh Mạnh thật lòng: “Theo dõi quá trình thụ phấn chéo bằng hoa bưởi chua tại vườn, tôi thấy tỷ lệ đậu quả của cây bưởi Khả Lĩnh tăng khoảng 30% so với khi không thụ phấn. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi nghĩ thế này, các loài côn trùng thụ phấn cho cây vẫn nhẹ nhàng và chuẩn chỉnh hơn sự tác động của con người. Có điều, bây giờ, môi trường thay đổi, khác xưa nhiều rồi nên mình phải trực tiếp làm công việc đó thôi”.

Vụ bưởi năm 2015, anh Mạnh thu về 60 triệu đồng từ 50 gốc bưởi. Anh chị cũng đã có thêm gần 100 gốc bưởi đang cho bói quả đầu. Năm nay, hoa bưởi nở muộn hơn mọi năm, anh chị thụ phấn đợt đầu tiên vào thời điểm sang tháng Hai âm lịch cũng đã đậu quả. Làng mình mà, một tiếng gà gáy cùng nghe, một tiếng chó sủa cùng biết, buồn thì sẻ chia, vui thì chung góp. Thành công của việc thụ phấn chéo từ vườn bưởi của nhà anh Mạnh, chị Vân đã dần dà và tự nhiên đi vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi người, mọi nhà như qua mỗi đêm là bình minh rạng. Điều đáng mừng và trân trọng là dân làng biết nhìn nhau, biết học nhau cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cây bưởi mang lại nguồn thu cao hơn cho gia đình.

 

Vườn bưởi của gia đình Trưởng thôn Trần Quang Khải.

Đi từ đầu làng đến tận cuối làng, gió nhẹ đưa hương hoa mênh mang trong không gian, dìu dịu. Lúc mới đến đầu làng Khả Lĩnh, đi xe máy chầm chậm trên con đường bê tông uốn lượn, hai bên là những vườn bưởi, tôi ngạc nhiên mãi vì nghe tiếng nói cười rõ rành rành bên tai mà vườn chả một bóng ai. Sau mới hay, mọi người ở trên cây hết cả.

Trưởng thôn Trần Quang Khải đùa rằng: “Tháng Ba là người Khả Lĩnh thành “khỉ leo cây” hết đấy nhé, nhưng mà vui ghê!”. Bưởi nở hoa độ chừng một tháng rồi tàn. Như năm ngoái, dân làng bảo, hoa nở từ rằm tháng Giêng, năm nay muộn hơn quãng hai tuần. Mỗi người với nào sào, nào hộp hoa và bình hoa đeo trước ngực, nào thang, nào ghế... ở tất ngoài vườn, trong nhà rặt người già và trẻ con. Dân làng Khả Lĩnh đang chạy đua với thời gian vì mùa hoa sắp khép lại.

Các bà, các mẹ, các chị, các anh, các em đều hào hứng giải thích cho tôi lý do bởi làm sao phải khẩn trương. Nếu khi hoa bưởi đã thành “hoa ban” - nghĩa là khi hoa bưởi nở rộ, nở ồ lên thì việc thụ phấn không còn hiệu quả nữa. Thế nên, người Khả Lĩnh tháng Ba này thực sự chỉ nói chuyện hoa bưởi, ngủ mơ thấy hoa bưởi, sáng thụ phấn cho hoa, chiều thụ phấn cho hoa, ba bữa hàng ngày đều đượm hương hoa bưởi và sống không thể thiếu hoa bưởi. Hai mươi tư tiếng một ngày của giêng hai này dường như ngắn hơn bình thường trong sự bận rộn là niềm vui của dân làng Khả Lĩnh... Lại đâu như gặt lúa đổi công, chả ai giúp được ai nên đều phải thuê người làm để tranh thủ thời gian. Người làm thuê đến từ Tuyên Quang, từ các xã khác lân cận.

Năm nay, giá thuê công thụ phấn mỗi ngày ở mức 180 ngàn đồng một người, chưa kể cơm trưa. Tính ra, mỗi mùa hoa bưởi, người Khả Lĩnh bỏ ra một khoản không nhỏ cho thụ phấn. Song đâu sẽ có đó, bỏ ra một khoản chi phí đầu tiên cũng là tìm cách chiến thắng thời gian ở điểm xuất phát, dân làng đã tính đến hiệu quả cuối cùng. Năm vừa rồi, làng Khả Lĩnh thu về 2,3 tỷ đồng tiền bán bưởi.

Theo tính toán sơ bộ nhất, năm nay, con số đó sẽ tăng lên đến 3 tỷ đồng. Ông Khải tự tin lắm: “Cỡ dăm ba trăm triệu đồng sẵn có trong tay, thôn tôi phải là hơn chục hộ. Tầm dưới một chút cũng trong khoảng bốn chục hộ nữa. Thế là khấm khá, đúng không ạ?”. Nhìn niềm phấn chấn ánh lên trong mắt người trưởng thôn của làng có 60 hộ dân này, nghe niềm vui chộn rộn trong giọng ông cũng đủ hiểu những thăng trầm của cây bưởi bên dòng sông Chảy. Khốn khó đi qua, niềm vui đang tới, những đổi thay hiện hữu ở mỗi con người, mỗi ngôi nhà và diện mạo làng quê.    

Nguyễn Thơm

Bài 2: Làng bưởi thời @

Các tin khác
Nông dân Mù Cang Chải gieo cấy lúa xuân.

YBĐT - Cũng như các địa phương khác, huyện Mù Cang Chải cũng rất tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Nhu cầu được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất của các hộ nghèo trong tỉnh được Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng ngày càng nhiều hơn.

YBĐT - 12 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh với tổng dư nợ đạt 1.900 tỷ đồng.

Trấn Yên quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm với diện tích 300 ha.

YBĐT - Trồng dâu nuôi tằm - một nghề không phải mới với nông dân huyện Trấn Yên. Đã có thời ở vùng dâu xã Việt Thành, doanh nghiệp vào đầu tư cả xưởng chế biến quy mô, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà thất bại. Dẫu vậy, nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn âm thầm phát triển trong dân bởi nhiều lẽ, và hiện nay đang thực sự làm thay đổi những vùng quê nghèo của Trấn Yên.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn thăm ruộng cà chua của gia đình chị Trần Thị Hường ở thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh.

YBĐT - Trên 70% số hộ trong tổ dân phố 3b, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã xây được nhà ở khang trang đều nhờ vào nguồn thu từ trồng lúa chất lượng cao, trồng cà chua, hành, rau màu vụ 3, mỗi năm thu lãi từ 80 đến trên 100 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục