Xây dựng nông thôn mới ở Mù Cang Chải: Cần có cách làm và hướng đi riêng

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2016 | 8:05:23 AM

YBĐT - Cũng như các địa phương khác, huyện Mù Cang Chải cũng rất tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Nông dân Mù Cang Chải gieo cấy lúa xuân.
Nông dân Mù Cang Chải gieo cấy lúa xuân.

Sau 5 năm triển khai thực hiện đã thu được những kết quả nhất định, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã nâng lên. Tuy nhiên, so với mục tiêu, Chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế đòi hỏi huyện phải có những cách làm và hướng đi riêng.

Mù Cang Chải là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính, tỷ lệ đói nghèo cao. Khi áp theo 19 tiêu chí về XDNTM, hầu hết các xã mới chỉ đạt 2 - 3 tiêu chí.

Sau 5 năm triển khai thực hiện XDNTM với sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, diện mạo NTM đã có những bước đổi thay đáng khích lệ. Rõ nét nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, chỉnh sửa, nâng cấp, cứng hoá ngày một nhiều.

Quan trọng là bà con các dân tộc đã nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa trong XDNTM là nâng cao đời sống nhân dân, mà nhân dân là chủ thể. Dẫu còn muôn vàn khó khăn nhưng từ những nhận thức đó, người dân vào cuộc một cách tích cực, người góp công, góp của, người góp đất cùng chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cái được lớn nhất trong 5 năm XDNTM là kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng hơn năm trước, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc”.

Kết thúc năm 2015, toàn huyện đã có 2 xã đạt 11 tiêu chí NTM, 6 xã đạt 9 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí. Những kết quả ấy đem so sánh với các địa phương khác thì còn khiêm tốn nhưng đối với một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn thật đáng trân trọng.

Những thay đổi bên ngoài đã đẹp và vui nhưng những biến đổi sâu xa trong ý thức cũng rất đỗi tự hào. Nếu như trước đây, bà con chỉ biết gieo cấy một vụ thì nay đã có nhiều diện tích gieo cấy hai vụ và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trước đây, phần lớn lấy chặt phá rừng, khai thác rừng làm chính thì nay đã biết trồng và tu bổ rừng. Không chỉ có vậy, trong 5 năm qua, bà con nhân dân các xã đã dần bỏ tập quán sản xuất lúa nương sang trồng ngô đồi theo hướng hàng hóa thị trường hơn 1.140 ha, mỗi năm, cũng đem về cho bà con trên 30 tỷ đồng. Hay những diện tích đất đồi, núi hoang hóa, bà con nhân dân đã biết trồng cây sơn tra vừa phủ xanh vừa tạo một nguồn thu ổn định.

Gia đình ông Hảng Súa Già ở xã La Pán Tẩn là một hộ nghèo nhưng từ trồng cây sơn tra, chăm sóc và thu hái đúng quy trình liên tục, vài ba năm trở lại đây, mỗi năm, thu bán từ 60 - 70 triệu đồng... Đó là những minh chứng rõ nhất, thuyết phục nhất, hiệu quả nhất sau 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM.

Những kết quả, thành công bước đầu trong XDNTM ở Mù Cang Chải là không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể vẫn còn nhiều những khó khăn, hạn chế đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền nơi đây cần có những cách làm và hướng đi riêng. Bởi lẽ, với đặc thù là một huyện có gần 80% là hộ nghèo nên việc huy động sự đóng góp tiền mặt trong XDNTM là khó khăn. Một vấn đề nữa trong xây dựng hạ tầng, nhất là đường giao thông cũng vậy, huyện có 13 xã vùng cao, vùng sâu, dân cư thưa thớt nếu cứ huy động, cứ đầu tư dàn trải thì rất khó. Hay như theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là một khó khăn trở ngại vô cùng lớn...

Nói như vậy không có nghĩa khó là không làm được mà huyện, xã cần tìm cho mình cách làm, hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên chạy theo 19 tiêu chí mà cái chính, cái cốt lõi là nâng cao đời sống nhân dân. Cơ cấu kinh tế Mù Cang Chải chủ yếu là nông - lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, do vậy, thiết nghĩ cần làm tốt hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Sản xuất lương thực cần tiếp tục đưa các giống mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, bảo đảm an ninh lương thực. Việc chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô đã tốt nhưng thực tế hiện còn rất nhiều diện tích có khả năng chuyển đổi tiếp với diện tích cả ngàn héc-ta. Nếu chuyển đổi thành công thì có thể nâng diện tích chuyển đổi lên 2.000 ha với năng suất 40 tạ/ha thì mỗi năm cũng đem về cho người dân trên dưới 60 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Song song là phát huy lợi thế cây sơn tra, trong trồng rừng phòng hộ nên đưa 100% cây sơn tra vào trồng. Đây là loài cây rất phù hợp với vùng cao, với rừng phòng hộ vì chỉ 5 năm sau là cho thu hoạch quả, rất có lợi cho cả môi trường và kinh tế.

Một ý kiến nữa là ngành nông nghiệp, huyện, xã hãy xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi quy mô hàng hóa theo hướng các nhóm hộ hay tổ hợp tác, hợp tác xã bởi lợi thế có nhiều đất đai, bãi cỏ tự nhiên và trồng cỏ. Chăn nuôi chưa thực sự phát triển, bà con chủ yếu chăn nuôi nông hộ, đã vậy còn hầu như không đầu tư chăm sóc mà thả rông vào rừng. Địa bàn rộng, chăn nuôi đơn lẻ khâu phòng chống dịch bệnh rất khó khăn nên không thể hiệu quả.

Cùng với đó là cần có cơ chế chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến quả sơn tra, ngô hay thảo quả cũng như dược liệu..., tạo liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, kích thích sản xuất. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là huy động sức dân như mở đường, san tạo mặt bằng chứ không thể huy động góp tiền, vì vậy, cũng cần tính toán con đường nào, đoạn đường nào, trường học nào, chợ nào thiết thực cần xây dựng trước thì làm.

Với hướng đi và cách làm như vậy, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chắc chắn, đời sống vật chất, tinh thần người dân sẽ nâng cao, rút ngắn khoảng cách với vùng thấp.

 Thanh Phúc

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục