Yên Bái: Vốn tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2016 | 9:25:46 AM
YBĐT - 12 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh với tổng dư nợ đạt 1.900 tỷ đồng.
Nhu cầu được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất của các hộ nghèo trong tỉnh được Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng ngày càng nhiều hơn.
|
Là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, Yên Bái lại có 2/9 huyện, thị nằm trong số 63 huyện nghèo của cả nước và 53/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm trên 80%. Vì vậy, bên cạnh các nguồn lực đầu tư khác thì nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo chính là một trong những điều kiện quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư chủ yếu phục vụ các đối tượng thuộc khu vực nông nghiệp nông thôn. Nguồn vốn này có vai trò đặc biệt quan trọng với những ưu đãi về lãi suất, thủ tục vay vốn và thời gian vay... giúp cho các hộ nông dân và nông dân nghèo có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mua cây, con giống và phân bón... góp phần phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Từ khi thành lập (năm 2003) đến hết năm 2015, NHCSXH tỉnh đã triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh với tổng dư nợ đạt 1.900 tỷ đồng và số khách hàng vay vốn lên tới 84.000 hộ. Nhờ vậy, cuộc sống của các hộ nông dân nghèo nói chung và nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng ngày càng được cải thiện. Người dân đã và đang dần tự tin hơn nhờ sự chuyển biến về nhận thức và cách làm ăn, từng bước khẳng định vị thế và vai trò chủ thể trong tiến trình XDNTM ở vùng cao.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển nông nghiệp và XDNTM. Điển hình là dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2015 chiếm trên 90% tổng dư nợ.
Trong đó, cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là 1.507 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng; cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như: xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 183 tỷ đồng; cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản 5,7 tỷ đồng; cho vay kinh doanh sản phẩm dịch vụ phục vụ lâm nghiệp, thủy sản 12 tỷ đồng; cho vay khác trên địa bàn nông thôn 2,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, dư nợ cho vay các xã xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh gồm: Tân Đồng (Trấn Yên) và Đại Phác (Văn Yên) thuộc cấp tỉnh là 25,8 tỷ đồng và 27 xã thuộc cấp huyện là 120,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành các tiêu chí căn bản trong XDNTM ở vùng cao Yên Bái như: nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động và môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh nói riêng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, từng bước hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng mô hình nông thôn mới, NHCSXH xác định rõ hoạt động đầu tư vốn tín dụng chính sách càng phải tiếp tục bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các đối tượng chủ yếu là hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 988 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 992 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp NHCSXH tỉnh có định hướng trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn vốn ưu đãi đạt hiệu quả cao nhất.
Thực tế cho thấy, với đặc thù hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh miền núi hiện nay thì nguồn vốn đầu tư thông qua các chương trình tín dụng chính sách rất phù hợp và thích ứng với năng lực sử dụng vốn của người vay. Đó là, mức vay cho một số chương trình phát triển kinh doanh tối đa có thể lên tới 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, thuận tiện lại không phải thế chấp tài sản; phương thức quản lý ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội. Vì vậy, có thể lồng ghép giữa hoạt động đầu tư vốn tín dụng ưu đãi với hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp để người vay sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn.
Hơn nữa, mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đoàn thể đang hoạt động rất hiệu quả không những tạo điều kiện cho các hộ hội viên được vay có điều kiện giám sát lẫn nhau mà còn có thể giúp đỡ nhau về cách làm ăn và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Theo kế hoạch tín dụng 2016 - 2020, NHCSXH tỉnh xây dựng, mức tăng trưởng dư nợ dự kiến đạt 10% mỗi năm, đến năm 2020 sẽ đạt 3.000 tỷ đồng với doanh số cho vay trong 5 năm đạt 4.500 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục duy trì mức trên 90% tổng mức dư nợ. Được biết, dự kiến mức kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 14.000 tỷ đồng, trong đó có 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động hợp pháp khác, gồm: vốn tín dụng, vốn tài trợ và vốn tự có của nhân dân. Từ đó có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư thông qua NHCSXH cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu vốn đó.
Đồng thời, sẽ có khoảng trên 100.000 lượt hộ dân và cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ làm nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và các lao động nông thôn học nghề, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu cần vay cũng sẽ được đáp ứng.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trao đổi nghiệp vụ với cán bộ Phòng Giao dịch của đơn vị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, NHCSXH dự kiến sẽ đầu tư vốn ưu đãi vào 15 xã XDNTM với dư nợ đến hết năm 2020, đảm bảo mức bình quân 20 tỷ đồng/xã. Song, để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, NHCSXH cần bám sát các nội dung tái cơ cấu trong từng lĩnh vực để tham mưu với UBND các cấp phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi hàng năm cho phù hợp với từng địa phương.
Tăng cường nguồn vốn trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phù hợp với đối tượng đầu tư chủ yếu tại địa phương là trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc. Song song với việc bố trí cơ cấu vốn hợp lý, phù hợp với nội dung cụ thể của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHCSXH cần tranh thủ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để lồng ghép phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu XDNTM của tỉnh.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách sử dụng vốn vay hiệu quả và lồng ghép việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với việc chuyển giao đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là, bám sát các tiêu chí XDNTM để đầu tư nguồn vốn chính sách đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho các xã XDNTM trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 về đích sớm với những kết quả cao nhất.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Trồng dâu nuôi tằm - một nghề không phải mới với nông dân huyện Trấn Yên. Đã có thời ở vùng dâu xã Việt Thành, doanh nghiệp vào đầu tư cả xưởng chế biến quy mô, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà thất bại. Dẫu vậy, nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn âm thầm phát triển trong dân bởi nhiều lẽ, và hiện nay đang thực sự làm thay đổi những vùng quê nghèo của Trấn Yên.
YBĐT - Trên 70% số hộ trong tổ dân phố 3b, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã xây được nhà ở khang trang đều nhờ vào nguồn thu từ trồng lúa chất lượng cao, trồng cà chua, hành, rau màu vụ 3, mỗi năm thu lãi từ 80 đến trên 100 triệu đồng.
YBĐT - Những năm gần đây, nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi một phần đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa một vụ cho người nông dân xã Minh Quân (huyện Trấn Yên). Người dân đã biến ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương thành hiện thực.
YBĐT - Về thăm xã Liễu Đô (Lục Yên) trong một sáng đầu xuân ngập tràn nắng ấm, khi chúng tôi đặt vấn đề đến thăm một vài mô hình thanh niên tiên tiến làm kinh tế giỏi, đồng chí Nguyễn Cao Cảnh - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã xởi lởi: “Để tôi dẫn nhà báo đi thăm mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng. Đây thực sự là tấm gương đáng để gặp, đáng để tìm hiểu”.