Kỳ I: Chế Tạo - mảnh đất "ngang trời"
- Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2016 | 10:53:18 AM
YênBái - YBĐT - Những ngày trung tuần tháng 3. Khi sơn tra đang tỏa bung sắc trắng ngần trên khắp các sườn núi, chúng tôi có dịp lên với Chế Tạo - xã xa nhất của huyện vùng cao xa nhất tỉnh - Mù Cang Chải.
Trụ sở khang trang của UBND xã Chế Tạo mới hoàn thành tháng 5/2015.
|
Gọi Chế Tạo là mảnh đất "ngang trời" bởi cái tên mới chỉ nghe thôi ngay cả không ít cán bộ huyện cũng còn ngại ngần. Nhưng chính điều đó lại thôi thúc tôi một lần được đặt chân đến với mảnh đất này!
Như là cơ duyên, thật may mắn cho tôi khi trao đổi công việc với đồng chí Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải thì được biết anh sẽ đi kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở Chế Tạo. Thế là, 7h sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trụ sở UBND huyện.
- Chuyến đi này để nhà báo đến với bản Háng Tày - là bản xa nhất của xã Chế Tạo nhé! - Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức nói.
- Vâng, thế thì còn gì bằng ạ! Tôi phấn chấn với suy nghĩ sẽ được đến nơi không chỉ riêng tôi mà chắc hẳn rất nhiều người đã từng mơ ước được một lần đặt chân đến.
Dù đã lên giây cót tinh thần nhưng mới đi được một phần ba quãng đường, tôi đã cảm thấy đầu óc quay cuồng dù so với thời gian trước năm 2012 thì đây đã là con đường “trong mơ” của biết bao người. Bởi trước đây, để đến được Chế Tạo phải đi bộ mất cả ngày trời dù từ trung tâm huyện đến xã chỉ có 35 km. Giờ thì chỉ còn 5 km gần đến trung tâm xã là chưa bê tông, vẫn đường đất đá. Trời nắng thì đi lại đỡ khó khăn hơn. Nếu là trời mưa thì chắc hẳn khó có tay lái nào có thể giữ được nguyên vẹn cho mình đến hết chặng đường. Điều rất tuyệt là ô tô đã vào được đến tận trung tâm xã.
Ô tô giờ vào được tận trung tâm xã đã là một kỳ tích trong xẻ đá, mở đường của người dân Chế Tạo
Qua câu chuyện với Chủ tịch UBND huyện, tôi được biết, trước đây, do cách trở về địa lý nên Chế Tạo gần như biệt lập, điều kiện sinh sống của người dân vô cùng khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp, đường ô tô, điện lưới và sóng điện thoại đều không có. Và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã trước năm 2010 và Sở Giao thông Vận tải tỉnh là đơn vị được giao đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn này đã làm nên huyền thoại một con đường. Từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, cộng với huy động sức dân các xã trong huyện và người Mông từ các bản: Tà Dông, Nà Háng, Pú Vá, Tà Sung và Chế Tạo cho tới 2 bản xa nhất là Kể Cả và Háng Tày nằm cách trung tâm xã 30 km, những con đường gần đã nối các bản làng xa.
Để bám đường, xả taluy mở lối, người dân ăn ngủ làm đường cả tháng trời không về và cơm nắm, nồi xoong và con nhỏ đều đi theo. Bao sự vất vả trong việc vận chuyển vật liệu với hàng chục cây số đường bộ cũng không làm người dân chùn bước. Những nơi đường đi qua vướng núi, đồng bào đã phải dùng củi khô đốt liên tục cho đến khi đá nóng tự nát vỡ ra để thông được đường trong bao ngày dài đêm lạnh như dao cắt, sáng lại sương muối, trưa thì nắng thiêu đốt...
Khắc phục mọi khó khăn, ý Đảng đã hòa vào với quyết tâm của lòng dân, con đường vào Chế Tạo đã hiện hữu như một kỳ tích của sức người, sức của - con đường sẽ giúp họ thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu.
Những câu chuyện xẻ đá, làm đường ấy cứ miên man đánh tan mệt nhọc, để rồi sau gần 3h đồng hồ, trụ sở UBND xã Chế Tạo đã hiện ra trước mắt. Thở phào nhẹ nhõm! Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức đã bắt tay ngay vào kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử của xã. Được biết, trong kỳ bầu cử lần này, tổng số đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 25 vị, xã đã làm tốt các bước để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn và dân chủ.
Đường sá đi lại thuận tiện giúp đồng bào Mông xã Chế Tạo thay đổi tư duy, có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Lềnh cho chúng tôi biết, toàn xã có 7 bản, 328 hộ và 2.192 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào Mông. Đảng bộ xã có 9 chi bộ với 104 đảng viên. Với sự cố gắng của Đảng ủy, chính quyền và người dân, diện tích lúa nước năm nay đạt 158,5 ha, tăng 35,5 ha so với năm 2010 nhờ khai hoang mới, năng suất bình quân đạt 34 tạ/ha; diện tích ngô nương 55 ha, tăng 4ha so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trên 6,6 triệu đồng/năm, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2011. Đến nay, xã đã đạt 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những con số báo cáo nghe như từ vùng thấp khiến tôi vô cùng ấn tượng!
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi tiếp tục hành trình lên với bản xa nhất - bản Háng Tày. Đây mới thực sự là thử thách khi phải đi tiếp 30 km đường rừng dốc cao, vực sâu, cua tay áo... Đường như sợi chỉ mỏng vắt ngang sườn núi, "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/.../Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", đúng như cảnh trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Chẳng thế mà bắt đầu xuất phát từ xã, mỗi người một xe máy, không ai đi cùng ai. Dốc cao, đường đá nên sức nặng của hai người ngồi xe khó có thể trụ hết hành trình. Chỉ riêng tôi là con gái thì được đặc cách, có lái xe.
Anh Thủy - người cầm lái chở tôi đã nhiều lần phải gồng mình để giữ tay lái cho thật chắc, luôn sẵn sàng trong tư thế đẩy xe lên dốc cao, vì chỉ cần sơ ý trượt bánh trên những hòn đá to lổm nhổm "mọc" giữa đường là tất cả sẽ nằm gọn dưới vực thẳm! Cũng đã vài lần tôi phải nhảy xuống để đẩy xe cho anh. Cảm giác của tôi trẹo bên này, quẹo bên kia, lắc lư, nghiêng ngả chả khác gì ngồi trên lưng con ngựa bất kham! Đây chắc chắn sẽ là quãng đường vô cùng hấp dẫn với những người ưa mạo hiểm hay dân “phượt”.
Phút nghỉ bên đường, Bí thư UBND xã Chế Tạo Giàng A Lềnh chỉ tay xót xa: "Trước đây, rừng phủ một màu xanh bạt ngàn, đẹp vô cùng. Nhưng sau đợt băng tuyết cuối tháng 1 vừa rồi, rừng đã nhuốm một màu xác xơ như thế này đấy. Tiếc lắm, nhà báo ạ". Trước mắt chúng tôi, cây rừng ở đây toàn là những loại cây gỗ tốt như pơ mu, màng mủ, mận rừng..., nhiều cây nhỏ không chịu được thời tiết khắc nghiệt đã chết khô và gẫy rục, nhiều cây thì đang cố gắng giành lấy sự sống bằng những mầm xanh nhỏ nhoi. Những vạt rừng vừa qua đợt "bỏng" tuyết nay lại quằn mình trong nắng nóng, tàn lá khô bóp trong tay vỡ vụn, nghe rào rạo cơn lửa rừng chỉ chờ cháy. Sự thử thách của thiên nhiên đã vượt sức chịu đựng của cây rừng!
Vậy mà, giữa rừng cây vàng úa cháy khô, một cây sơn tra bung hoa trắng muốt hiên ngang giữa sườn núi làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây có một cái gì đó thật khó diễn tả thành lời. Phải chăng, đó là sức sống mãnh liệt tiềm tàng của miền sơn cước sau mỗi lần "giông bão"?
Dọc đường đi, chúng tôi gặp một chiếc máy ủi mà một nhà dân thuê về để ủi đất, mở rộng diện tích phát triển sản xuất. Tôi có thắc mắc là tại sao xe ủi lại có thể đến được đây, Bí thư Lềnh cười hiền, giải thích: "Xe ủi ấy đi đường từ xã Hua Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La sang đây". Thế mới thấy được rằng, tư duy của những người dân ở xã xa nhất huyện Mù Cang Chải đang có sự đổi thay, có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tập quán canh tác, về lối sống.
- Ở dưới kia kìa, nhà báo! - Bí thư Lềnh chỉ - Đó là nơi mà xã đang cho trồng thử nghiệm lúa hai vụ đấy.
Dễ dàng thấy, có đường sá, việc giao thương đi lại của người dân thuận tiện hơn thì tư duy của đồng bào cũng rất nhanh chóng "hội nhập". Và trong câu chuyện với Bí thư Lềnh, tôi được biết, xã Chế Tạo chỉ có hai dòng họ là họ Giàng và họ Sùng. Cả hai dòng họ này đều rất hiếu học, hiện nay xã có trên 100 người là con em ở trong xã đi học chuyên nghiệp ở Hà Nội, Yên Bái cũng như các tỉnh, thành khác. Và nhiều người đã là cán bộ công chức của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, trong đó có đồng chí Giàng A Chu, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chính là người con của quê hương Chế Tạo.
Miên man trong những câu chuyện về xã xa nhất, đắm mình trong những cảnh đẹp hùng vĩ nơi núi rừng rồi điểm trường Kể Cả đã hiện ra trước mặt. Nơi đây có độ cao 2.055m so với mực nước biển. Tiếng hát trẻ thơ cùng tiếng đọc bài của các cô cậu bé vang lên từ các lớp học như đưa bước chân chúng tôi lạc vào một nơi nào đó như lạ, như quen mà thật thân thương, gần gũi. Những cái bắt tay thân tình, thầy giáo Nguyễn Vũ Thuật, tổ trưởng điểm trường Kể Cả không giấu được xúc động: Biết tin đoàn lên, thầy cô và các cháu học sinh vui lắm! Từ đây lên Háng Tày chỉ còn 3 cây số nữa...
Thanh Chi – Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Trong suy nghĩ của anh Dê, dù ở cương vị nào thì mình cũng vẫn là "công bộc" của dân. Bởi thế, những dự định, trăn trở của anh về một hướng đi mới cho đời sống kinh tế, xã hội sẽ mãi mãi là điều một đảng viên như anh đau đáu theo đuổi mục tiêu.
YBĐT - Đến nay, huyện Yên Bình đã phát triển đàn dê lên trên 31.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Ninh, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà.
YBĐT - Thực sự thì cây bưởi Khả Lĩnh đã có thể gọi là “cây tiền”. Tôi rất tâm đắc với cách nói đó của ông Trần Văn Quý. Thật đúng quá đi chứ khi theo giá thấp nhất trên thị trường hiện nay, người dân nơi đây bán được bình quân 12.000 đồng một quả bưởi, tương đương 2 kg thóc. >> Bài 1: Mùa cho hoa đơm trái
YBĐT -Giữa tháng Ba, trắng ngần một vùng bưởi bung hoa khắp làng Khả Lĩnh. Mỗi trái bưởi đã chắt chiu hương vị dâng đời và hương vị ấy cũng mang lại sự trù phú cho làng. >>Đại Minh mùa hoa bưởi