Nuôi dê “trên thuyền”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2016 | 2:12:08 PM

YBĐT - Đến nay, huyện Yên Bình đã phát triển đàn dê lên trên 31.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Ninh, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà.

Dê được nuôi trên các đảo hồ Thác Bà (Yên Bình) sinh trưởng phát triển tốt.
Dê được nuôi trên các đảo hồ Thác Bà (Yên Bình) sinh trưởng phát triển tốt.

"Kia, mô hình chăn nuôi dê trên thuyền của anh Lương Quốc Bình ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình đấy". Chị Nguyễn Thị Hằng - cán bộ khuyến nông viên cơ sở thị trấn Yên Bình vui mừng chỉ tay về phía trước bảo tôi. Đã hẹn trước với chủ hộ nuôi dê nhưng để tìm được nơi bến đậu của con thuyền cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Bởi với phương thức nuôi dê trên thuyền gia đình anh Bình nay ở đảo này, mai ở đảo kia. Qua cái bắt tay thân mật, anh Bình kể: “Mình nuôi dê trên thuyền ở hồ Thác Bà bắt đầu từ 2008 với số lượng 12 con, đến nay có trên 130 con. Với giá bán trên thị trường dao động từ 120 - 130 ngàn đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Tôi nghe mà mừng thầm cho anh Bình, bởi nghề nuôi dê không khó khăn lắm mà lợi nhuận hàng năm cao hơn hẳn so với việc nuôi và trồng các loại cây, con khác. Anh Bình cho biết thêm: “Để có được 12 con dê cái ban đầu và ngôi nhà di động này, gia đình mình đã vay mượn bạn bè, ngân hàng cả trăm triệu để đầu tư”. Qua tìm hiểu được biết, để có chiếc thuyền (ngôi nhà di động) nuôi từ 80 đến 150 con dê, những người nuôi dê như anh Bình đã bỏ ra trên 120 triệu đồng để đóng thuyền. Đối với người dân sống bám hồ thì đây quả là một khối tài sản lớn. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi dê trên đảo hồ, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Chia tay với anh Bình, con thuyền nhỏ lướt sóng đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình ông Trần Văn Châu ở thôn 4, xã Phúc Ninh. Như nhiều hộ dân khác trong xã, trước đây cuộc sống của ông Châu gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất nông nghiệp ít, mấy miệng ăn trông chờ vào việc đánh bắt cá, tôm trên hồ Thác Bà. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, khi đọc trên báo và các phương tiện thông tin đại chúng về cách nuôi dê kết hợp khai thác tiềm năng và lợi thế của các hòn đảo trên hồ Thác Bà, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi dê. Với 10 con dê cái ban đầu, đến nay gia đình ông Châu đã phát triển và duy trì từ 80 - 110 con, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chia sẻ về nghề nuôi dê, ông Châu cho biết: “Nuôi dê tương đối dễ, ngoài việc chọn giống tốt thì thức ăn chủ yếu là cỏ và lá cây trên các đảo hồ rất sẵn. Một nhân công có thể quản lý được trên 100 con. Buổi sáng đánh thuyền đi thả dê, buổi chiều gõ mõ lần lượt đàn dê từ các hòn đảo nhỏ kéo về thuyền. Những ngày mưa thì nhốt trên thuyền và chủ động cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng nên đàn dê luôn được đảm bảo”. Với cách nuôi đơn giản và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đảo hồ Thác Bà, nhiều hộ dân ở xã Phúc Ninh đã chuyển hướng làm kinh tế theo hướng này góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh phấn khởi cho biết: “Thấy được hiệu quả từ việc nuôi dê, trong thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tiềm năng của vùng hồ nên đến nay toàn xã có gần 10 hộ nuôi dê với quy mô từ 20 - 110 con. Nhờ nuôi dê mà nhiều gia đình từ hộ nghèo nay không những thoát nghèo mà vươn lên khá giàu”.

Theo anh Bình và ông Châu nuôi dê không khó, nếu biết cách phòng chống các dịch bệnh thường gặp như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng và chủ động nguồn thức ăn thì hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dê cao hơn so với việc nuôi trồng các loại cây con khác. Đặc biệt, sản phẩm đầu ra rất dễ tiêu thụ, nhiều thời điểm không có dê để cung ứng cho các thương lái. Nắm bắt được nhu cầu này, trong những năm qua, việc phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng đã được huyện Yên Bình quan tâm chú trọng.

Qua đó góp phần đưa tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm tăng trên 5%, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 48% giá trị ngành nông nghiệp và là huyện đứng đầu về số lượng cơ sở chăn nuôi hàng hóa của tỉnh, trong đó chăn nuôi dê trên hồ Thác Bà đang là hướng đi mới trong ngành chăn nuôi của huyện.

Tận dụng tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà, nơi có diện tích mặt nước hồ trên 19.000 ha, với 1.331 hòn đảo lớn, nhỏ không những tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn cung cấp một nguồn thức ăn lớn phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi dê nói riêng.

Trong khi đó dê là vật nuôi ăn cỏ, động vật đa thai, có khả năng sinh sản nhanh (một năm sinh 2,5 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 con, nuôi từ 7- 8 tháng thì có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 18 - 20 kg). Với giá bán trên thị trường dao động từ 120 - 130 ngàn đồng/kg thì rõ ràng hiện nay chăn nuôi dê trên đảo hồ Thác Bà đang là hướng đi tích cực đem lại hiệu quả cho người dân nơi đây.

Mô hình nuôi dê trên hồ Thác Bà của anh Lương Quốc Bình - tổ 8A, thị trấn Yên Bình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo cách tính đơn giản của chị Phùng Thế Hồng - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình: nếu một hộ nuôi 75 con, trong đó có 70 con dê cái, sau một năm cho sinh sản 175 con (2,5 lứa/năm), khi bán trọng lượng đạt 20kg/con x 120 ngàn/kg, cho tổng thu nhập khoảng 420 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng cũng đem về lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng. Bởi vậy, mà đến nay huyện Yên Bình đã phát triển đàn dê lên trên 31.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Ninh, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà.

Trong đó có 10 mô hình có quy mô chăn nuôi từ 80 - 130 con, trên 50 mô hình có quy mô từ 20 - 50 con... Nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Nông Thị Tiếc - thôn 1, xã Phúc Ninh; Cao Văn Vượng - thôn 17, thị trấn Yên Bình; Nguyễn Văn Sang - xã Tân Hương; Lương Xuân Thiện - thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn...

Hiệu quả về kinh tế là vậy, song hiện nay nhiều hộ dân đang nuôi dê với quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Yên Bình vẫn gặp những khó khăn, nhất là về nguồn vốn để phát triển và nhân rộng. Bởi muốn nuôi dê trên hồ trước hết phải có vốn để đóng thuyền (mỗi thuyền mất từ 100 - 150 triệu đồng), chưa kể kinh phí mua con giống, nên nhiều hộ gia đình tuy thấy được hiệu quả về kinh tế nhưng “lực bất tòng tâm”.

Nói về hướng phát triển chăn nuôi dê trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi dê, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho kinh tế hộ, góp phần tăng nhanh giá trị chăn nuôi. Tạo ra mô hình trang trại sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, làm thay đổi tập quán của các hộ chăn nuôi, nhằm chuyển dần từ hình thức chăn nuôi bản địa sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả”.

Rõ ràng, cùng với việc phát triển đàn đại gia súc chính như trâu, bò thì nuôi dê trên hồ Thác Bà đang là hướng đi mới. Vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển chăn nuôi trâu, bò nói chung, huyện Yên Bình cần xây dựng các đề án, dự án và có những đề xuất với các cấp, các ngành về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi dê tập trung với quy mô từ 100 con trở lên, đặc biệt có chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với nhiều nguồn vốn trong việc đầu tư con giống, chuồng trại. Cùng với đó, huyện cần phối hợp với ngành chức năng làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh đặc biệt là dự báo giá cả thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... để người chăn nuôi vững tin đầu tư và phát triển.

Văn Tuấn

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục