Giêng hai về làng bưởi Khả Lĩnh

Bài 2: Làng bưởi thời @

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2016 | 1:23:02 PM

YBĐT - Thực sự thì cây bưởi Khả Lĩnh đã có thể gọi là “cây tiền”. Tôi rất tâm đắc với cách nói đó của ông Trần Văn Quý. Thật đúng quá đi chứ khi theo giá thấp nhất trên thị trường hiện nay, người dân nơi đây bán được bình quân 12.000 đồng một quả bưởi, tương đương 2 kg thóc. >> Bài 1: Mùa cho hoa đơm trái

Anh Nguyễn Quý Lai (bên trái) thăm vườn bưởi nhà ông Trần Văn Quý.
Anh Nguyễn Quý Lai (bên trái) thăm vườn bưởi nhà ông Trần Văn Quý.

Như vườn của gia đình ông Quý có 60 gốc trong độ tuổi 15, 16 năm và năm 2015 vừa qua thu về 60 triệu đồng. Thu nhập này của ông Quý chưa phải là cao so với nhiều hộ khác trong làng mà mới chỉ nằm ở tầm trung. Dân làng đều cho biết, chất lượng bưởi Khả Lĩnh phụ thuộc vào độ tuổi của cây, cách chăm bón và cây bưởi càng lâu năm thì quả càng ngon, ngọt, thơm.

So sánh với vườn bưởi nhà ông Quý, chưa cao về độ tuổi, cách chăm sóc coi như ổn song đặc biệt là không ít cây cũng chung tình trạng thối gốc, chảy gôm giống cả làng thì đó mới là điều đáng nói. Câu chuyện trở nên hào hứng và rôm rả khi chạm tới một vấn đề dù độ mới không còn tinh nguyên nhưng sức nóng thì thật là khó tưởng tượng: chế phẩm sinh học EMINA cùng một người Khả Lĩnh mang về chế phẩm này - anh Nguyễn Quý Lai.

Ông Quý cho hay, năm qua, thu nhập cao từ vườn bưởi nhờ chính cái “anh EMINA” này và mới là vụ thứ hai ông thực hiện đúng quy trình hướng dẫn sử dụng. Những đổi thay rõ rệt trên cây bưởi, ông sát sao từng ngày, thêm phấn khởi từng ngày. Ông say sưa nói về nhánh cành sinh sôi, sự tiếp nối trong mỗi chùm hoa, chu trình tuần hoàn dinh dưỡng... Nếu chưa biết về cây bưởi thì gặp ông Quý, chắc chắn có những kiến thức cơ bản nhất cùng với tình yêu dành cho cây bưởi.

Không hề quá một chút nào, tôi có thể khách quan nói vậy khi gặp gỡ người làng Khả Lĩnh mùa Giêng hai: mọi câu chuyện sẽ quay về cùng hoa bưởi, cây bưởi. EMINA và người mang tên Lai cũng ngọt, cũng thơm như hương hoa bưởi trong câu chuyện của ông Bùi Văn Chí.

Trở về chuyện xưa của năm 2005, ông Chí mãi xót ruột: “Bưởi nở hoa trắng làng mà người cũng cứ trắng tay. Tôi xót mà vẫn mạnh miệng tuyên bố, chục năm sau, tôi sẽ là người có thu nhập cao nhất làng Khả Lĩnh từ tiền bán bưởi. Chẳng ai ngờ, đầu năm 2015, đến nhà tôi chơi, cháu Lai tự tin bảo sẽ giúp tôi có 2 vạn quả trong vụ này từ 80 gốc bưởi trong khi tôi dự ước khoảng 1 vạn quả, thu 70 triệu đồng. Tôi bảo, nếu được thế, chú sẽ cho cháu một nửa số quả”.

Ông Chí sau đó đã nhận từ Lai một loại chế phẩm chưa từng thấy bao giờ và bắt đầu sử dụng theo đúng hướng dẫn. Thứ này rất dễ sử dụng, có thể pha cùng tỷ lệ với nước hoặc nguyên chất, khi phun không cần đeo khẩu trang vì an toàn, không có thành phần hóa chất. Năm đó, ông Chí dùng hết 3 can, tổng cộng là 60 lít chế phẩm EMINA, chi phí vào 2 triệu đồng. Qua theo dõi, ông Chí nhận thấy, đất tơi xốp, cây bưởi rất sạch, không bị nấm muội, lá xanh mỡ màng, tỷ lệ đậu quả cao và cho quả đẹp, vỏ sáng, to hơn, ngọt, thơm.

Vừa hôm qua, còn sót lại một quả trên cây, người thụ phấn thuê hái xuống, bổ ra, không khác gì hương vị bưởi chính vụ. Kỳ diệu nhất là rất nhiều cây bị thối gốc đã nhanh chóng lành liền trở lại. Ông Chí vẫn còn ngỡ ngàng khi kể lại: “Thợ bưởi vào xem vườn, trả giá 150 triệu đồng, tôi giật cả mình. Đúng như cháu Lai nói thật, tôi ước đoán cũng có gần 2 vạn quả”.

Và cũng đúng mười năm sau lời “mạnh miệng tuyên bố” của mình, ông Chí đã toại nguyện ước mong của bản thân. “Cháu Lai còn nói, nếu tôi không tin thì có thể giữ lại một cây không thụ phấn chéo để so sánh với các cây khác”, ông Chí tiếp chuyện. Rồi lại thêm một điều lạ nữa xảy ra, cây này có tới 300 quả và thợ mua trả luôn 6 triệu đồng.

Năm nay, ông thí điểm một vườn 40 gốc không thụ phấn. Tin vào sự tài giỏi và tâm huyết với dân làng, với cây bưởi Khả Lĩnh của cháu Lai, ông bảo mình “sẽ chẳng bao giờ bỏ EMINA vì nhàn, vì an toàn, vì hiệu quả cao”. Ông đang chuẩn bị chiết cành trồng mới 200 gốc nữa cùng với 100 gốc đã trồng năm 2014.

Thật may mắn, tôi gặp anh Nguyễn Quý Lai trong ngày khởi công xây dựng nhà văn hóa làng Khả Lĩnh. Nụ cười bừng sáng, dáng cao mảnh khảnh, nếu không được biết trước, tôi sẽ nghĩ anh chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Anh Lai là Thạc sĩ khoa học, tốt nghiệp Trường Đại học Birmingham, Vương quốc Anh năm 2012. Hương bưởi đưa đường, tôi theo anh Lai và mọi người đi tới bao nơi cần đến là những vườn bưởi. Không nhầm lẫn, anh nhớ từng gốc bưởi của nhà ông Quý, ông Khải, ông Hòe, ông Chí, bà Dương...

Anh vanh vách kể tình trạng bệnh của từng cây, quá trình sử dụng chế phẩm EMINA, thời gian lành bệnh, diễn biến thời gian tới cùng những dự báo tương lai. Tưởng chừng những lý thuyết khoa học vời xa, phức tạp và khó hiểu vô cùng nhưng nghe anh Lai nói lại đơn giản, dễ hiểu, gần gũi đến lạ. Làng Khả Lĩnh này, bao năm rồi để cây bưởi phát triển một cách tự nhiên, kém chăm sóc cộng với nhiều năm tuổi nên cây đương nhiên sinh bệnh, chất lượng và hình thức quả vì vậy giảm đi cũng nhiều. Chế phẩm EMINA thật đơn giản là bổ sung cho cây bưởi những dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển.

Điểm mấu chốt nhất, chế phẩm này hoàn toàn không sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cũng như khuyến khích người trồng bưởi quan tâm, chú trọng quay lại chăm sóc cây bưởi bằng sử dụng phân chuồng, cải tạo môi trường đất, cân bằng hệ vi sinh vật. Tác dụng và hiệu quả của loại chế phẩm này, tôi đã nghe, đã chứng kiến tận mắt.

Thế nhưng tôi phải hỏi anh Lai rằng: “Tại sao tốt như thế, hiệu quả như thế, an toàn như thế mà người làng mình vẫn không sử dụng EMINA?”. Anh Lai đáp: “Điều này cần có thêm thời gian vì dân làng chưa tin”. Tôi tiếp tục: “Dân làng nói với nhau, đến ngay chính vườn bưởi của ông bà Doanh Bình là bố mẹ anh cũng chưa cho thu nhập cao thì họ không thể tin”.

Anh Lai cười: “Hoàn toàn không sai. Năm nay sẽ khác. Khi tôi tự mình quyết định toàn bộ quá trình chăm sóc vườn bưởi gia đình với chế phẩm này của Công ty tôi đã mua bản quyền trong 10 năm, tôi chắc chắn sẽ thu hoạch 16.000 quả từ 60 gốc bưởi, mang về 180 triệu đồng chứ không phải là 9.000 quả của năm 2015 nữa”. Nụ cười của anh như thể không một trở ngại nào, khó khăn nào có thể cản đường anh đến với thành công đã định sẵn. Thành công ấy có cơ sở khoa học cũng như thực tế từ nhiều mô hình anh đã triển khai thực hiện.

Vườn bưởi nhà Trưởng thôn Trần Quang Khải hôm ấy, lứa hoa đang đẹp. Nhà ông có hai gốc bưởi đầu dòng hơn 100 năm tuổi trong số 42 gốc đang cho thu hoạch. Năm ngoái, tiền bán bưởi ông thu 70 triệu đồng. Ông xuỵt xòa, tươi rói khi trông, khi sờ vết sẹo thối gốc, chảy gôm hở hoác hoạc đang đầy dần, nhẵn thin thín như chưa từng có dấu hiệu của bệnh.

“Cái anh EMINA hay đáo để, tôi ngờ ngờ vực vực, nhùng nhằng mà đến giờ là tin đứ đừ!” - ông Trưởng thôn thẳng tính nhưng cũng rất thơ ca đang sung sướng cùng niềm tin trọn vẹn. Ông Khải có vẻ khoái nhất điều này, nếu sử dụng chế phẩm đều đặn thì nhất định đến một ngày, ông không còn phải thụ phấn chéo cho hoa bưởi theo đúng “lý sự” của mình trước nay.

Ông Nguyễn Văn Hòe phun chế phẩm EMINA cho cây bưởi.

Bí thư Chi bộ thôn Khả Lĩnh - ông Nguyễn Văn Hòe kiệm lời hơn cả trong các cuộc trò chuyện. Tôi chọn nhà ông làm điểm dừng chân cuối một ngày rong ruổi nơi làng bưởi. Ông không nói nhiều, dành món quà cho tôi là một đĩa CD “Nhớ về nguồn cội” của dòng họ Nguyễn nhà ông và một bài thơ khi đi du lịch xứ người. Chiều buông trên dòng sông Chảy cũng là lúc ông Hòe pha chế phẩm EMINA đi phun cho hoa bưởi. Thứ dung dịch màu vàng sậm, có mùi thơm mát của mía mật khiến tôi hít hà, khoan khoái. Vòi bình phun tóe khắp cây, hoa bưởi rung rinh cười đón.

Cùng hương bưởi tự nhiên, mùi thơm và dưỡng chất của chế phẩm sẽ dụ ong về thụ phấn... Anh Lai “bật mí” cho tôi biết thêm, ông Hòe đã nhận thầu 1.500 gốc bưởi Diễn ở Cầu Hai, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Vườn bưởi này, anh Lai ước tính sẽ thu về không dưới 600 triệu đồng trong năm 2016. Cây bưởi là “cây tiền” đó chứ có đâu xa...

Tôi không quên câu nói của anh Lai về mục tiêu của Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản do anh làm Giám đốc: chiến lược xây dựng niềm tin. Niềm tin nơi anh có tình yêu sâu nặng dành cho quê hương, cho những mùa bưởi trên đất mẹ. Gần và thật gần, bưởi Khả Lĩnh như “cô thôn nữ đẹp nết, đẹp người” đến với bạn bè muôn phương. Niềm tin ấy sẽ trở thành hiện thực, như hương bưởi Khả Lĩnh vấn vít tiết trời xuân.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục