Cuộc sống mới ở Chế Tạo:

Kỳ II: Tình người - con chữ nơi Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 8:29:36 AM

YBĐT - Tôi đã có một ngày trải nghiệm thực sự ấn tượng ở Kể Cả và Háng Tày – nơi có hai điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Chế Tạo là hai điểm trường xa nhất của xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).

Giữa đại ngàn heo hút, bản Háng Tày không có em học sinh nào bỏ học giữa chừng.
Giữa đại ngàn heo hút, bản Háng Tày không có em học sinh nào bỏ học giữa chừng.

Những em bé vùng cao mắt tròn xoe, hồn nhiên như vẻ đẹp tự nhiên của cỏ cây, hoa trái núi rừng vùng cao cùng sự yêu nghề với tình người – con chữ của các thầy cô giáo nơi này đã để lại những dấu ấn khó quên với những người đã từng một lần đến.

Chúng tôi đến trường đúng lúc các em học sinh vừa tan học. Cơ sở vật chất trường lớp đơn sơ nhưng ánh mắt của các em cũng như các thầy cô giáo đều ánh lên niềm vui, sự háo hức bởi chắc rằng, đã rất lâu rồi không có ai là người miền dưới lên trên này. Chia cho các em học sinh những chiếc bánh, chiếc kẹo mà chúng tôi đã chuẩn bị từ trước chuyến đi mới thấy được những phần quà ấy lên được đến nơi này quý và ý nghĩa biết nhường nào!

Thời tiết trên này đang giữa mùa khô hanh nên bốn rưỡi chiều, trời vẫn nắng. Phòng học ở đây thì tuềnh toàng, hôm nay thì không sao nhưng sẽ không che nổi những ngày trời mưa, gió lùa. Đặc biệt có những ngày mùa đông, rét buốt, sương mù dày đặc tràn qua những khe lớp cách nhau quá rộng, lớp lại không có cửa chính khiến cho cả phòng học mù mịt, các em không nhìn thấy bảng và các thầy cô lại phải cho các em nghỉ học về sưởi ấm. Lớp học không đủ nên các thầy cô phải mượn cả nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn để làm lớp học. Chỉ có 1 phòng học mầm non là vừa được xây dựng và hoàn thành trước tết. Thế nhưng, thật đáng khâm phục tinh thần hiếu học các cô cậu bé người Mông giữa đại ngàn heo hút là cả bản không có em nào bỏ học giữa chừng. Để có được những kết quả đáng tự hào này, mô hình trường học bán trú góp phần không nhỏ, bởi đây được đánh giá là mô hình “đúng” và “trúng”, giúp duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở vùng cao. Và đây cũng là nơi thử thách lòng yêu nghề của những người thầy.

Những bà mẹ người Mông hàng ngày đưa con tới lớp.

Là người quê xã Lao Chải cùng huyện như thầy giáo Giàng A Hình mà lần đầu tiên lên nhận nhiệm vụ tại bản Háng Tày, đi qua những con đường dốc đá, vực sâu và ngã xe đến 4 lần, thầy cũng đã phải rớt nước mắt và có lần muốn bỏ cuộc. Vậy mà từ miền xuôi Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Dũng đã có 6 năm gắn bó với mảnh đất này.

Nhớ lại buổi đầu, thầy Dũng chia sẻ: “Lúc ra trường, có người quen xin việc cho trên này, em hồ hởi lên đường bởi lúc đó rất vui vì đã xin được đúng ngành mình học. Nhưng lên đến đây, tất cả không giống như suy nghĩ. Đường sá đi lại vô cùng gian nan, điện không có, sóng điện thoại cũng không. Em thấy mình như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Buồn, chán mãi rồi cũng phải cố gắng vượt qua chính mình. Và hơn hết, em nghĩ mình phải mang đến cho trẻ em nơi này con chữ để các em có kiến thức để thoát khỏi cái nghèo cứ quẩn quanh”. Rồi sự bất đồng trong ngôn ngữ cũng khiến thầy gặp nhiều khó khăn. Nhưng rào cản ấy đã được thầy khắc phục bằng cách xuống nhà dân để học hỏi, kể cả phong tục, để vận động, tuyên truyền cha mẹ phụ huynh cho con đến lớp.

Để thầy trò hiểu được nhau đã khó, việc truyền đạt những kiến thức trong sách vở, những nếp sinh hoạt vệ sinh lạ lẫm không giống như trò chơi chắt chuyền, đánh quay hàng ngày của các em mới là thử thách sự kiên nhẫn và tình yêu con trẻ. Ngày nối ngày, mọi cố gắng được đền đáp, các em đến lớp chuyên cần, luôn coi các thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Thầy Dũng bảo, mỗi năm thầy chỉ về nhà 2 lần vào dịp hè và tết.

- Em giờ vẫn chưa có người yêu! Mà cứ như thế này thì không biết bao giờ mới có? - Câu nói pha chút hài hước nhưng có một cái gì đó xót xa.

Ở vùng cao xa xôi, các em học sinh cần nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để tiếp bước các em đến trường.

Điểm trường Háng Tày có tất cả 6 giáo viên trong đó hai giáo viên nữ đang dạy lớp mầm non ghép 3, 4, 5 tuổi gồm 35 trẻ. Một cô do xa nhà, điều kiện cơ sở vật chất của điểm trường không có nên phải thuê nhà ở với giá 300 ngàn đồng/tháng.

Theo Trưởng bản Giàng A Dờ thì hiện toàn bản có 66 hộ với 370 nhân khẩu, trong đó có 48 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo, đều là người Mông. Được các thầy cô vận động nên bà con ở đây đã hiểu được thành quả của cơm no, áo ấm chính là từ học chữ mà nên. Trẻ đến trường  đầy đủ, chuyên cần, bà con cảm ơn các thầy, các cô rất nhiều. Những câu chuyện cởi mở về tình người, con chữ nơi núi cao cho tôi thấy một niềm tin, niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ vùng cao.

Trở lại điểm trường Kể Cả cùng với các thầy cô giáo điểm trường Háng Tày vào đúng giờ các em đang ăn cơm. Bữa cơm của các em có thịt, có canh, một bữa ăn ngon khi đồ tươi sống đến được nơi này rất hãn hữu. Kết quả đó có được là do các chính sách hỗ trợ trẻ đến trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh được tích cực triển khai. Học bán trú, ngoài học tập trên lớp các em còn được thầy cô rèn luyện về kỹ năng sống, tính tự lập. Chẳng thế mà sau bữa cơm, các cô cậu bé chỉ 6 -10 tuổi đều lần lượt mang bát của mình ra rửa sạch sẽ. Chạnh lòng nghĩ, con mình ở nhà tuổi ấy đến chỉ bón cơm vào miệng vẫn còn phải hò hét!

Sáu rưỡi chiều. Núi thẳm rừng xa, bóng tối ập xuống nhanh hơn. Lại là bản chưa có điện lưới quốc gia, các thầy cô ở 2 bản Kể Cả và Háng Tày vẫn đang phải sử dụng điện bằng sức nước nên ánh sáng cứ hiu hắt. Vật bất ly thân đối với các thầy cô là chiếc đèn pin để thuận tiện trong việc đi lại. Đêm ở lại bản với các thầy cô mới thấy được sự khao khát có điện của mỗi người.

Đêm đó, tôi ngủ cùng với cô giáo Hảng Thị Háng, người bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải và thấu hiểu được những gì em đã phải trải qua. Lập gia đình đã 7 năm nhưng số ngày vợ chồng gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi anh là chiến sĩ công an đi suốt nay lại đang đi học nâng cao trình độ ở thành phố Yên Bái, đến giờ hai vợ chồng vẫn chưa có con. Một mình không điện, không điện thoại, chỉ có bức tường gỗ làm bạn trong bao đêm nước mắt ướt gối vò võ nhớ chồng, những dòng tâm sự được cô viết như những dòng nhật ký để vơi đi nỗi buồn trong lòng: “.... Sao buồn đến thế? Hãy giải thích cho tôi biết nhé”/ Xung quanh không có ai. Ở ngoài trường chỉ có nhìn thấy chim làm bạn, làm bè khỏi buồn”/ "23h30 phút. Nhớ chồng yêu nhiều không ngủ được”...

Những dòng tâm sự của cô giáo Hảng Thị Háng viết trên tường.

Thế nhưng, “Dù những vui buồn cũng đã thấm đủ, em vẫn nguyện gắn bó với nơi này bởi chúng em thường nói với nhau rằng, yêu trẻ, thương trẻ trước khi yêu nghề. Đặc biệt, 25 trẻ mầm non của lớp lúc nào cũng duy trì đủ sĩ số, học sinh rất chăm học và đi học đúng giờ. Đó là động lực cho chúng em cố gắng” - Háng lại hồn nhiên, vui vẻ, ánh mắt cô lại lấp lánh niềm vui như những đứa trẻ đang chơi trò chắt chuyền ngoài sân trường kia.

Tự nghĩ, có biết bao thầy cô như thế ở vùng cao, như Háng, như Dũng, như Hình? Chợt nhớ đến câu chuyện kể của "Bà lão I - zec- ghin” (nhà văn Mác- xim Goóc-ki) tôi đã đọc thuở bé: chàng Đan- kô xé toang lồng ngực lấy trái tim mình chiếu sáng đường đi trong màn đêm xuyên rừng và đầm lầy cho một bộ tộc kiếm tìm sự sống để đến được nơi đất đai trù phú tràn đầy ánh sáng. Có biết bao "trái tim Đan- kô" như thế ở vùng cao này? Bởi thế mà Chế Tạo là xã đã có rất nhiều gia đình người Mông hiếu học. Dòng họ Giàng (trong đó có người con Giàng A Chu) đã vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Chia tay các thầy cô và các em học sinh với ánh mắt tròn xoe, hồn nhiên, trong những cái bắt tay nồng ấm, những khóe mắt rưng rưng, lưu luyến lúc chia tay muốn níu chân khách xa cùng câu nói của cô giáo Háng: “Mọi người về là chúng em buồn lắm. Khi nào có dịp các anh, các chị lại lên với chúng em nhé!”. Văng vẳng trong tôi vẫn là những âm thanh "ê, a.." trong trẻo hồn nhiên như cỏ cây của những đứa trẻ vùng cao như câu hát "Hôm nay đi học xa. Đường tương lai, đường gần”. Và tin rằng, với sự hiếu học đã thành truyền thống, sẽ có nhiều hơn nữa những người con của núi mang về sự đổi thay cho bản làng, xây niềm tin cho một tương lai tươi sáng.

Ước mơ gặp lại Chế Tạo trong một ngày không xa: ánh điện lưới quốc gia sẽ thắp sáng khắp các bản làng, sóng điện thoại cũng sẽ đến tận nhà, đường bê tông hóa đến tận bản để Chế Tạo được khoác lên mình một diện mạo ấm no hơn và hơn cả là Chế Tạo sẽ không còn xa nữa...

Thanh Chi – Mạnh Cường

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục