Người chiến sĩ vì dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 9:42:02 AM

YBĐT - "Chúng tôi không sợ anh ấy mà nể anh ấy”, anh Trần Văn Nam - thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình nói về anh Đặng Văn Nanh - người Trưởng Công an xã của mình như vậy.

Anh Đặng Văn Nanh (người đứng) trực tiếp chỉ đạo công an viên xử lý vụ việc.
Anh Đặng Văn Nanh (người đứng) trực tiếp chỉ đạo công an viên xử lý vụ việc.

Trong suốt hành trình cống hiến vì Đảng, vì dân của mỗi chiến sĩ công an nhân dân, thành công lớn nhất và cũng là điều tuyệt vời nhất là có được niềm tin, tình yêu thương, lòng quý mến của người dân... Đó cũng có lẽ là tài sản vô giá. Ngoài 30 tuổi, hơn 10 năm công tác trong lực lượng công an nhân dân, Trưởng Công xã Yên Thành, huyện Yên Bình - Đặng Văn Nanh thực sự đã có được điều đó. Anh là chỗ dựa, là niềm hy vọng của bà con nhân dân trên mảnh đất nghèo còn nhiều khó khăn này.

Tôi gặp Đặng Văn Nanh tại Yên Thành vào một ngày cuối tháng 3 trời nắng nhẹ. Vẻ ngoài nhanh nhẹn, khuôn mặt cương nghị với đôi mắt sáng đã đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng. Nhưng phải khi được xem cách anh làm việc, nghe cách anh giải thích cho hai người vừa gây ra vụ va quệt giao thông tại trung tâm xã, tôi mới cảm nhận được sao gương mặt ấy, đôi mắt ấy lại sáng đến như vậy.

Yên Thành là một xã vùng khó khăn của huyện Yên Bình, nơi đây trên 94% là đồng bào Dao sinh sống, đời sống của người dân còn quá nhiều khó khăn chủ yếu dựa cả vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Vậy mà, cái cách anh giải thích, phân xử vụ va quệt giao thông ấy khiến tôi  và những người chứng kiến phải nể phục. Tôi nể phục thái độ của anh với những người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhã nhặn, kính trọng với dân là những từ có thể diễn tả về thái độ ấy.

Hẳn là, sự ấn tượng của tôi hiện ngay ra khuôn mặt nên anh Trần Văn Nam - thôn 2 đứng bên cạnh nói nhỏ: “Trưởng Công an xã ở đây là như thế đấy, nên tất cả công an viên trong xã đều giữ thái độ như vậy với người dân. Chúng tôi không sợ anh ấy mà nể anh ấy”. Không dễ dàng gì để làm được điều đó, nhất là với những người làm công việc giữ gìn đảm bảo an ninh trận tự, an toàn xã hội - công việc “nhạy cảm”, rất dễ “bị ghét”.

Kinh nghiệm xử lý và đối thoại với người dân nếu với một người bình thường được tích lũy bởi những năm tháng tuổi trẻ va vấp, nhưng anh Nanh - một người trẻ tuổi sớm có được, phải chăng anh có một biệt tài? Tôi đem thắc mắc ấy hỏi ngay “chủ nhân” sau khi anh giải quyết ổn thỏa vụ va quệt, anh cười: “Biệt tài gì đâu. Đã đứng trong hàng ngũ lực lượng công an nhân dân thì mỗi người đều đã xác định: để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện theo phương châm “lấy dân làm gốc”. Dù việc khó khăn đến đâu, vướng mắc đến mức không có manh mối nào đi nữa nhưng nếu chúng ta giữ được lòng dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thì chắc chắn sẽ thành công, sẽ giải quyết ổn thỏa”.

“Lấy dân làm gốc” - tư tưởng ấy có từ khi Đảng ta ra đời, nhưng những câu chuyện anh Nanh kể về công việc của mình thì người nghe mới thấy rõ “lấy dân làm gốc” giản đơn và thực tế đến nhường nào.

Anh Nanh chia sẻ: “Mỗi cán bộ công an trong xã đều phải gần gũi, nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, kịp thời phát hiện những vụ việc để giải quyết, ngăn chặn, vô hiệu hóa ngay từ đầu. Có dấu hiệu mâu thuẫn, lực lượng công an vào cuộc xử lý ngay tại cơ sở, không để việc nhỏ xảy ra việc lớn”.

Làm được việc ấy phải gần gũi với nhân dân, để dân coi như con, như người trong nhà. Vậy nên, bảo sao trong 5 năm từ 2010 đến 2015, toàn xã chỉ xảy ra khoảng 100 vụ việc nhưng tất cả đều được ngăn chặn và vô hiệu hóa ngay từ đầu, tổ chức hòa giải mâu thuẫn ngay từ thôn, không xảy ra vụ việc lớn hay kéo dài để từ việc nhỏ sang việc lớn. Hiện nay, toàn xã không có tệ nạn ma túy, mại dâm, những vụ việc ăn cắp vặt, mâu thuẫn xô xát được kịp thời giải quyết theo hướng thấu tình đạt lý, giáo dục, răn đe là chính.

Anh kể, cách đây không lâu xảy ra vụ trộm cắp mà đối tượng nghi binh rất giỏi. Thời gian xảy ra vụ việc đối tượng không có mặt tại địa phương và lúc quay về địa phương cũng không ai biết. Đối tượng đã về trong đêm, trộm một chiếc thuyền bên xã Xuân Lai (Yên Bình), bơi về Yên Thành, đến rạng sáng bắt trộm hai con dê trị giá 6 - 7 triệu đồng của gia đình khác trong thôn. Từ nguồn tin quần chúng, anh Nanh trực tiếp đi xác minh thì được một người dân cung cấp thông tin rất mơ hồ: “Vào khoảng 3 giờ sáng, ông nghe được một tiếng ho, mà điệu ho thì giống đối tượng Đặng Văn Dương ở thôn 7”.

Từ đó, tập trung điều tra xác minh xung quanh đối tượng và thu thập được những bằng chứng xác thực, đối tượng Đặng Văn Dương không chối cãi được hành vi trộm cắp của mình. Anh Nanh phấn khởi chia sẻ: “Nếu không nhờ nhân dân cung cấp thông tin thì sao chúng tôi có thể tìm được đối tượng một cách nhanh chóng, trả lại tài sản cho người bị mất, và hơn nữa làm cho nhân dân yên tâm. Hoặc bỏ qua manh mối của nhân dân cung cấp thì sao có thể phá án được”. Trong những câu chuyện anh Nanh kể, tôi luôn nhận thấy sự xuất hiện của cụm từ “nhân dân yên tâm” hay “yên dân”. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an, song hơn cả còn là trách nhiệm, là tình cảm chân thành của anh.

Câu chuyện tại Trường Tiểu học Yên Thành xảy ra sự việc các phòng ở của giáo viên bị cậy phá, mất cắp đồ đạc là một ví dụ rõ ràng về điều ấy. Anh kể, mặc dù trị giá tài sản bị mất không lớn nhưng gây hoang mang cho cán bộ, giáo viên và nhân dân. Lúc đó, vào khoảng năm 2010, vừa về nhận nhiệm vụ tại xã, anh đã chỉ đạo anh em phải vào cuộc ngay lập tức. Anh cùng đồng đội đã tổ chức nắm tình hình, khoanh vùng đối tượng.

Anh kể lại: “Chúng tôi khoanh vùng đối tượng và tổ chức mật phục bắt quả tang, trả lại tài sản cho nhà trường với tổng trị giá gần 14 triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn cả là tư tưởng của giáo viên nhà trường và nhân dân quanh vùng yên tâm hơn. Từ đó, chấm dứt hẳn việc cậy cửa phá phách đồ đạc. Không còn lo mất đồ đạc mỗi kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè”.

Chuyện trai các làng xô xát khi “tìm vợ” không quá xa lạ ở những vùng quê như Yên Thành, thường gây bức xúc trong nhân dân. Song, từ thông tin của nhân dân, anh đã dẹp yên nhóm thanh niên tại thôn 9. Anh cho biết: “Dù thương tích không nặng nhưng tình trạng này gây tâm lý hoang mang cho người dân mỗi khi có việc phải đi vào thôn 9 buổi tối. Trước tình hình đó, ngoài tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức phát động Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại thôn thì hàng tối, tôi cùng anh em đi tuần, lúc công khai, lúc hóa trang, vận động những người bị đánh viết đơn tố giác tội phạm.

Sau khi bắt được 4 đối tượng, lập biên bản xử phạt hành chính, lập hồ sơ giáo dục tại xã, về thôn kiểm điểm trước nhân dân mỗi tháng 1 lần, rồi 3 tháng 1 lần, 6 tháng 1 lần. Từ đó đến nay, toàn xã không còn tình trạng xô xát do “trai làng bảo vệ gái làng” nữa”. Cách xử lý thấu tình đạt lý của anh Nanh được người dân ủng hộ, quan trọng hơn cả là các đối tượng và gia đình đối tượng đều “tâm phục khẩu phục”.

Anh chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi sử dụng biện pháp giáo dục tại xã rất có hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, có 11 đối tượng giáo dục tại xã và tất cả đều tiến bộ. Phải chia sẻ rằng, chúng tôi là những người thực thi pháp luật, nhưng tại những vùng nông thôn, đặc biệt là những vùng, miền đặc trưng như Yên Thành, để làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm chúng tôi phải có những biện pháp dựa trên tập quán, văn hóa địa phương, vừa đảm bảo nhiệm vụ, đúng luật, vừa hợp lòng dân”.

Cũng chính bởi biện pháp ấy mà trong những năm qua, ở Yên Thành đã làm tốt công tác thu nộp vũ khí, công cụ nổ hỗ trợ. Theo phong tục của người Dao Yên Thành, mỗi đàn ông trưởng thành đều có một khẩu súng kíp. Anh đã tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, thu nộp 340 khẩu súng tự chế. Cũng trong 5 năm qua, anh cùng đồng đội kịp thời phát hiện, tuyên truyền, vận động, thu giữ 2 kg pháo nổ, 0,2 kg vật liệu nổ, 9 kíp mìn. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã trong 5 năm qua ổn định, không có trọng án xảy ra.

Những kết quả ấy, anh Nanh chưa bao giờ coi là thành tích bởi đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương, hơn cả với anh để “dân yên tâm” là thành tích lớn nhất của người cán bộ. Bởi là một chiến sĩ công an trước khi khoác lên mình bộ quân phục anh đã luôn phải ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”. Khi dân yên tâm cùng với thái độ thực hiện theo lời dạy của Bác, thì tình cảm tin yêu của nhân dân dành cho anh Nanh cứ thế đến một cách tự nhiên. Và cũng nhờ tình cảm ấy, giúp anh 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành chia sẻ: “Đồng chí Nanh có nghiệp vụ cứng, quyết đoán. Luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, đồng chí rất được nhân dân yêu quý, tin tưởng. Nhờ có niềm tin yêu đó, đồng chí làm rất tốt công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã”.

Chia tay Trưởng công an xã Yên Thành - Đặng Văn Nanh, tôi trở về mang theo tình cảm tin yêu của nhân dân dành cho anh và thầm nghĩ, đây chính là tấm gương giúp những chiến sĩ trẻ mới vào nghề soi mình để phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân.

Thanh Ba

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục