Lò Văn Bình làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2016 | 10:01:54 AM

YBĐT - Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch Yên Bái, rộng hơn nữa là du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu ấy, không thể không kể đến phần đóng góp của đoàn viên Lò Văn Bình.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình anh Lò Văn Bình.
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình anh Lò Văn Bình.

Khách du lịch nước ngoài đến thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đều được Lò Văn Bình gọi chung là “khách Tây”. Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch Yên Bái, rộng hơn nữa là du lịch vùng Tây Bắc.

Chao Hạ có thương hiệu ấy, không thể không kể đến phần đóng góp của đoàn viên Lò Văn Bình - một trong những người mạnh dạn tiên phong liên kết với doanh nghiệp lữ hành hình thành và phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng.

Khởi nghiệp từ quyết tâm

“Ở bản người Thái, người dân quen với cuộc sống đồng ruộng, quanh năm tất bật với con trâu, cái bừa... thì quyết định đầu tư mấy chục đến hàng trăm triệu đồng để cải tạo, sửa sang nhà cửa làm du lịch cộng đồng là một ý tưởng mới, táo bạo”, anh Đồng Văn Kem - Phó bí thư Đoàn xã Nghĩa Lợi chia sẻ khi nhắc đến con đường khởi nghiệp của Lò Văn Bình.

Không riêng gì cách nhìn nhận của anh Kem, ngay trong gia đình mình, Bình cũng không dễ tìm kiếm “đồng minh” ủng hộ. Chị Lường Thị Yến - người bạn đời của anh kể lại: “Ban đầu cả nhà lo lắng lắm, vì ngoại ngữ một chữ bẻ đôi cũng không ai biết, phong tục tập quán của người Thái lại quá lạ lẫm với người nước ngoài. Cả nhà lo không biết làm sao để khách thoải mái, coi gia đình mình là điểm đến trong những lần sau. Và nếu thất bại, cả nhà sẽ vướng vào nợ nần khi mà vốn đầu tư phần lớn phải vay mượn từ anh em, họ hàng”.

Để thuyết phục gia đình cùng đồng tâm hiệp lực trong mô hình kinh doanh, Lò Văn Bình xách ba lô, lang thang khắp các vùng đất du lịch ở Tây Bắc để học hỏi, tỉ mẩn ghi chép từng công việc, quy trình làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Kiến thức học được ở những địa danh du lịch như: Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình)... Những trải nghiệm ấy khiến chàng trai người Thái sinh năm 1986 này tự tin khởi nghiệp. Sau mỗi chuyến thực tế, Bình lại có thêm những tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, để rồi ngày càng hun đúc nên quyết tâm làm kinh tế với mô hình du lịch cộng đồng mà “khách Tây” đặc biệt ưa chuộng. Bằng quyết tâm vượt khó, không ngại khổ, dám nghĩ dám làm, Lò Văn Bình đã bắt tay vào làm du lịch cộng đồng bắt nguồn từ suy nghĩ: “Phải thoát nghèo từ cách làm mới, từ hướng đi mới”.

Tổng kinh phí đầu tư ban đầu của Bình khoảng 150 triệu đồng, dành cho việc tu sửa nhà cửa, cải tạo hệ thống vệ sinh xung quanh nhà và đầu tư mua trang thiết bị nấu bếp, mua chăn, đệm phục vụ nhu cầu ngủ, nghỉ của khách... Với người dân trong bản, số kinh phí này khá lớn nhưng cũng không phải quá khó để có thể huy động được.

Thu hút du khách từ món ăn dân tộc

“Mở dịch vụ du lịch cộng đồng từ năm 2012, mình chỉ mất năm đầu tiên bỡ ngỡ. Còn hiện nay, lượng “khách Tây” đến với gia đình tương đối ổn định, đông nhất vào mỗi dịp cuối tuần. Nhiều khách đến đây, khi quay lại còn rủ thêm bạn bè. Họ “khoái” cái cách được ăn, ở, sinh hoạt cộng đồng lắm!” - Bình nói trong tâm trạng hồ hởi.

Qua vài năm làm du lịch cộng đồng, Bình tích lũy được khá nhiều kiến thức và kỹ năng, dù có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng “khách Tây” đặc biệt thích thú tìm hiểu, mong muốn được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Bình hiểu nhu cầu này và tìm mọi cách đáp ứng. Những món ăn ở nhà Bình luôn mang nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của người Thái vùng Mường Lò như: cá suối nướng; sôi ngũ sắc; thịt lợn hấp; cào cào rang lá chanh; rau dớn nộm... khiến cho du khách cảm thấy lạ miệng và ngon miệng.

Thời gian khách lưu lại gia đình, các thành viên trong nhà luôn chủ động giới thiệu công việc lao động, nền nếp sinh hoạt và mời khách cùng tham gia. Khách Tây ở nhà Bình luôn hào hứng đi nương gặt lúa, bẻ ngô và tìm hái rau rừng, thậm chí về nhà cũng tự tay vào bếp tham gia chế biến, nấu các món ăn của đồng bào người Thái.

Khách đến “vui, chơi” nhà Bình đông nhất vào khoảng tháng 2 - 4 hằng năm, sau đó khách thưa hơn nhưng khoảng tháng 5 - 6, tháng 9 - 10 thì đông trở lại, khi người dân trong bản vào mùa gặt lúa, bẻ ngô... Bình có mối quan hệ mật thiết với 2 – 3 công ty du lịch, lữ hành thường xuyên đưa khách đi theo tua, tuyến nên trung bình mỗi năm, nhà Bình đón được khoảng 300 lượt “khách Tây” đến ở, nguồn lãi thu từ dịch vụ đảm bảo trang trải cho cuộc sống gia đình.

“Đến bản để du xuân ngắm cảnh núi rừng, trải nghiệm cuộc sống kiểu mới, thấy được hòa mình với thiên nhiên, với cộng đồng dân cư và thưởng thức những “món lạ” nơi đây. Vui lắm!” như lời anh Chadly Adam - du khách người Anh. Theo Bình, bí quyết để níu chân du khách là những món ăn của cộng đồng người Thái và đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. “Món của người Thái mà “khách Tây” mê nhất là thịt băm cuốn lá nướng, món này dân dã, có trong bữa cơm hằng ngày nhưng được xếp ngang hàng với đặc sản núi rừng.

“Bằng cách này, tôi muốn giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống đến với “khách Tây” theo cách gần gũi, tự nhiên nhất” - Bình chia sẻ.

Mong muốn được nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các dịch vụ hiện tại, Bình đang tìm cách học chế biến các món ăn Âu, Á và học thêm tiếng Anh để đáp ứng nhu đòi hỏi ngày càng cao của "ngành công nghiệp không khói" này.

Bản nghèo làm du lịch

Chao Hạ là một trong những thôn còn nhiều khó khăn của xã Nghĩa Lợi. Cả thôn có 86 hộ thì số hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 35%. Đất ruộng chỉ có 12 ha cho cả thôn, kinh tế chậm phát triển nên hướng đi của đoàn viên Lò Văn Bình đã và đang được lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng cũng là một trong những bước tiến quan trọng của thị xã miền Tây trên bước đường xây dựng thị xã văn hoá - du lịch và phát triển ngành công nghiệp không khói trong những năm đầu nhiệm kỳ mới. Anh Đồng Văn Kem - Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Nghĩa Lợi cho rằng, thành công trong mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng của Lò Văn Bình là người dám nghĩ, dám làm đầu tiên, tạo phong cách phục vụ vừa dân dã vừa chuyên nghiệp, mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ gia đình đoàn viên thanh niên và nhân dân trong thôn vươn lên thoát nghèo...

Ngay sau mô hình của Lò Văn Bình, thôn Chao Hạ đã có thêm 6 hộ khác cùng mở du lịch dịch vụ cộng đồng là hộ bà Lường Thị Hồng Chung; Lò Thị Nga; ông Đồng Văn Trình, Hoàng Văn Tính... Qua theo dõi, nguồn thu nhập từ các hộ này luôn cao hơn, có đời sống khấm khá hơn hẳn các hộ chỉ làm nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng có chủ trương khuyến khích người dân mở mới hoặc liên kết cùng nhau để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Ông Chu Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: “Mô hình du lịch cộng đồng hiện đang là hướng phát triển mũi nhọn trong quá trình xây dựng thị xã văn hóa Nghĩa Lộ. Có bảo tồn, có phát huy những giá trị truyền thống đan xen với những hướng làm kinh tế mới được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Lò Văn Bình là một trong những cá nhân tích cực tham gia chương trình này. Đặc biệt, Bình còn tham gia hỗ trợ tư vấn về cách làm, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cho những hộ dân mới bỡ ngỡ bước vào làm du lịch cộng đồng. Đây thực sự là điển hình tiên tiến của thị xã miền Tây”.

Hướng đi mới với tinh thần cầu tiến và quyết tâm thay đổi tư duy làm kinh tế của Lò Văn Bình thực sự rất đáng ngợi khen. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, mô hình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với dịch vụ của Lò Văn Bình sẽ ngày càng được mở rộng, phát triển mạnh trong đông đảo cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân địa phương.

Thiên Cầm

Các tin khác
Anh Đặng Văn Nanh (người đứng) trực tiếp chỉ đạo công an viên xử lý vụ việc.

YBĐT - "Chúng tôi không sợ anh ấy mà nể anh ấy”, anh Trần Văn Nam - thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình nói về anh Đặng Văn Nanh - người Trưởng Công an xã của mình như vậy.

Giữa đại ngàn heo hút, bản Háng Tày không có em học sinh nào bỏ học giữa chừng.

YBĐT - Tôi đã có một ngày trải nghiệm thực sự ấn tượng ở Kể Cả và Háng Tày – nơi có hai điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Chế Tạo là hai điểm trường xa nhất của xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).

Trụ sở khang trang của UBND xã Chế Tạo mới hoàn thành tháng 5/2015.

YBĐT - Những ngày trung tuần tháng 3. Khi sơn tra đang tỏa bung sắc trắng ngần trên khắp các sườn núi, chúng tôi có dịp lên với Chế Tạo - xã xa nhất của huyện vùng cao xa nhất tỉnh - Mù Cang Chải.

Đồng chí Sùng A Dê – Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ (thứ ba bên trái) trao đổi công tác sản xuất vụ xuân cùng các cán bộ xã.

YBĐT - Trong suy nghĩ của anh Dê, dù ở cương vị nào thì mình cũng vẫn là "công bộc" của dân. Bởi thế, những dự định, trăn trở của anh về một hướng đi mới cho đời sống kinh tế, xã hội sẽ mãi mãi là điều một đảng viên như anh đau đáu theo đuổi mục tiêu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục