Cuộc “cách mạng” trên đồng đất Khao Mang
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2016 | 3:33:30 PM
YBĐT- Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm, những dải rừng già nhuộm màu vàng úa vì hanh khô, thế nhưng từ đồi Thung Là cho đến cánh đồng Trống Cáng Là, Páo Sa Lá… thuộc xã Khao Mang, lúa xuân vẫn xanh tốt. Đó chính là màu xanh của kỳ tích, màu của ấm no khi những đồng đất khô hạn, trơ rạ ngày nào đã trổ bông, mang về hàng nghìn tấn thóc cho nông dân nơi đây.
Những cánh đồng ở xã Khao Mang vào vụ mới.
|
Vượt lên tập quán
Nhiều năm trở về trước, cứ mỗi khi thu xong lúa mùa, người Mông ở Khao Mang và nhiều nơi lại gác cái cày, cái bừa bên hiên nhà, để mặc những thửa ruộng trơ rạ, khô cằn. Ngày đó, những đồng đất từ thấp đến cao đều vắng bóng người, hàng trăm héc-ta ruộng bị bỏ hoang do dân chỉ làm một vụ lúa mỗi năm.
Đến đâu, người ta cũng bảo, bao đời nay, cha ông chỉ cấy 1 vụ nên mình cũng làm thế thôi. Hơn nữa, ở đây trên cao, thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu nước rồi rét đậm, rét hại, làm sao mà cây lúa xuân sống được. Chính suy nghĩ và cách làm mang nặng tính tập quán nên cuộc sống của người Mông nơi đây vẫn quẩn quanh với cái đói, cái nghèo.
Thế nên, ngay khi có chủ trương của huyện, Đảng ủy xã đã tích cực triển khai các giải pháp mở rộng diện tích lúa xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo. Nhiều cuộc họp được tổ chức rộng rãi từ huyện xuống xã, từ xã xuống bản với sự tham gia đông đảo của lãnh đạo xã và nhân dân. Tuy nhiên, để thay đổi tập quán canh tác, nếp nghĩ đã bao đời của nhân dân là việc không hề đơn giản.
Ông Giàng A Di ở bản Khao Mang, khi ấy đang giữ cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã Khao Mang kể lại: “Ban đầu, không ai dám làm đâu, kể cả cán bộ chứ đừng nói là dân. Họ bảo mùa đông lạnh đến trâu còn chết nữa là cây mạ, rồi khô hạn, đất nứt như thể há mồm, lấy đâu nước tưới. Làm một vụ quen rồi, thiếu cái ăn thì trồng thêm cây khác chứ tội gì mà làm vụ xuân”.
Rõ ràng, cách nghĩ, cách làm lạc hậu, dựa trên kinh nghiệm đã ăn sâu trong từng người dân. Làm thế nào để người nông dân vượt lên tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ, chính quyền xã Khao Mang. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, Khao Mang đã mạnh dạn làm cuộc “cách mạng” trên từng thửa ruộng ở từng bản, từng hộ dân.
Những ngày đó, các cán bộ, đảng viên theo nhiệm vụ được phân công hết đến nhà dân rồi lại ra đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân cấy lúa xuân. Quyết liệt hơn, xã yêu cầu tại những thửa ruộng có nước, dân phải xuống giống, gieo cấy lúa xuân. Việc ngâm, ủ giống tiến hành tập trung dưới hình thức cầm tay chỉ việc khi cán bộ nông nghiệp cùng với cán bộ xã đến từng hộ triển khai.
Ông Giàng A Di cho biết: “Phải làm đủ kiểu thì dân mới chịu nghe đấy. Nhiều khi phải kéo họ ra đồng, xuống ruộng, thấy họ cầm mạ cấy rồi thì chúng tôi mới về. Thậm chí còn đưa ra thông báo, nếu hộ nào không cấy lúa xuân thì không cứu đói giáp hạt”.
Đúng là phải làm đủ kiểu, phải cầm tay chỉ việc thì dân mới chịu làm nhưng để bà con tin tưởng, làm theo thì còn phải kể đến những “đầu tàu” gương mẫu, đó là cán bộ xã, là bí thư chi bộ, là trưởng bản.
“Mình là đảng viên, là người đứng đầu ở bản phải làm trước thì nói dân mới nghe mình chứ. Nhiều năm nay, gia đình tôi đều cấy hết diện tích, rồi bón phân, phòng trừ sâu, bệnh cho lúa xuân nên mỗi vụ đều có gần 70 bao thóc. Cứ có sâu, bệnh gì là dân lại đến hỏi” - ông Vàng A Su - Bí thư Chi bộ bản Khao Mang phấn khởi cho hay.
Gam màu sáng
Với việc tuân thủ nghiêm ngặt việc gieo cấy theo đúng lịch thời vụ, ngay trong vụ đông xuân đầu tiên, nhiều gia đình ở bản Khao Mang, Séo Mả Pán đã thắng lớn, thu về những bao thóc chắc nịch.
Ông Giàng A Sở, bản Khao Mang, một trong những nông dân đầu tiên ở bản nghe theo lời kêu gọi trồng lúa xuân chỉ tay về phía những thửa ruộng ngay bên đường, giọng quả quyết: “Đã lâu rồi nên cũng không nhớ lúc ấy trồng bao nhiêu nữa, chỉ biết rằng, lần đầu tiên, gia đình tôi thu về hơn 20 bao thóc. So với vụ mùa thì lúa vụ xuân cho nhiều thóc hơn. Đúng là nghe Nhà nước, nghe chính quyền mới no ấm được”.
Còn đối với ông Hoàng Văn Nguyên - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, một người gắn bó nhiều năm với nền nông nghiệp Mù Cang Chải thì thành công tại những thửa ruộng đầu tiên chính là cơ sở để huyện Mù Cang Chải nói chung và xã Khao Mang nói riêng làm nên thành công của cuộc “cách mạng” trên đồng ruộng.
Ông kể: “Qua đợt rét đậm rồi đến thời điểm khô, hạn mà cây lúa vẫn cứ mơn mởn xanh tươi nên ai cũng tin tưởng, phấn khởi. Ngày thu hoạch đến, hôm gặt lúa, ở nhiều ruộng, người dân ra xem như đi hội. Họ bảo, đi xem cái lúa đông xuân nó như thế nào. Người ta cầm bông lúa, cắn hạt lúa, chỉ trỏ, bàn tán, bình luận xôn xao”.
Tiếng lành đồn xa, hiệu quả và năng suất vượt trội của những thửa ruộng lúa xuân đã có tác dụng tuyên truyền sâu, rộng, làm thay đổi hẳn suy nghĩ của nhân dân. Từ đó, lúa xuân dần trở thành vụ sản xuất chính và là tiền đề để nhiều gia đình xua đi cái đói, cái nghèo.
Theo ông Giàng A Dình - Phó chủ tịch UBND xã, Khao Mang bắt đầu làm lúa xuân từ năm 1999 - 2000 và theo thời gian, diện tích vụ đông xuân tăng dần. Có những năm, rét đậm, rét hại làm lúa chết, mạ chết khiến nhân dân vất vả và dao động tư tưởng. Những lúc như vậy, cán bộ xã lại phải làm công tác dân vận, hỗ trợ nhân dân khắc phục và yên tâm sản xuất.
Nhờ đó, ý thức, trình độ sản xuất lúa xuân của nông dân Khao Mang có nhiều chuyển biến. Họ không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào gieo cấy những giống lúa có năng suất, chất lượng cao mà còn bám sát lịch thời vụ, chủ động bảo vệ cây lúa mỗi khi có thiên tai xảy ra.
Bên thửa ruộng vừa mới cấy xong, anh Thào A Rùa, bản Nả Dề Thàng vui vẻ cho biết: “Chỗ này cấy trước tết nhưng bị chết vì rét nên giờ phải cấy lại đấy. Vụ này, thời tiết khắc nghiệt nhưng lại cho nhiều thóc lúa hơn nên giờ trong bản, ai cũng hăng hái làm”.
Theo thống kê của UBND xã Khao Mang, đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2016 đã khiến 85 ha lúa trên địa bàn xã bị chết. Tuy nhiên, ngay sau đó, xã đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp triển khai các giải pháp bảo vệ cây lúa, đồng thời cung ứng giống và hướng dẫn nhân dân ngâm ủ, gieo mạ theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Giàng A Dình cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 185 ha; trong đó, kế hoạch huyện giao 180 ha, còn 5 ha xã giao thêm cho 1 số bản. Trong cơ cấu giống, xã chỉ đạo nhân dân gieo cấy các giống năng suất, chất lượng cao như: Séng Cù, Việt lai 20, C ưu đa hệ số 1, Nhị ưu 838. Thời gian tới, xã tăng cường cử cán bộ phụ trách bám sát địa bàn; tăng cường tuyên truyền nhân dân tích cực làm cỏ, sục bùn, phòng trừ sâu, bệnh; phấn đấu năng suất đạt trên 53 tạ/ha, sản lượng trên 1.000 tấn”.
Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như với những cách làm linh động, sáng tạo, cụ thể, xã Khao Mang đã làm nên thành công của cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp: từ 1 vụ sang sản xuất 2 vụ. Nhờ đó, đời sống của đồng bào Mông nơi đây ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch Yên Bái, rộng hơn nữa là du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu ấy, không thể không kể đến phần đóng góp của đoàn viên Lò Văn Bình.
YBĐT - "Chúng tôi không sợ anh ấy mà nể anh ấy”, anh Trần Văn Nam - thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình nói về anh Đặng Văn Nanh - người Trưởng Công an xã của mình như vậy.
YBĐT - Tôi đã có một ngày trải nghiệm thực sự ấn tượng ở Kể Cả và Háng Tày – nơi có hai điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Chế Tạo là hai điểm trường xa nhất của xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).
YBĐT - Những ngày trung tuần tháng 3. Khi sơn tra đang tỏa bung sắc trắng ngần trên khắp các sườn núi, chúng tôi có dịp lên với Chế Tạo - xã xa nhất của huyện vùng cao xa nhất tỉnh - Mù Cang Chải.