Chắp cánh ước mơ cho em đến trường
- Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:26:06 AM
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” đã thực sự đi vào lòng người, đã làm tròn vai trò “cầu nối” của lòng nhân ái, lòng bao dung đến với nhiều người trong xã hội.
Giờ thực hành trên máy tính của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Sau 5 năm triển khai và kết quả đạt được như hôm nay với nhiều đồ dùng sinh hoạt tổng trị giá gần 4 tỷ đồng, quyên góp trên 300 triệu đồng/năm từ phong trào mổ heo đất... là tình cảm và trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, cán bộ đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh” - đó là những chia sẻ của đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái về cuộc vận động (CVĐ) “Cùng em tôi đến trường”.
Tôi theo chân đồng chí Bí thư Huyện đoàn Văn Yên - Đinh Tiến Hùng tới thăm Trường Mầm non xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên. Qua cuộc trò chuyện, được biết, 3 năm trước đây, cùng với khối học sinh tiểu học, hơn 40 em học sinh của hai lớp học mầm non tại đây phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn chật hẹp, thiếu thốn trang thiết bị học tập. Đến tháng 9/2013, thông qua CVĐ “Cùng em tôi đến trường” từ các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong huyện ủng hộ, xã Xuân Tầm đã xây dựng được 2 phòng học cấp 4 với diện tích hơn 80 m2, tổng kinh phí xây dựng 130 triệu đồng.
“Ban đầu cũng khó khăn trong việc đi vận động quyên góp ủng hộ bởi người dân còn chưa hiểu hết ý nghĩa CVĐ. Có những nơi phải đi lại vận động nhiều lần mới có kết quả, thú thực lúc đó mình cũng hơi “chai” mặt, chỉ nghĩ đến việc các em có điều kiện học tập tốt hơn thì dù có khó khăn, vất vả bọn mình cũng đều cố gắng hết mình. Từ khi triển khai CVĐ “Cùng em tôi đến trường”, không chỉ có một, hai nhà bán trú mà đã có rất nhiều công trình nhà bán trú, lớp học, đồ dùng sinh hoạt, tiền mặt... được quyên góp ủng hộ, các em đến trường đầy đủ, không còn tình trạng bỏ học nữa” - giọng nói mộc mạc, giản dị cùng nụ cười tươi của đồng chí Bí thư Huyện đoàn khiến tôi cũng thấy vui lây.
Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cùng đại diện Báo Tuổi trẻ, Ủy ban Tương trợ người Việt tại Đức cắt băng khánh thành công trình lớp học được xây dựng từ nguồn quỹ “Cùng em tôi đến trường” tại điểm trường thôn Liên Sơn, Trường Tiểu học Lang Thíp 1, xã Lang Thíp (Văn Yên).
CVĐ “Cùng em tôi đến trường” được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ đoàn, ĐVTN và toàn xã hội. Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng đi vào thiết thực, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, CVĐ còn góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ của tỉnh, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học nhất là học sinh người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Mặc dù đã có rất nhiều các CVĐ nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao, trong đó có trẻ em vùng cao Yên Bái, nhưng CVĐ “Cùng em tôi đến trường” của Tỉnh đoàn Yên Bái được đánh giá là CVĐ dài hơi, là một hướng đi đúng đắn, được các cấp, các ngành ủng hộ.
Em Nguyễn Văn Tuấn - thôn 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên chia sẻ: “Khi còn là học sinh Trường THCS thị trấn Cổ Phúc, bản thân em khi gặp khó khăn đã được nhận sự giúp đỡ, ủng hộ từ CVĐ “Cùng em tôi đến trường”. Lúc đó em thấy rất vui và hạnh phúc, cảm thấy mình được chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống và thấy có động lực hơn rất nhiều để cố gắng hơn nữa trong học tập”.
Điển hình trong CVĐ là các hoạt động với chủ đề “Tuổi trẻ Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” và “Chiến dịch tình nguyện mùa đông”, qua đó tăng cường và củng cố xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Từ khi CVĐ đi vào hoạt động, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, lực lượng ĐVTN tình nguyện tham gia sửa chữa, gia cố và làm mới các nhà bán trú dân nuôi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức vận động, quyên góp đồ dùng sinh hoạt và học tập như: quần áo ấm, chăn ấm, khăn, tất, giầy, dép trẻ em; cặp sách, sách, vở, truyện, phương tiện đi lại cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em vùng cao của tỉnh; tổ chức các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật tình nguyện” và các công trình phần việc “Vì đàn em thân yêu”, gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai phong trào nuôi heo đất góp quỹ cho mỗi cơ sở Đoàn, mỗi chi đội (trừ các cơ sở đoàn và liên đội vùng đặc biệt khó khăn) tiến hành nuôi 1 con heo đất.
Ngày hội mổ heo đất tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
Em Đỗ Đức Mạnh - học sinh lớp 9B, Trường THCS Võ Thị Sáu chia sẻ: “Việc nuôi heo đã trở thành thói quen của em và các bạn ở trong lớp. Ngoài giờ học, chúng em còn tổ chức đi thu gom sách báo cũ, bán phế liệu để cùng nhau nuôi heo. Em và các bạn vui lắm vì mỗi một lứa heo nuôi được sẽ giúp cho các bạn nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn hơn chúng em được tới lớp, tới trường”.
Là một trong những đơn vị thực hiện tốt CVĐ “Cùng em tôi đến trường”, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội thành phố Yên Bái đã chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ. Nhiều cách làm sáng tạo với mọi hình thức triển khai phong phú, đa dạng. Đặc biệt là Phong trào “Nuôi heo đất” được các tổ chức Đoàn - Đội thành phố thực hiện rất tốt. Cụ thể, sau 5 năm triển khai CVĐ đã có trên 1.000 con heo đất được nuôi, thu nộp về quỹ được trên 277 triệu đồng. Cùng với đó, triển khai đồng bộ thông qua Tháng Thanh niên, Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, chiến dịch “Tình nguyện mùa Đông - Xuân”...
Các hoạt động quyên góp, ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật cũng được kêu gọi qua nhiều đợt và bằng nhiều hình thức khác nhau với tổng số tiền quyên góp được trong 5 năm qua là trên 1,5 tỷ đồng và hàng nghìn suất học bổng, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt tặng trẻ em vùng cao, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Chị Đỗ Thị Lan Phương - Bí thư Thành đoàn cho biết: “CVĐ đã tạo sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của cán bộ, ĐVTN, đội viên và thiếu niên nhi đồng. Qua đó, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, để tất cả các em đều được đến trường”.
Có thể nói, CVĐ “Cùng em tôi đến trường” đã thực sự đi vào lòng người. Nó đã làm tròn vai trò “cầu nối” của lòng nhân ái, lòng bao dung đến với nhiều người trong xã hội. Song hơn hết, CVĐ còn thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách” đầy tính nhân văn. Hy vọng rằng những năm tiếp theo, CVĐ sẽ cải tiến hình thức, mở rộng phạm vi đối tượng để những việc làm đầy ý nghĩa đó tiếp tục nhân lên và những nơi cuộc vận động đi qua sẽ để lại trên những khuôn mặt là nụ cười rạng rỡ.
Sau 5 năm triển khai, CVĐ đã thu được kết quả tích cực: trên 30.000 bộ quần áo ấm, hơn 12.000 đồ dùng phục vụ sinh hoạt, trên 4 tấn gạo, 3.000 kiện mì tôm, 32 bộ máy vi tính, hơn 50 nghìn cuốn vở viết, tặng trên 11.000 suất học bổng và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng; gần 2.500 con heo đất được nuôi mỗi năm với số tiền trên 300 triệu đồng/năm, gần 60 công trình nhà bán trú, lớp học được xây dựng cho các em thiếu nhi nghèo tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. |
Thu Trang
Các tin khác
YBĐT - Bệnh phong đã được Nhà nước chữa trị và thanh toán xong, người dân Làng Ro giờ không còn biệt lập như trước nữa. Giờ đây, cả làng đã có 64 hộ dân, sống quây quần đùm bọc thương yêu nhau.
YBĐT - Giờ ra ngoài đồng cấm thấy cái vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nào vứt lung tung, mọi người đều bỏ vào một cái bể chung được xây ngay tại cánh đồng, sau đó đốt.
YBĐT - Mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng cho mô hình nuôi thỏ thương phẩm hiện đại, nhiều người cho rằng ông Hiên đã quá mạo hiểm, bởi với số tiền đó, ông có thể yên tâm an nhàn ở cái tuổi 65 bằng cách gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Nhưng tôi hiểu ông Hiên có cơ sở để làm ăn lớn mà không hề “liều” - đó là một sự nắm bắt cơ hội mới.
YBĐT - Từ một khu đầm lầy chỉ cấy lúa một vụ chưa chắc ăn, nay đã mọc lên một nhà máy may mặc quy mô lớn, hiện đại, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Không chỉ mang lại những lợi ích trong nhà máy như giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động... Sức hấp dẫn của nhà máy còn lan tỏa, kéo thêm đời sống kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn phát triển.