Nhịp sống mới bên dòng Hút (Văn Yên)
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 2:21:50 PM
YBĐT - Thôn 3, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao sinh sống với 121 hộ và 564 khẩu. Đây là thôn trồng quế, chăn nuôi giỏi nhất xã. Thành công đó từ chính những đôi bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của người dân nơi đây.
Trồng quế đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phong Dụ Hạ.
|
Cây “nhả vàng”
Tuy diện tích quế không lớn bằng xã Viễn Sơn song biết tận dụng tự nhiên sẵn có, người dân thôn 3 nói riêng và xã Phong Dụ Hạ nói chung đã biến thế mạnh của địa phương để trồng, phát triển quế. Nhờ quế mà nhà nhà có thu nhập, quê hương đổi mới. Vì vậy, Phong Dụ Hạ được huyện quy hoạch thành 1 trong 8 vùng trọng điểm phát triển cây quế.
Chỉ tay về phía đồi quế trên 10 năm tuổi, ông Hoàng Văn Mạc – Bí thư Chi bộ thôn 3 cho biết: “Phong Dụ Hạ là một trong những vùng trọng điểm phát triển quế của huyện và thôn 3 chính là thôn chủ lực về cây quế ”. Vui vẻ, cởi mở, ông Lường Văn Xe - người dân trong thôn tâm sự: “Tôi sinh ra trên đất quế nên từ bé đã coi quế là người bạn. Từ cây quế gia đình tôi thoát nghèo và có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay”.
Như để chứng minh câu nói của mình, ông đưa chúng tôi đi thăm đồi quế gia đình. Quả thật ngưỡng mộ! Tôi thầm xuýt xoa. Bạt ngàn quế. Quế to, quế nhỏ. Quế 20 năm tuổi. Quế 10 năm tuổi. Quế 5 năm tuổi. Những cây quế thẳng tắp, vỏ dày, không sâu bệnh, tán cân đối như những “chiếc ô xanh” tròn trĩnh. Tôi quay sang hỏi:
- Để có được những cây quế không sâu, bệnh, giá trị kinh tế cao như thế này, gia đình mình chọn mua giống ở đâu ạ?
- Ồ, không phải mua giống đâu. Trước tiên, tôi phải thu hái quả chín ở cây mẹ từ 15 - 20 tuổi, không sâu bệnh, tán cân đối. Sau đó, ủ hạt 1 ngày, lúc lấy ra xát vỏ đãi trong nước, loại bỏ hết vỏ ngoài và tạp chất, rồi hong hạt trong bóng râm cho ráo nước; đem trộn đều với cát ẩm.
Bước đầu trồng quế phải vun cao từ 15 - 20 cm, chiều rộng và chiều dài của luống hạt tùy theo lượng hạt cần bảo quản để bố trí cho phù hợp, phủ cát kín hạt, giữa các luống để lại khoảng cách 40 - 50 cm để đi lại đảo hạt dễ dàng. Vườn ươm phải làm ở nơi đất tốt, thoát nước, không bị úng ngập, gần nguồn nước sạch và đường giao thông để thuận lợi cho việc bốc xếp, vận chuyển cây giống... Đó mới chỉ là công đoạn làm hạt, ươm giống thôi, chứ tới lúc trồng và chăm sóc đến khi quế cho thu hoạch là cả một quá trình đấy nhà báo ạ - ông cười khà khà.
- Những kỹ thuật trồng quế này các bác tự học?
- Đâu dễ thế, một phần kinh nghiệm do cha ông truyền lại nhưng về cơ bản cán bộ khuyến nông mang kiến thức khoa học kỹ thuật xuống tận thôn, tận hộ để giúp bà con trồng quế đấy. Chẳng riêng gì tôi, ở thôn 3 những người trồng từ 3 đến 4 ha quế có nhiều lắm - ông khiêm tốn nói.
Hiện nay, gia đình ông Xe có trên 4 ha quế, hàng năm cho khai thác và thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Đâu chỉ riêng gia đình ông, nhiều gia đình khác cũng có diện tích quế lớn, như: ông Hà Văn Xuân 4 ha, ông Hoàng Ngọc Sáng 4 ha, ông Vi Văn Sơn 3 ha, ông Hoàng Văn Hường 3 ha... Như sực nhớ ra điều gì, ông Trưởng thôn Hoàng Văn Xuân phấn chấn nói: “Nhà báo ơi, nếu nói quế là cây làm giàu của thôn là đúng nhưng chưa đủ, chăn nuôi cũng là một thế mạnh không hề nhỏ đâu nhé!”.
Chăn nuôi - thế mạnh mới
Trước đây, khi nói đến chăn nuôi theo hướng hàng hóa, người ta thường nghĩ đến các xã vùng thấp hay các hộ kinh doanh ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, ở đó, người chăn nuôi được tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật nên gia súc, gia cầm luôn sinh trưởng và cho hiệu quả kinh tế cao. Hôm nay, đến thôn 3 gặp và chứng kiến những cách làm ở đây đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Nhìn hệ thống chuồng trại quy hoạch liên hoàn, sạch sẽ, phương pháp chăm sóc đàn lợn của gia đình ông Hoàng Văn Hường tôi hoàn toàn bị thuyết phục.
“Trước kia, mình không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh gì làm nấy, nuôi gì thì nuôi, do đó không thành công, nhiều lần “khóc dở, mếu dở” vì chăn nuôi thua lỗ, dịch bệnh thường xuyên. Sau này, mình rút kinh nghiệm, phải học tập, nghiên cứu cả đấy nhà báo à! Bản thân gia đình phải biết phối hợp với chính quyền, cán bộ thú y, kỹ sư chăn nuôi thì mới thành công” - ông Hường mở lời. Câu chuyện của ông Hường cũng giống như bao người dân ở thôn 3, muốn cuộc sống khấm khá, muốn thoát nghèo, muốn phát triển chăn nuôi nhưng lại không có kiến thức cơ bản nên thất bại là chuyện khó tránh khỏi.
Còn ông Vi Văn Sơn chia sẻ: “Sau vài lần thất bại trong chăn nuôi, tôi cũng như một số hộ đều cảm thấy ngán ngẩm. Xem trên ti vi thấy người ta nuôi lợn béo tốt, còn của mình thì còi cọc không đành lòng, tôi cùng mấy hộ trong thôn thảo luận, chia sẻ để tìm ra giải pháp chăn nuôi hiệu quả nhất”.
Từ đó, ông Sơn cùng các hộ chăn nuôi khác trong thôn đã chủ động liên hệ với các cửa hàng, tư thương lấy mối giao hàng. Tùy theo số lượng cửa hàng, tư thương đặt mua rồi tính toán số lượng nuôi cho “cung đủ cầu”. Ban đầu, mỗi hộ xây một đến hai chuồng và nuôi từ 1 đến 2 lợn nái và lợn giống. “Khi nuôi, chúng tôi chỉ có 4 đến 5 hộ và tính sao các gia đình chăn nuôi khi xuất bán không bị thua lỗ. Ai cũng đồng tình hưởng ứng và cùng hỗ trợ nhau” - ông Hường chia sẻ.
Đến nay, cả thôn đã có trên 10 hộ chăn nuôi lợn với hệ thống chuồng trại đã được mở rộng thêm quy mô từ 3 đến 4 con lợn nái và trên 100 lợn thịt. Riêng hộ ông Vi Văn Sơn với 12 con lợn nái và hàng trăm lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng, trừ mọi chi phí cũng thu về từ 400 đến 500 triệu đồng.
“Để đàn lợn sinh trưởng tốt, lượng thức ăn cần những gì, nước uống ra sao, nhiệt độ như thế nào; bề rộng của chuồng trại, kích thước, hệ thống làm sạch, hệ thống tưới, tắm... quy trình chăn nuôi đều phải bài bản. Nếu không hiểu những điều này thì đừng có chăn nuôi vì mức độ rủi ro khá cao” - ông Sơn khẳng định.
Trong câu chuyện chăn nuôi ở thôn 3, tôi còn được biết đến gia đình ông Hoàng Ngọc Quyết đã chọn mô hình nuôi bò sinh sản rất thành công khi ông tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi: trồng cỏ voi, chế biến thức ăn tinh, che chắn sưởi ấm cho đàn bò khi Đông về... Đến nay, ông Quyết đã có 6 con bò, cùng với 4 ha quế, hàng năm, cho thu nhập trên 300 triệu đồng...
Rời Phong Dụ Hạ khi trăng non đang lấp ló trên những rừng quế, màn sương mỏng buông nhẹ xuống núi rừng. Lòng chưa muốn rời đi, tôi thấy miền quê này thật đẹp! Kia, con đường bê tông uốn lượn theo triền núi đến từng thôn, bản. Xa xa, những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng giữa màu xanh của quế. Tôi tràn đầy một niềm tin rằng, mảnh đất này sẽ ngày càng đổi thay dưới ánh sáng soi đường của Đảng và bàn tay, khối óc của những con người dám nghĩ, dám làm.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Bác sĩ Trần Quang Mạnh là người được bà con trong vùng và đồng nghiệp tin yêu mệnh danh là "Bác sĩ có bàn tay vàng". Anh sinh năm 1982, tại Nghĩa Lộ và tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên năm 2007, rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.
YBĐT - "Hà Thị Chiển làm trưởng thôn tốt lắm, giúp cho bà con thôn Nậm Đông 2 được nhiều việc. Nhà nó ở trên đỉnh đồi kia kìa" - ông Lò Văn Thút ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chỉ tay theo con đường bê tông dốc ngược lên đỉnh đồi.
YBĐT - 920 cây nhãn ghép chín muộn đưa lên đồi, ông Chủ tịch UBND xã An Bình muốn làm thay đổi vị thế của cây nhãn ở địa phương mình bằng chính nỗ lực của bản thân ông. Ông Tuynh thẳng thắn và tự tin: “Tôi xác định rõ ràng rồi, một là thắng lớn, hai là thua to. Nói vậy chứ tôi tin nhất định sẽ thắng lớn”.
YBĐT - Tháng 3/2016, niềm vui lớn đã đến với Vàng A Chư, bởi anh là 1 trong số 13 cá nhân điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 - 2015.