Có chí thì thành công

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/6/2016 | 9:38:33 AM

YBĐT - Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ Lê Chí Công đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, vừ rồi lại được cử tri bầu vào HĐND xã.

Anh Lê Chí Công (bên phải) trao đổi công việc với nhóm thợ mộc của gia đình.
Anh Lê Chí Công (bên phải) trao đổi công việc với nhóm thợ mộc của gia đình.

Biết tin anh Lê Chí Công trúng cử đại biểu HĐND xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với số phiếu rất cao, rất nhiều người đã gọi điện chúc mừng. Vẫn chất giọng thủng thẳng anh bảo: “Khi biết Ban công tác Mặt trận giới thiệu tôi tham gia ứng cử, tôi đã nói với mọi người rằng, mỗi lá phiếu là một sự động viên lớn để tôi tiếp tục hăng hái làm việc tập thể, để cùng bà con đưa thôn Tiền Phong này đi lên”. Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ anh đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, được cử tri bầu vào HĐND xã.

Thôn Tiền Phong đúng là vùng quê văn hiến, nơi có ngôi chùa cổ Linh Thông, di tích lịch sử, văn hóa; nhiều người trong làng học giỏi, đỗ đạt cao. Thừa hưởng những giá trị truyền thống ấy, anh Lê Chí Công, sinh năm 1959 cũng là một chàng trai thông minh, học giỏi. Thời buổi khó khăn mà vượt hàng chục cây số lên thị xã học cho hết cấp III, rồi vào Trường Trung cấp Xây dựng học chuyên nghiệp.

Ra trường, chưa kịp bước vào nghề thì Lê Chí Công nhận lệnh nhập ngũ. Anh vào bộ đội biên phòng, đóng quân trên địa bàn hẻo lánh Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Cuối năm 1987, anh ra quân nhưng trong cơ thể đã mang “chất độc” ma túy, hậu quả của những ngày cắm bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số mà không giữ được mình.

Anh Công bảo: “Nghiện nhưng máu làm ăn lắm, ra quân vẫn hăng hái lao động, năm 1988 làm đội trưởng sản xuất, năm 1993 thành lập hẳn một hợp tác xã (HTX) xây dựng, có trình độ, có đầu óc tổ chức nên HTX nhận được nhiều công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng ở nhiều nơi”.

Rồi giọng anh trầm hẳn khi nhớ về những tháng ngày đã qua: “Nhưng nghiện vẫn là thằng nghiện thôi! Công việc bỏ bê, làm ăn thất bát, HTX tự giải thể. Năm 1997 mà tôi nợ đến 300 triệu đồng là rất lớn. Nếu không vì cha mẹ già, vợ con nheo nhóc và người chị tật nguyền thì tôi đã bỏ trốn ngay từ thời ấy rồi, nhưng cũng chính vì hoàn cảnh khó khăn, nhất là được sự động viên giúp đỡ của mọi người đã giúp Công này biết đứng lên.

Nghĩ về cha mẹ già nhắm mắt khi con trai còn cả đống nợ, nghĩ đến vợ tần tảo, nhịn nhục vì chồng và hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Làng này đều biết chuyện khi tôi cai ma túy, chịu nhiều đau đớn đã có anh cán bộ xã, chẳng phải anh em họ hàng gì nhưng đã đưa tôi về nhà, đấm bóp cho tôi, bón cho tôi từng thìa cháo.

Đầu năm 1999, tôi đã cai thành công và rút ra kết luận, muốn từ bỏ được ma túy thì phải biết nhục và biết nghĩ đến những người xung quanh mình. Còn sỹ hão, còn ích kỷ, chỉ biết đến thân mình thì không bỏ nổi đâu. Lao động sẽ giúp cải tạo con người, hiền triết đã dạy rồi, tôi cũng lấy lao động để quên đi ma túy, để gây dựng lại cuộc sống gia đình, trồng cấy, chăn nuôi, nhận khoán xây dựng, đào ao, đánh đất, kéo điện... chẳng có việc gì mà không làm.

Đến năm 2000, tôi nhận lại Ban quản lý điện xã, một công việc nhiều khó khăn, vất vả vì khi ấy tổn thất điện năng ở Minh Quân lên tới 57% thì Ban quản lý điện xã làm gì còn có lãi mà sống. Nhưng đây cũng là “sự kiện” ghi dấu rằng, chính quyền, người dân và ngành điện đã thực sự tin tưởng tôi, tin dùng một người có quá khứ mắc nghiện ngập. Đó là nguồn động viên lớn để tôi cố gắng lao động, sản xuất, khắc phục tình trạng hao tổn điện năng, quản lý chặt chẽ, an toàn và hiệu quả; tổ chức đội thợ nề, thành lập tổ thợ mộc làm dịch vụ đóng đồ gỗ dân dụng”.

Trời không nỡ ngoảnh mặt với người cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo và biết vươn lên như anh Lê Chí Công. Kinh tế gia đình anh cũng từ ấy mà khấm khá lên, uy tín trong làm ăn cũng lớn dần, anh trở thành nhà thầu nhân công nhận được nhiều công trình lớn, xưởng mộc của anh không lúc nào hết việc.

Trên lĩnh vực điện năng, khi lưới điện nông thôn chuyển về ngành điện, HTX điện giải thể nhưng Điện lực Trấn Yên vẫn chọn anh làm Trưởng đại lý điện xã. Một người năng động, tích cực như anh Lê Chí Công, xứng đáng để bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Tiền Phong từ ngày 1/9/2013.

Đảm trách nhiệm vụ mới, như người ta vẫn thường nói “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đúng là việc nhiều, dễ nảy sinh mâu thuẫn với làng xóm, thu nhập không đủ tiền điện thoại, tiền xăng xe... Với anh Công, bà con đã tin là mình nhận, đã nhận là làm và phải làm thật nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Rồi người Trưởng thôn Lê Chí Công đã biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con trong thôn, bàn bạc với Chi ủy, rồi Đảng ủy, chính quyền xã để đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, đưa Tiền Phong từng bước phát triển. Bắt đầu từ đường giao thông nông thôn, anh Công đã biết vận động bà con sẵn lòng giải phóng hàng nghìn mét vuông đất, quyên góp hàng trăm triệu đồng để đổ bê tông 1 km đường, làm nền đường hoàn chỉnh hơn 2 km về khu núi Muỗi, đợi nguồn đầu tư của Nhà nước theo cơ chế (60 - 40) là tiếp tục bê tông hóa.

Trưởng thôn Công bảo: “Chuyện giải phóng mặt bằng nhiều nơi gặp khó khăn lắm! Thời buổi tấc đất, tấc vàng nhưng với Tiền Phong thì rất thuận lợi vì cán bộ và những người có uy tín trong cộng đồng phải gương mẫu làm trước, phải biết cách vận động nhân dân, khi dân đã thấu hiểu thì sẵn sàng mở tấm lòng, khi lòng dân đã rộng mở thì đường làng mới được thênh thang; khi cán bộ, người có uy tín ngay thẳng thì đường làng mới thẳng ngay được”.

Nhà văn hóa thôn Tiền Phong - nơi tổ chức nhiều sự kiện và sinh hoạt cộng đồng của hơn 170 hộ dân trong thôn.

Dấu ấn đậm nét của Trưởng thôn Lê Chí Công là việc xây dựng Nhà văn hóa thôn Tiền Phong. Anh kể lại: “Được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) tài trợ 200 triệu đồng, số tiền ấy cũng đủ xây một ngôi nhà nhưng quy mô nhỏ thôi và chưa đẹp được. Tôi đã bàn với Chi bộ tổ chức họp dân thống nhất vận động quyên góp thêm nguồn lực đầu tư. Làm nghề xây dựng lâu năm, tôi đủ kiến thức và kinh nghiệm, cộng thêm yếu tố tổ chức tốt việc thi công nhiều tuyến đường dân góp vốn ở trong và ngoài xã nên bà con nhất trí rất cao, đóng góp thêm được 20 triệu đồng. Con cháu trong làng, trong xã đi làm ăn xa cũng gửi về góp thêm 50 triệu đồng nữa, như thế đã là ổn”.

Anh tổ chức đội thợ thi công trong một thời gian ngắn để khánh thành nhà văn hóa thôn khang trang, to đẹp (cấp bốn, hiên tây, đầy đủ công trình phụ trợ), nơi tổ chức chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và là nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn. Thấy được tiềm năng phát triển nghề chăn nuôi thủy sản của quê hương, Trưởng thôn Tiền Phong còn đứng ra thành lập tổ nuôi trồng thủy sản, xây dựng bờ be, hệ thống thoát nước để nuôi cá trên chân ruộng một vụ với diện tích gần 20 ha trong thôn. Từ vụ đầu thử nghiệm, cá lớn rất nhanh, ít phải đầu tư chăm sóc và không bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao đã mở ra cơ hội vươn lên cho những hộ tham gia.

Ngồi ăn bữa cơm mới với cá kho cùng Trưởng thôn Tiền Phong Lê Chí Công trong cơ ngơi khá đầy đủ tiện nghi, nghe anh tâm sự: “Gần sáu chục tuổi rồi, chuyện nghiện ngập, chuyện vỡ nợ cũng chẳng hay ho gì đâu nhưng mình vẫn nhắc lại để thấy được trong cuộc sống phải biết vươn lên khi vấp ngã. Đại biểu HĐND xã, rồi Trưởng thôn cũng chẳng phải vị trí hay chức tước gì, nhưng bà con đã tin mình thì mình phải giữ lấy niềm tin ấy”. Ngoài hiên, nắng đã lên rực rỡ sau mấy ngày mưa giông, hương lúa xuân thoảng bay theo gió.

Lê Phiên

Các tin khác
Nhiều trường phổ thông DTBT được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. (Trong ảnh: Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải).

YBĐT - Việc ban hành nghị quyết và phê duyệt Đề án về “Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015" (gọi tắt là Đề án) là hướng đi đúng, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.

Đề án được triển khai, đã nâng tỷ lệ  học sinh chuyên cần của huyện Văn Chấn lên trên 98%.

YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, diện mạo giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi căn bản.

Trồng quế đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phong Dụ Hạ.

YBĐT - Thôn 3, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao sinh sống với 121 hộ và 564 khẩu. Đây là thôn trồng quế, chăn nuôi giỏi nhất xã. Thành công đó từ chính những đôi bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của người dân nơi đây.

Bác sỹ Trần Quang Mạnh đang điều trị cho bệnh nhân.

YBĐT - Bác sĩ Trần Quang Mạnh là người được bà con trong vùng và đồng nghiệp tin yêu mệnh danh là "Bác sĩ có bàn tay vàng". Anh sinh năm 1982, tại Nghĩa Lộ và tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên năm 2007, rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục