Tính ưu việt từ một đề án

Kỳ I: Thực trạng và sự cần thiết

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2016 | 9:08:49 AM

YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, diện mạo giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi căn bản.

Đề án được triển khai, đã nâng tỷ lệ  học sinh chuyên cần của huyện Văn Chấn lên trên 98%.
Đề án được triển khai, đã nâng tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện Văn Chấn lên trên 98%.

Yên Bái là tỉnh chủ yếu địa hình núi cao, có độ dốc lớn; kinh tế, xã hội có bước phát triển nhưng do điểm xuất phát thấp, nên đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số, 72 xã, 233 thôn và 2 huyện đặc biệt khó khăn trong toàn quốc.

Cũng như nhiều ngôi trường vùng cao khác, từ năm học 2009 - 2010 trở về trước, Trường Phổ thông DTBT THCS Suối Giàng (Văn Chấn) gặp muôn vàn khó khăn trong công tác huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt thấp, chất lượng giáo dục của nhà trường không cao.

Thầy giáo Hà Việt Thành – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do địa hình phức tạp, có nhiều thôn, bản như: Suối Lóp, Giàng Cao, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2... cách  trường từ 10 – 20 km, học sinh không thể đi về trong ngày. Thương con, nhiều phụ huynh mang tre, nứa dựng tạm những lều lán quanh khu vực gần trường để con em mình có chỗ ăn nghỉ, ngày đến lớp học chữ. Còn gạo, rau, củi... hàng tuần bố mẹ và bản thân học sinh tự vận động”.

Ngoài giờ lên lớp, học sinh lên rừng lấy củi, kiếm rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đồng chí Phan Thanh Hải - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Chấn chia sẻ: “Không riêng gì Trường Phổ thông DTBT THCS Suối Giàng mà hầu hết các trường vùng cao trong toàn huyện gặp nhiều khó khăn. Đó là, cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng giáo dục của các nhà trường gặp nhiều hạn chế, số lượng học sinh khá, giỏi hàng năm đạt thấp, học sinh đi học thất thường dẫn đến tỷ lệ chuyên cần trong những năm đó chỉ đạt trên 75%”.

Chị Giàng Thị Lau ở thôn Tập Lăng 2, xã Suối Giàng tâm sự: “Khi chưa có mô hình trường học bán trú, nhiều trẻ trong thôn bỏ học bởi nhà ở cách trường  8 km đường rừng, đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ”.

Em Trang Thị Xay, lớp 6B, Trường Phổ thông DTBT THCS Suối Giàng cho biết: “Nhà em cách điểm trường chính 12 km, mất 4 giờ đi bộ mới đến được trường. Nếu không có mô hình bán trú và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì em cũng không thể tiếp tục đến trường được nữa”.

Từ chính sách ưu tiên, bữa ăn của học sinh các trường phổ thông DTBT được quan tâm chu đáo hơn.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án xây dựng “Trường phổ thông DTBT giai đoạn 2010 - 2015” trình HĐND tỉnh thông qua chính sách (Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND) và phê duyệt tại Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 28/04/2010 với mục tiêu chung là: huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và THCS ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tích cực huy động các nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo đủ nhà ở, nhà bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch... cho học sinh.

Tính ưu việt của Đề án là vậy, nhưng khi đi vào thực hiện, tỉnh Yên Bái gặp không ít khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình phụ còn thiếu, địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện; công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú; phòng chống tệ nạn, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu gặp nhiều khó khăn...

Địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, một bộ phận học sinh không thể trở về nhà trong ngày mà phải ở lại trường hoặc trọ trong nhà dân ... Đó là những thách thức đối với việc phát triển GD&ĐT ở vùng đồng bào dân tộc, vùng cao, vùng khó khăn. Mặc dù mô hình trường bán trú dân nuôi với hình thức học sinh ở trọ, ngày cuối tuần các em về nhà lấy lương thực, thực phẩm, chất đốt... để tự nấu ăn hoặc đóng góp với hộ gia đình mà các em ở trọ đã đáp ứng phần nào nhu cầu thực tiễn, song hoạt động vô cùng khó khăn, thiếu yếu tố bền vững, mang tính tự phát, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, mỗi gia đình.

Đồng chí Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu trăn trở: “Là huyện nằm trong diện các huyện đặc biệt khó khăn trong cả nước, khi chưa thực hiện mô hình trường bán trú, sự nghiệp GD&ĐT của huyện gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học mới được đầu tư ở khu trung tâm, còn các thôn, bản lẻ chưa được đầu tư nên hầu hết các lớp học mầm non phải học nhờ ở các trường tiểu học hay mượn nhà dân; công tác huy động và tỷ lệ học sinh học chuyên cần còn thấp… nên chất lượng giáo dục luôn ở mức trung bình”.

Một điều rõ nhất trước khi chưa xây dựng trường phổ thông DTBT, đối với các xã đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cao do đặc thù của bậc học THCS không thể đưa trường tới từng thôn, bản hẻo lánh, xa xôi.

Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 63/382 mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú, trong đó có 13 trường tiểu học, 22 trường tiểu học và THCS, 26 trường THCS và 2 trường THPT (THPT Trạm Tấu, THPT Mù Cang Chải) với số học sinh bán trú trong trường 4.996 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là phòng nội trú cho học sinh cơ bản là phòng bán kiên cố và phòng tạm. Các phòng ở của học sinh đều chật, hẹp, tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh và an toàn; thiếu các công trình như: nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch...”.

Để giải quyết những khó khăn và thực hiện có hiệu quả của Đề án “Xây dựng trường phổ thông DTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý như: Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông DTBT; Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông DTBT.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 28/04/2012 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng trường phổ thông DTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015” và các công văn, quyết định liên quan đến việc ban hành tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú hưởng chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái… Nhờ vậy, sau 5 năm thực hiện Đề án, đội ngũ giáo viên được đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm, số lượng học sinh bán trú tăng nhanh, chất lượng giáo dục vùng khó khăn chuyển biến khá rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các trường PTDTBT tăng đều ở các cấp học.

Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 -  2015” là tiền đề quan trọng cho tỉnh giải quyết những bất cập trong quy mô, mạng lưới trường lớp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, nhất là học sinh thuộc hộ nghèo, DTTS theo Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, các hướng dẫn của trung ương và của tỉnh để điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025.

Văn Tuấn
(Còn nữa)

Các tin khác
Trồng quế đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phong Dụ Hạ.

YBĐT - Thôn 3, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao sinh sống với 121 hộ và 564 khẩu. Đây là thôn trồng quế, chăn nuôi giỏi nhất xã. Thành công đó từ chính những đôi bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của người dân nơi đây.

Bác sỹ Trần Quang Mạnh đang điều trị cho bệnh nhân.

YBĐT - Bác sĩ Trần Quang Mạnh là người được bà con trong vùng và đồng nghiệp tin yêu mệnh danh là "Bác sĩ có bàn tay vàng". Anh sinh năm 1982, tại Nghĩa Lộ và tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên năm 2007, rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Chị Hà Thị Chiển (bên phải) luôn quan tâm lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật cho nhân dân, nhất là chị em phụ nữ.

YBĐT - "Hà Thị Chiển làm trưởng thôn tốt lắm, giúp cho bà con thôn Nậm Đông 2 được nhiều việc. Nhà nó ở trên đỉnh đồi kia kìa" - ông Lò Văn Thút ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chỉ tay theo con đường bê tông dốc ngược lên đỉnh đồi.

Lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính - kinh tế, cán bộ khuyến nông viên xã An Bình kiểm tra mắt ghép trên cây nhãn cải tạo.

YBĐT - 920 cây nhãn ghép chín muộn đưa lên đồi, ông Chủ tịch UBND xã An Bình muốn làm thay đổi vị thế của cây nhãn ở địa phương mình bằng chính nỗ lực của bản thân ông. Ông Tuynh thẳng thắn và tự tin: “Tôi xác định rõ ràng rồi, một là thắng lớn, hai là thua to. Nói vậy chứ tôi tin nhất định sẽ thắng lớn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục