“Thịnh cá” làm giàu trên hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/6/2016 | 6:52:58 AM

YBĐT - Sau những giờ học ở trường, về với gia đình lại xách giỏ theo cha đi đánh cá khắp đầm Minh Quân, Vân Hội (Trấn Yên), có khi xuống cả Đan Phượng, Ấm Hạ, Ấm Thượng (Phú Thọ). Đấy là chuyện mấy mươi năm về trước, còn bây giờ, anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã nổi danh với cái tên “Thịnh cá”.

Anh Thịnh (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm cá lăng nuôi tại hồ Thác Bà đang rất được thị trường ưa chuộng.
Anh Thịnh (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm cá lăng nuôi tại hồ Thác Bà đang rất được thị trường ưa chuộng.

Người dân vùng hồ Thác Bà đều biết đến và cảm phục anh - một người dám nghĩ, dám làm, không quản thất bại để thành công.

Chiếc thuyền máy lướt sóng nước Thác Bà, đưa chúng tôi ra thăm những lồng cá của anh Thịnh được nuôi tại một eo hồ cách nhà gần 2 cây số. Giờ đang đầu tháng Sáu mà nước hồ rất cạn. Anh Thịnh nói: “Mùa nước cạn từ tháng Ba đến tháng Bảy nên phải kéo lồng ra đảm bảo độ sâu từ 8 đến 10 m - là điều kiện để cá phát triển tốt nhất. Hiện nay, gia đình có chín lồng cá, trong đó bốn lồng nuôi cá lăng, hai lồng cá ngạnh, còn cá rô phi đơn tính, cá tầm và cá diêu hồng mỗi loại một lồng”.

Thấy những lồng cá nằm im lìm, tôi tò mò hỏi: “Cá ngủ hay anh bán hết rồi?”. Anh Thịnh cười rồi lấy một thanh tre gõ vào lồng. Nghe tiếng đập, từng đàn cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng nhao lên. Anh thả thức ăn xuống, mặt nước đang phẳng lặng bỗng ùm ùm tiếng cá quẫy, tung bọt trắng xóa. Những con rô phi đơn tính to bằng hai bàn tay xông vào nhau giành giật mồi. Chẳng mấy chốc, thức ăn vừa ném xuống hết sạch. Lũ rô phi lại tản ra lặn sâu tránh nắng, trả lại sự tĩnh lặng cho mặt nước hồ.

Ngay bên lồng cá, anh Thịnh tâm sự: “Nuôi cá, phải hiểu từng loại cá, từ việc cho ăn cũng phải theo giờ, cá mới lớn nhanh được. Cá rô phi đơn tính và diêu hồng 2 bữa/ngày một bữa lúc 6 giờ sáng và 17 giờ chiều. Cá lăng chỉ cho ăn khi trời tối lúc 19 giờ và 3 giờ sáng, cá ngạnh ăn lúc 19 giờ và 2 giờ sáng…

Rời lồng cá rô phi đơn tính và cá diêu hồng, chỉ tôi sang lồng cá lăng, anh Thịnh khoe: “Cá lăng bây giờ được xem là con cá chủ lực để làm giàu đấy, mua cá giống lúc chỉ bằng điếu thuốc lá, vậy mà nuôi 1 năm, cho trọng lượng gần 3 kg/con, thậm chí có con đạt đến 4 kg. Thịt ngon, loại cá này rất phù hợp nuôi trong nước hồ Thác Bà, vì môi trường nước còn sạch”.

Tôi hỏi giá thức ăn cho loại cá này, anh Thịnh trả lời ngay: “Trước đây thì đắt, có thời điểm lên đến 40 ngàn đồng/kg, nay giảm xuống còn hơn 20 ngàn đồng/kg. Bắt đầu nuôi từ bé, cho đến khi xuất bán,  trừ tất cả chi phí, có lãi gần 200 ngàn đồng/con.

 Là người con thứ tư trong gia đình có 8 anh, chị em ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, năm 1982, tròn 18 tuổi anh Thịnh lên đường nhập ngũ. Năm 1987, hết thời gian nghĩa vụ, anh trở về và xin vào làm công nhân tại Công ty Chè Văn Hưng. Thời điểm đó, Công ty có một số ao cá giống và cá thịt nuôi để phục vụ cho công nhân. Anh Thịnh được giao nhiệm vụ vừa bảo vệ vừa nuôi cá.

Những kinh nghiệm về chữa bệnh cho cá bằng thuốc nam được người cha truyền lại được anh áp dụng đã giúp cho nhiều ao cá của Công ty thời điểm đó được bảo toàn trước dịch bệnh. Điển hình, anh đã chữa khỏi bệnh ấu trùng mỏ neo ở cá trắm bằng lá xoan; cá mất vẩy, anh lấy lá cây phân xanh nhằm tạo độ nhớt để cá nhanh phục hồi; để tạo nhiều ô xi cho ao, anh lấy cây chuối băm nhỏ rải trên mặt nước…

Với những kinh nghiệm và chịu khó tìm hiểu qua sách, báo, năm 1990, anh đã nhận khoán 3 ao cá với diện tích 6 ha mặt nước của Công ty vừa để nuôi cá, vừa để giữ nguồn nước tưới cho chè. Ngoài việc hoàn thành nộp sản lượng cá hàng năm, thời điểm đó, từ nuôi cá anh còn thu lãi trên 15 triệu đồng. Có tiền, anh tìm được mảnh đất gần ven hồ Thác Bà làm nhà. Khu vực anh ở, có những vùng đầm nhỏ được tạo lên từ các eo ngách, anh đã nảy ra ý tưởng mua lưới quây để nuôi cá với diện tích hơn 4 ha.

Tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong thiên nhiên, anh bắt đầu nuôi nhiều loại cá như: nheo, rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép lai, mè, vược… Khi mùa nước hồ lên, anh bắt đầu thả cá và mùa nước hồ rút từ tháng Ba đến tháng Sáu âm lịch là lúc cá cho thu hoạch, mỗi năm tiền bán cá, trừ chi phí anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Năm 2008, cán bộ Viện Nghiên cứu thủy sản 1 Bắc Ninh lên hồ Thác Bà muốn nuôi thử nghiệm giống cá tầm. Anh Thịnh đã đăng ký nuôi thí điểm 3 lồng cá tầm với 270 con. Qua 7 tháng nuôi thử nghiệm, cá tầm đã cho cân nặng đạt gần 2 kg/con, giá bán ra thị trường là 350 ngàn đồng/kg. Với 2 lồng cá tầm, năm đầu tiên anh thu lãi gần 400 triệu đồng.

 Buổi trưa hôm đó, chúng tôi được vợ chồng anh Thịnh giữ lại ăn cơm. Chị Nguyễn Thị Thanh - vợ anh, niềm nở nói: “Nhà tôi sống bằng nghề cá, nên hôm nay đãi các anh cũng chỉ độc món cá, mong các anh đừng chê nhé! Chẳng giấu gì các anh, vợ chồng tôi học cùng nhau từ hồi học lớp 1, cùng tuổi đấy nhưng có “nằm duỗi mà ăn đâu”. Cái duyên, cái số thế nào gặp lại nhau sau mấy năm ông ấy đi bộ đội về là cưới. Được cái là tốt tính lắm, ai nhờ việc gì là cũng giúp mà giúp tới cùng chứ không bao giờ bỏ cuộc, tôi yêu ông ấy ở cái sự nhiệt tình và tính kiên trì đấy”.

Bên mâm cơm, anh Thịnh nói về giống cá lăng: “Giống cá này thịt đậm mà ngon lắm, môi trường nuôi nó cũng đòi hỏi nước sạch, giá trị kinh tế gấp 3 lần các loại cá thông thường khác. Đầu ra chủ yếu ở thị trường Hà Nội, hàng năm họ nhập của gia đình gần 10 tấn, trừ chi phí riêng cá lăng tôi bỏ túi gần 200 triệu đồng”.

Câu chuyện nuôi cá của anh Thịnh, nghe thoạt đầu cứ tưởng chỉ có “xuôi chèo mát mái”, vậy mà anh bảo cũng ối phen lao đao tưởng chừng như phá sản. Năm 2012, khi lứa cá tầm chỉ còn một tháng là cho thu hoạch thì chiều hôm đó, một cơn giông lốc gió giật mạnh đã xé nát 5 lồng cá tầm, thiệt hại lên tới trên 700 triệu đồng. Tiếc của, xót xa bao nhiêu công sức thả xuống “hồ không đáy”, anh Thịnh ốm nằm mất 1 tuần.

Gần đây, năm 2014, do thời tiết nắng nóng kéo dài, 3 lồng cá tầm đều bị bệnh xuất huyết ngoài da, mình đỏ rồi chết hàng loạt, thiệt hại ước tính trên 400 triệu đồng. Kinh tế từ bao nhiêu năm tích lũy mà rồi trắng tay, cùng với đó là mang theo khoản nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng. Nhiều đêm mất ngủ, anh  bàn với vợ vay mượn thêm bạn bè, anh em họ hàng để vực lại nghề cá. Được sự giúp đỡ của nhiều người, anh lại tiếp tục đóng lồng nuôi cá.

Anh Trương Quang Dũng - người đã nhiều năm gắn bó với anh Thịnh tâm sự: “Anh Thịnh là người mạnh dạn lắm, quyết tâm là làm bằng được. Hầu hết các loại cá nước ngọt, anh ấy đều mua về nuôi thử nghiệm. Mới đây, anh đã đầu tư xây bể nuôi cá tầm giống ở khe núi đầm Vân Hội (Trấn Yên), cũng được đánh giá là thành công. Nghe đâu, tới đây anh ấy còn tiếp tục nghiên cứu chế biến thức ăn cho cá, nhằm giảm chi phí trong chăn nuôi. Thực tình rất phục anh ấy!”.

Không chỉ làm kinh tế cho bản thân, anh Thịnh còn giúp nhiều người dân trong thôn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giàu từ nghề nuôi cá. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Hải, trước đây gia đình chị có ao cá gần như bỏ hoang, nhưng được anh Thịnh vận động giúp đỡ và hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, những năm gần đây, gia đình chị hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi cá.

Gia đình anh Nguyễn Văn Diện, cùng thôn cũng vậy, trước đây là hộ nghèo, vợ chồng không có việc làm, suốt ngày đi làm thuê vất vả. Anh Thịnh đến tận nhà động viên, hỗ trợ cá giống, lưới quây để nuôi cá giờ cuộc sống đã ổn định. Được biết, tháng 6/2015, anh Thịnh cùng 8 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng Thủy sản Thác Bà.

HTX đi vào hoạt động với vốn đăng ký 2 tỷ đồng, đã và đang triển khai đóng mới 30 lồng cá, trong đó 22 lồng cho nuôi cá lăng, còn lại là nuôi cá rô phi đơn tính, cá tầm, cá trắm cỏ và cá diêu hồng. Ngoài nuôi cá thương phẩm, HTX còn là địa chỉ cung ứng một số loại cá giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Với quy mô hoạt động như hiện nay, mỗi năm HTX phấn đấu đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Nuôi chí làm giàu, hôm nay “Thịnh cá” đã giàu có nhờ cá. Theo anh Nguyễn Ngọc Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Yên Bình đã có gần 400 lồng cá các loại, sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 4.000 tấn, mang lại nguồn thu trên 30 tỷ đồng/năm. Tháng 3/2016, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, với nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích khai thác mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác tiềm năng du lịch. Chắc chắn nhiều người sẽ có cơ hội để mở rộng, phát triển, làm giàu từ nuôi cá hồ như anh “Thịnh cá” mà chúng tôi đã gặp.

Phong Sơn

Các tin khác
Anh Lê Chí Công (bên phải) trao đổi công việc với nhóm thợ mộc của gia đình.

YBĐT - Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ Lê Chí Công đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, vừ rồi lại được cử tri bầu vào HĐND xã.

Nhiều trường phổ thông DTBT được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. (Trong ảnh: Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải).

YBĐT - Việc ban hành nghị quyết và phê duyệt Đề án về “Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015" (gọi tắt là Đề án) là hướng đi đúng, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.

Đề án được triển khai, đã nâng tỷ lệ  học sinh chuyên cần của huyện Văn Chấn lên trên 98%.

YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, diện mạo giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi căn bản.

Trồng quế đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phong Dụ Hạ.

YBĐT - Thôn 3, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao sinh sống với 121 hộ và 564 khẩu. Đây là thôn trồng quế, chăn nuôi giỏi nhất xã. Thành công đó từ chính những đôi bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của người dân nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục