Những nông dân nhạy bén ở An Bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2016 | 9:59:40 AM
YBĐT - Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô của hội viên Lê Cao Vy.
|
Trên đường dẫn tôi đi thăm quan một số mô hình kinh tế trang trại, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình (Văn Yên) Nguyễn Duyên Bắc phấn khởi cho biết: “Là xã vùng cao, 99% hội viên đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trước đây các hội viên gặp không ít khó khăn trong tìm hướng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thông qua các chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất của Nhà nước và đi tham quan, học hỏi thực tế từ các mô hình ở nơi khác. Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất. Từ đó, đã có nhiều mô hình phát triển tốt làm nơi cho các hội viên khác đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng trong xã...”.
Được biết, hiện nay ngoài các mô hình vừa và nhỏ, mô hình mới thực hiện chưa cho kết quả cao thì Hội đã có 2 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô từ 150 đến 200 con/lứa, 2 mô hình nuôi trâu bán chăn thả với quy mô từ 10 con trở lên, 1 mô hình nuôi gia cầm gần 2.000 con, một số mô hình trồng quế, cây lâm nghiệp khác... Trong năm 2015, cũng đã có 9 hội viên trồng được trên 2.800 gốc nhãn ghép chín muộn và đang tiếp tục mở rộng diện tích.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi gia cầm của gia đình ông Trần Văn Hải, bà Ngô Thị Minh Hà ở Chi hội thôn Cầu Cao. Tuy mới hoạt động từ năm 2015, nhưng nhờ nắm vững các quy trình kỹ thuật từ thiết kế chuồng trại đến chăm sóc, hiện trang trại gia cầm của ông Hải đã duy trì thường xuyên trên 1.700 con các loại. Trong đó chủ yếu là gà, vịt đẻ siêu trứng, còn lại là ngan, ngỗng, chim bồ câu.
Tâm sự về ý định mở mô hình chăn nuôi, ông Hải chia sẻ: “Năm 2015, qua tham khảo một số mô hình và được bạn bè tư vấn góp ý, tôi quyết định đầu tư chăn nuôi gia cầm, vì mô hình tận dụng được điều kiện đất đai có sẵn và công việc nhẹ phù hợp với sức khoẻ của tuổi già. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn nông sản có sẵn của bà con xung quanh làng để làm thức ăn...”.
Với số vốn đầu tư hơn trăm triệu đồng, hệ thống chuồng trại của ông được cứng hoá toàn bộ và theo thiết kế mới có hệ thống máng ăn, uống nước tự động bảo đảm duy trì nuôi thường xuyên trên 2.000 con gia cầm các loại. Ông còn ý định xây chuồng để nuôi thêm lợn tận dụng thức ăn thừa của gia đình. Hiện nay, sản phẩm trứng gà, vịt của ông Hải ngoài bán lẻ cho nhân dân tại địa phương thì thông qua người quen, ông đã kết nối được thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và Lào Cai.
Khác ông Hải, với kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề chăn nuôi lợn nái rồi nuôi kế lợn con thành lợn thương phẩm. Ông Lê Cao Vy ở thôn Khe Rồng đã và đang làm chủ trang trại lợn có tiếng nhất nhì ở các xã quanh khu vực. Năm 2004, khi mọi người còn đang bế tắc trong vòng luẩn quẩn tìm hướng phát triển kinh tế thì ông Vy đã mạnh dạn vay mượn vốn đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại có hệ thống máng ăn, uống tự động, hầm bi ô ga xử lý chất thải; quy mô chuồng nuôi 20 con lợn nái sinh sản và 200 con/lứa lợn thương phẩm.
Hiện tại, trại lợn của ông Vy đang nuôi 12 con lợn nái giống địa phương và 8 con lợn nái lai lợn rừng, bình quân hàng năm ông Vy xuất bán ra thị trường trên 300 con lợn thương phẩm. Không chỉ giỏi chăn nuôi lợn, ông Vy còn mạnh dạn đầu tư trên 130 triệu đồng đào ao thả cá. Với tổng diện tích mặt nước trên 3.600 m2 nuôi các loại cá, mỗi năm ông thu trên 2 tấn cá, bán được trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông Vy còn tích cực phát triển kinh tế đồi rừng với trên 20 ha. Trong đó, hơn 13 ha quế còn lại trồng cây trám ghép, cây lâm nghiệp khác.
Ông Vy chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi của mình: “Ngoài đồng vốn để duy trì sản xuất thì để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi lợn cần phải làm chủ con giống. Nếu có giống tốt và tiêm phòng đầy đủ thì vật nuôi không chỉ lớn nhanh mà còn hạn chế bệnh tật và sản phẩm chất lượng hơn. Để có được như vậy thì tôi nuôi cả lợn nái và lợn đực giống, coi như làm chủ 100% con giống, chỉ còn thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh mới phải mua”.
Không chỉ phát triển cho gia đình, ông Vy còn nhiệt tình chia sẻ cho bà con quanh vùng về kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi và giúp đỡ nhiều hộ có nhu cầu về con giống để người dân có giống lợn tốt. Chúng tôi rời trang trại ông Vy khi mặt trời khuất dần sau dãy núi. Tôi biết, ở An Bình còn nhiều nữa những mô hình làm ăn hiệu quả, nhưng đành hẹn Chủ tịch Hội nông dân xã vào một dịp khác.
Vậy là, với sự năng động, nhạy bén trong tiếp cận thông tin, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, tìm hướng sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương và thị trường, những hội viên nông dân ở An Bình lâu nay vốn chỉ quen sản xuất, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, giờ đã có thể làm chủ những trang trại quy mô lớn, hiệu quả, để không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Sau những giờ học ở trường, về với gia đình lại xách giỏ theo cha đi đánh cá khắp đầm Minh Quân, Vân Hội (Trấn Yên), có khi xuống cả Đan Phượng, Ấm Hạ, Ấm Thượng (Phú Thọ). Đấy là chuyện mấy mươi năm về trước, còn bây giờ, anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã nổi danh với cái tên “Thịnh cá”.
YBĐT - Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ Lê Chí Công đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, vừ rồi lại được cử tri bầu vào HĐND xã.
YBĐT - Việc ban hành nghị quyết và phê duyệt Đề án về “Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015" (gọi tắt là Đề án) là hướng đi đúng, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, diện mạo giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi căn bản.