Người thầy nhiệt huyết
- Cập nhật: Thứ ba, 14/6/2016 | 9:37:06 AM
YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
Thầy Lại Xuân Duy và học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.
|
>> Thầy Duy thành công từ học Bác điều giản dị
Gặp thầy Duy khi đang hướng dẫn các học sinh lớp 12 Toán - Tin về cách ôn thi, cũng như phương pháp làm bài tập sáng tạo, hiệu quả, chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu nghề và các học trò một cách vô bờ bến. Giản dị, chân thành, gần gũi là những điều dễ nhận thấy nhất về thầy giáo Duy. “Khi còn học THPT, môn Vật lý chưa thực sự cuốn hút tôi. Môi trường đại học cùng với các bạn sinh viên cùng khóa nghiên cứu các sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh đời sống hàng ngày đã “kéo” tôi gần hơn với môn Vật lý để rồi trở thành niềm đam mê, giúp tôi đạt được những thành công như hiện nay” - thầy Duy cho biết.
Tốt nghiệp đại học với thành tích ấn tượng, thầy giáo Lại Xuân Duy được Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) mời về giảng dạy. Đây là quãng thời gian để thầy Duy có cơ hội học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Mỗi hiện tượng tự nhiên, các dạng vận động của thế giới vật chất, các định luật, phương pháp suy luận khoa học, tư duy logic… được thầy nắm vững, trình bày sáng tạo trong các tiết giảng để học sinh dễ cảm thụ và đi yêu thích môn học của mình.
“Môn Vật lý là môn khoa học tự nhiên luôn gắn với các hoạt động thực tiễn, những sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên, vì vậy người giáo viên khi giảng dạy môn này phải đặc biệt chú trọng đến phương pháp dạy học lấy học sinh là đối tượng trung tâm, gắn lý thuyết với thực tiễn diễn ra xung quanh chúng ta. Như vậy, học sinh sẽ dễ hiểu bài và yêu thích môn Vật lý” - thầy giáo Lại Xuân Duy chia sẻ.
Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, năm học 2010 - 2011, thầy Duy đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp tỉnh” và có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Để thỏa niềm đam mê môn Vật lý, rèn giũa bản thân và tạo ra môi trường làm việc mới tốt hơn, năm 2012, thầy Duy đã dự thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đạt số điểm cao nhất. Chuyển đến ngôi trường có bề dày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh là vinh dự, song đối với thầy Duy ở đó càng đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa để nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian để tự bồi dưỡng bản thân được dành nhiều hơn. Lúc thì trong thư viện, có khi là những trao đổi với các học trò, hoặc học hỏi, chia sẻ cùng đồng nghiệp. Rồi cả những khoảng thời gian ít ỏi ở gia đình, thầy cũng thu xếp để có thể nghiên cứu, soạn cho mình giáo án khoa học, phương pháp truyền đạt hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp cũng như bồi dưỡng cho đội tuyển thi học sinh giỏi đạt kết quả cao.
“Thầy Duy dạy rất hay. Những bài khó, thầy luôn giúp học sinh dễ hiểu hơn và làm ra đáp án bằng con đường nhanh nhất” - em Trần Thùy Trang, lớp 12 Toán - Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết.
“Thầy Duy là giáo viên có năng lực chuyên môn tốt và rất nhiệt tình trong giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đối với các thầy, cô giáo trong tổ bộ môn, thầy Duy luôn trao đổi, chia sẻ trong chuyên môn của bản thân với đồng nghiệp” - cô giáo Vũ Thị Phương Lan, giáo viên Vật lý cùng trường cho biết.
Năm 2016 là năm thứ tư thầy giáo Lại Xuân Duy đứng trên bục giảng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Cũng bốn năm ấy, thầy đều bồi dưỡng các em tham gia thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực. Đặc biệt, học trò của thầy Duy đã lần đầu tiên mang về cho tỉnh Yên Bái giải thưởng ở kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm học 2014 - 2015. Những năm đứng trên bục giảng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũng là khoảng thời gian thầy Duy cũng như cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nhà trường thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thầy Duy chia sẻ: “Theo tôi, nói phải đi đôi với làm; luôn nghiêm túc trong thực hiện các quy định của trường, của nghề nghiệp; luôn thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động; tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để rút kinh nghiệm cho bản thân...”.
Với thầy Duy, học Bác và làm theo Bác chính là làm tốt những công việc thường ngày. Và mục tiêu mà thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh thành trong cả nước. Nhận thức và những việc làm bình dị của thầy giáo Lại Xuân Duy đã mang lại kết quả không nhỏ cho cả ngôi trường mang tên Bác. 100% học sinh được thầy Duy dạy, điểm Vật lý đều đạt khá, giỏi trở lên. Tất cả học sinh lớp thầy chủ nhiệm đều có hạnh kiểm tốt.
Sáng kiến “Xây dựng hệ thống bài tập và hướng dẫn giải bài tập về phần chuyển động của vật rắn” của thầy, được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục tỉnh xếp loại khá và áp dụng vào giảng dạy hiệu quả. Nhờ sự bồi dưỡng của thầy, năm nào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đều có học sinh giỏi toàn tỉnh và quốc gia môn Vật lý, góp phần nâng tổng số học sinh giỏi quốc gia của trường từ 31 em năm học 2011 - 2012 lên 68 em năm học 2014 - 2015.
Kết quả mà Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đạt được khẳng định công lao của các thầy cô, trong đó có những dấu ấn của giáo viên Vật lý Lại Xuân Duy.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất.
YBĐT - Sau những giờ học ở trường, về với gia đình lại xách giỏ theo cha đi đánh cá khắp đầm Minh Quân, Vân Hội (Trấn Yên), có khi xuống cả Đan Phượng, Ấm Hạ, Ấm Thượng (Phú Thọ). Đấy là chuyện mấy mươi năm về trước, còn bây giờ, anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã nổi danh với cái tên “Thịnh cá”.
YBĐT - Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ Lê Chí Công đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, vừ rồi lại được cử tri bầu vào HĐND xã.
YBĐT - Việc ban hành nghị quyết và phê duyệt Đề án về “Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015" (gọi tắt là Đề án) là hướng đi đúng, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.