Vì một nền nông nghiệp sạch
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2016 | 3:44:52 PM
YBĐT - Với mục tiêu thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp trong tỉnh nói chung và khuyến nông viên cơ sở huyện Trấn Yên nói riêng đã từng bước giúp nông dân đạt được những thành tựu, kết quả cao trong các chương trình rau an toàn, chè an toàn VietGAP, chăn nuôi sạch, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên trao đổi với khuyến nông viên cơ sở tại mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây chè Bát Tiên của xã Báo Đáp.
|
Theo chân cán bộ khuyến nông tỉnh và huyện Trấn Yên xuống thăm mô hình thực hiện Dự án "Ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cố định và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng chè Bát Tiên tại xã Báo Đáp", chúng tôi mới thực sự hiểu và khâm phục sự nhiệt tình "ba cùng" với dân của các cán bộ khuyến nông nơi đây.
Xuất phát từ việc sâu sát cơ sở, gắn bó với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè Bát Tiên, cùng sẻ chia nỗi niềm người trồng chè khi thời tiết quá nắng, nóng, khuyến nông viên phụ trách xã Báo Đáp - Nguyễn Anh Tuấn đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông huyện và lãnh đạo xã tìm giải pháp chống hạn cho cây chè. Được sự khuyến khích của cấp trên, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Tuấn đã cùng các đồng nghiệp xuống Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc học tập thêm kinh nghiệm.
Song, nếu làm theo mô hình tưới cảm biến của Viện phải mất vài trăm triệu đồng/ mô hình trong khi kinh tế nhà nông không cho phép. Vậy là tháng 4/2015, cùng với anh em đồng nghiệp và chủ hộ trồng chè, những cán bộ khuyến nông địa bàn đã sáng tạo ra cách làm mới cho hệ thống tưới phun mưa bằng những đường ống nước nối dài khắp nương chè, có lắp đặt các van khóa tay và bể tưới.
Tới cuối tháng 8, đầu tháng 9/2015, hệ thống tưới phun mưa cho nương chè đầu tiên đã được thực nghiệm trên diện tích 0,6 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 4, xã Báo Đáp với tổng kinh phí đầu tư gần 60 triệu đồng (gồm cả tiền phân bón), trong đó có 50% chi phí hỗ trợ của Dự án. Thật khó có thể quên cái ngày tháng 8 đầy nắng năm ngoái: nguồn nước tưới trắng xóa nối nhau chạy suốt theo những hàng chè ướt đẫm khiến mồ hôi trên gương mặt rạng ngời của chị Mai cũng như rất nhiều hộ dân trong thôn, trong xã và cán bộ khuyến nông cơ sở bỗng chốc tan biến.
Từ những chiếc ống nhựa cao quá đầu người, nước bay xòa, tan chảy như những giọt sương mai bay tới các hàng chè. Cứ thế, hàng nối hàng, ống xen ống, các đường nước tít tắp đã chia đều mỗi bên 5 m cho những cây chè khát cháy bởi nắng hè oi ả. Theo sau nhà chị Mai là diện tích 0,3 ha chè của gia đình ông Nguyễn Đình Hương và 0,2 ha chè của gia đình bà Đặng Thị Dần tiếp tục được nguồn nước tưới mát đã xanh tươi trở lại.
Trong niềm vui ngập tràn, nhìn các đường ống phun mưa cứ tự động chia nước đều tăm tắp, chị Nguyễn Thị Mai - chủ nương chè thực hiện Dự án chia sẻ: "Năm nay nắng thế này mà không có hệ thống tưới của cán bộ khuyến nông giúp thì cây chè sẽ cằn cỗi và hỏng hết lá". Được biết, vụ xuân vừa qua gia đình chị thu trên 120 kg chè búp khô, năng suất cao hơn hẳn cùng kỳ năm trước do chè được tưới nước và bón phân đầy đủ.
Chị Mai khẳng định: "Không những mùa hè nắng, nóng cây chè cần nguồn nước tưới mà ngay cả mùa đông sương giá, nguồn nước này chẳng những giúp cho búp chè không bị sương muối làm hỏng mà còn kéo dài thời gian thu hoạch từ tháng 9 tới tận tháng 10 vẫn có chè ngon bán dịp tết".
Niềm vui của gia đình chị Mai chỉ là một trong số hàng trăm gia đình đã và đang được hưởng lợi từ những suy nghĩ, sáng tạo, sự năng động, tích cực và yêu nghề của 23/27 cán bộ, đảng viên công nhân viên chức Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên. Họ thực sự là những người bạn tin cậy của nhà nông trong huyện khi thời gian trên đồng ruộng, đồi nương và cơ sở xã nhiều hơn ở nhà.
Vì một nền nông nghiệp sạch và bền vững, họ đã và đang ngày đêm sát cánh cùng nhà nông Trấn Yên đoàn kết, hợp tác và sẻ chia những băn khoăn, trăn trở để tìm cho được giải pháp, hướng đi thích hợp nhất, ít tốn kém mà cho hiệu quả cao nhất để nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.
Đặc biệt, khi cả nước đang nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, họ hiểu rất rõ vai trò của mình trong việc giúp những chủ thể nông dân hoàn thiện các tiêu chí của một xã chuẩn. Vì thế, Trấn Yên có 22 xã, thị trấn là có đủ 22 cán bộ khuyến nông viên cơ sở bám trụ "ba cùng" với dân từ triển khai vụ mùa, làm vụ đông, trồng tre măng Bát độ tới trồng dâu nuôi tằm, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trong cây trồng, vật nuôi hay tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật...
Để đạt được kết quả, lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động trên mọi lĩnh vực như: tăng cường tập huấn chuyên sâu cho nông dân; làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn; chỉ đạo hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế như: trồng tre Bát độ, trồng lúa chất lượng cao, trồng dâu nuôi tằm, chương trình khí sinh học.
Triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí quyết định trong xây dựng nông thôn mới như: tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo, tiêu chí 12 về cơ cấu lao động, tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí 17 về môi trường...
5 năm qua, cán bộ, đảng viên của Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, đẩy mạnh ứng dụng về giống mới, tiến bộ kỹ thuật thâm canh và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác và ổn định an ninh lương thực địa bàn.
Tiêu biểu trong hoạt động khuyến nông cơ sở là những đảng viên khuyến nông viên trẻ, năng động và đầy nhiệt tình như: Lê Anh Tuấn - phụ trách xã Báo Đáp, sinh năm 1984; Triệu Khánh Thiện - phụ trách xã Kiên Thành, sinh năm 1986; Nguyễn Thị Thúy - phụ trách xã Việt Thành, sinh năm 1977; Nguyễn Cảnh Toàn - phụ trách xã Quy Mông, sinh năm 1975; Phạm Thị Quỳnh Trang - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm...
Khuyến nông viên Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn chị Nguyễn Thị Mai phương pháp vận hành hệ thống tưới phun mưa cho cây chè.
Hỏi về bí quyết và sự nhiệt tình đến "quên cả gia đình" của những cán bộ trẻ ở đây tôi thật bất ngờ với câu trả lời gần như tuyệt đối: "Đã là đảng viên, lại là đảng viên trẻ thì phải cố gắng phấn đấu. Phấn đấu vì mục tiêu cao nhất của ngành là đầu tư cho một nền nông nghiệp sạch và bền vững".
Thì ra, những ngày miệt mài cùng bà con đi chống hạn, chống rét, chống lũ lụt, những buổi trưa đi thăm đồng, phòng sâu hại cho lúa tới quên ăn, những đêm đi vào bản tuyên truyền, vận động, tập huấn cho dân tới gần sáng mới trở về "suýt quên ngủ" của cán bộ khuyến nông đều là chuyện thường ngày ở huyện, ở xã, ở thôn của họ.
Đổi lại, thành quả, công sức ấy của họ là 40/38 mô hình đã được trình diễn trong 5 năm qua, đạt 105% kế hoạch, nhiều mô hình được áp dụng và đưa ra sản xuất đại trà như: mô hình giống lúa lai D.ưu 6511; Syn 6; Nghi hương 305; lúa thuần DDS1; HT9; giống ngô NK6326, 7328; ngô nếp Max 68, ngô nếp tím Fancy111; mô hình bón phân hữu cơ vi sinh cho lúa, canh tác lúa cải tiến (SRI), thâm canh tre Bát độ, trồng nấm rơm, thâm canh gừng trong bao, trồng rau an toàn, trồng khoai tây áp dụng làm đất tối thiểu, sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi...
Khuyến nông viên Nguyễn Thị Thúy, phụ trách xã Việt Thành tâm sự: "Vùng dâu của xã hiện có 63 ha, năm 2015 bà con trong xã thu về 9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã đã thu về 5 tỷ đồng từ dâu tằm. Nhờ thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật nên trung bình mỗi vòng tằm đã cho nhà nông Việt Thành 17 kg kén, hộ cao thu từ 20 - 24 kg kén tằm, nhân với giá 90 ngàn - 100 ngàn đồng/kg đã cho nhà nông khoản thu nhập kha khá. Được góp công sức nhỏ bé của mình giúp nông dân thoát nghèo, giúp địa phương dần hướng tới nền nông nghiệp sạch bọn em vui lắm".
Không vui sao được khi những thành tích, kết quả và sự nỗ lực cố gắng hết mình của cán bộ, đảng viên Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã được UBND huyện, UBND tỉnh và Trung tâm Khuyến nông quốc gia liên tục ghi nhận bằng những danh hiệu thi đua từ năm 2011 đến nay. Song, nói như đồng chí Trần Thị Hoàn Liên - Bí thư Chi bộ, Trưởng trạm Khuyến nông Trấn Yên: "Phần thưởng lớn nhất và cao quý nhất chính là tình cảm, là niềm tin, là sự thân thiện, quý mến của bà con nông dân trong huyện đã, đang và sẽ dành cho cán bộ khuyến nông".
Chia tay những cán bộ khuyến nông viên cơ sở, chia tay những chủ thể nông thôn mới của vùng quê núi, còn mãi trong tôi là hình ảnh chị Mai má đỏ hây hây, mồ hôi ướt đầm lưng áo, ríu rít chia từng chùm vải chín mọng "mời các cô chú khuyến nông ăn vải chúng ta trồng đi" trong buổi chiều đầy nắng khiến niềm vui, niềm tự hào trong từng ánh mắt, nụ cười của những người bạn nhà nông nơi đây dường như được nhân lên gấp bội.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù đã được nghe giới thiệu về hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Xi măng Yên Bái nhưng sự ám ảnh lâu nay về các nhà máy xi măng với khói bụi trắng xóa phủ kín cả một vùng kèm theo thời tiết nóng bỏng, khô rát đến gần 400C khiến tôi không khỏi rùng mình suốt dọc đường đi. Nhưng khác với những gì tôi tưởng, đặt chân vào Nhà máy là quang cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ cũng không khói bụi mịt mờ...
YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
YBĐT - Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất.
YBĐT - Sau những giờ học ở trường, về với gia đình lại xách giỏ theo cha đi đánh cá khắp đầm Minh Quân, Vân Hội (Trấn Yên), có khi xuống cả Đan Phượng, Ấm Hạ, Ấm Thượng (Phú Thọ). Đấy là chuyện mấy mươi năm về trước, còn bây giờ, anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã nổi danh với cái tên “Thịnh cá”.