Chàng Then
- Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2016 | 9:35:10 AM
YBĐT - Nếu thi sỹ Nguyễn Bính say đắm yêu qua bài thơ “Tương tư”: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, thì chàng trai tuổi Bính Dần (1986) - Trần Huy ở xã Hưng Khánh (Trấn Yên) lại yêu “nàng Then” một cách “rất riêng”.
Trần Huy (bên phải) say sưa luyện tập cùng người thầy của mình.
|
Huy nói, anh yêu “nàng Then” đến nỗi quên ăn, quên ngủ, “Then đã vào lòng để ngày nhớ, đêm mong”. Tôi thấy Huy xúc động, đôi mắt to, sáng rưng rưng. Kể cũng lạ, một chàng trai có vẻ ngoài rắn rỏi ấy bên trong lại ẩn chứa một đời sống nội tâm dạt dào và thật sâu sắc với niềm đam mê vốn văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày.
Ngày đặc biệt
Nói đến Trần Huy, có lẽ từ người già đến trẻ nhỏ ở xã Hưng Khánh chẳng ai không biết. Huy không chỉ là “bậc thầy” trong nghệ thuật chơi đàn tính hay, hát Then giỏi, múa khéo mà Trần Huy còn nổi tiếng hơn ở lĩnh vực biểu diễn loại hình Then nghi lễ và còn là “thầy” của những người cao tuổi và em nhỏ trong các câu lạc bộ hát Then nơi đây. “Xuất phát điểm của Huy chỉ có một tình yêu thực sự, vượt lên trên tất cả để đến với Then. Chẳng thế mà 30 tuổi rồi, Huy vẫn chưa xây dựng gia đình. Yêu “nàng Then” nhiều quá!” - Trần Huy hóm hỉnh chia sẻ.
Tôi đã gặp và viết về những nghệ nhân dân gian nổi tiếng của Yên Bái như: Lò Văn Biến, Nịnh Quang Thanh, Điêu Thị Xiêng, Hoàng Tương Lai... Mỗi người đều có cái riêng, niềm đam mê nghệ thuật của mình, nhưng với Huy thì tôi dành một tình cảm thật đặc biệt. Không phải vì Huy trẻ và tài năng hơn mà bởi Huy có những xúc cảm, sự rung động rất riêng.
Trần Huy sinh ra trong một gia đình làm nông ở thôn Đức Thịnh, xã Hưng Khánh (Trấn Yên). Cũng như bao đứa trẻ vùng nông thôn khác, tuổi thơ Huy không có gì khác biệt. Cuộc sống nghèo nơi vùng quê cứ bình lặng trôi qua theo những giờ học và phụ giúp gia đình công việc đồng áng, chính Huy cũng chưa hề nghĩ đến tài năng trời phú, bởi gia đình chẳng ai biết Then.
Rồi ngày đặc biệt ấy cũng đã đến. Lúc đó, Huy vừa 14 tuổi. Một buổi sáng trên đường đến trường, Huy bất chợt nghe được trên đài phát thanh xã một làn điệu Then của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng với tựa đề “Ba Bể cảnh tiên”. Thế là Huy mê, rồi “ngấm” và luôn ao ước có được 1 đến 2 làn điệu để học. Mong muốn là vậy, nhưng Huy không thể đến với “nàng Then” ngay lúc đó, bởi gánh nặng học hành, cơm áo nên Trần Huy chỉ có thể tạm “ép sâu” tình yêu của mình trong trái tim non trẻ. Và rồi sau khi tốt nghiệp THPT, Trần Huy thi đỗ Trường Trung cấp Điện lực Hà Nội. Tại thủ đô hoa lệ, Trần Huy đã có cơ hội tìm đến với “tình yêu lớn” của đời mình - “nàng Then”.
Sau giờ học trên giảng đường, Huy tìm đến các quán Internet, lên Google tra cứu các nội dung liên quan đến Then của đồng bào dân tộc mình. “Anh có biết Huy vui như thế nào không? Vỡ òa nhé! “Nàng Then” của tôi chạy suốt màn hình, từ các trang này qua trang khác, đâu đâu cũng thấy “nàng”. Thú vị hơn, Huy thấy cả các làn điệu Then của quê hương Yên Bái mình nữa chứ. Ngày hôm đó, Huy ngồi tới tận khuya và cũng chép lại được vài bài để về học” - Huy kể.
Và cũng từ đó, sáng học, chiều lên thư viện hoặc đến quán “net” nghiên cứu về các làn điệu Then, Huy đã trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu, rộng về loại hình văn hóa đặc sắc này. Như là có duyên với Then, Huy được gặp gỡ các bạn sinh viên người Tày ở trong và ngoài trường chuyên nghiệp khác để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Họ đến với Then chỉ vì đam mê và để hát cho nhau nghe, để cùng cảm nhận, tận hưởng và chia sẻ cách luyến láy, âm điệu, cung nhạc khi hát.
“Khi đã hát Then thì không màng đến một thứ gì hết, có thể thâu đêm suốt sáng. Nói như những người yêu Then giống Huy là: “Pì nọong vay chờ đai, Ao a vạy chờ ười”. Nghĩa là: “Anh em để lúc không; cô chú để lúc khác”. Vậy đấy, “Then đã vào lòng thì ngày nhớ, đêm mong” - Huy chia sẻ niềm đam mê của mình.
Tuy nhiên, để trở thành một người nghệ sỹ hát Then toàn diện, nổi tiếng khắp các miền quê, nơi có đồng bào Tày định cư chính là lúc Trần Huy về quê và gặp Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái Hoàng Kế Quang - người thầy duy nhất và cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến phong cách biểu diễn Then sau này của anh.
Chàng Then
“Với Huy, Then là lẽ sống nên việc có là nghệ sỹ hay không, không quan trọng. Nếu yêu quý Huy, hãy gọi Huy là “chàng Then”, vì chỉ “chàng Then” mới xứng đáng với tình yêu lớn của “nàng Then”, anh à” - Huy cười tươi chia sẻ. Có lẽ để xứng đáng với “tình yêu lớn” của “nàng Then”, sau khi về làm công nhân Nhà máy Thủy điện Hưng Khánh (Trấn Yên), thời gian rảnh, Trần Huy đều đến nhà Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kế Quang để học cách hát, chơi đàn tính và múa. Biết tính thầy Quang rất nghiêm trong giảng dạy cho các trò, nên lúc nào Trần Huy cũng là người đến sớm nhất. Mỗi lần như vậy, Huy có cơ hội nghe thầy hát và kể những câu chuyện tình, lời yêu thương qua các làn điệu Then.
“Hơn 50 năm gắn bó với nghiệp Then, điều tôi mong muốn nhất là có một học trò biết cảm thụ và yêu các làn điệu Then như thế hệ chúng tôi để mà truyền dạy tất cả những gì mình có. Gặp trò Trần Huy, là một may mắn nhất của cuộc đời tôi. Huy sẽ còn tiến xa hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều, bởi Huy không chỉ có năng khiếu, có tâm hồn yêu Then mà còn rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu. Huy sẽ là người tiếp tục giữ gìn, phát huy các làn điệu Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Hưng Khánh” - ông Quang tự hào khi nói về cậu học trò cưng của mình. Không phụ lòng tin tưởng, yêu thương của thầy Quang, Huy đã không kể sáng, trưa, chiều, tối, hễ rảnh là đến nhà thầy học.
“Anh Huy học nhanh lắm, chứ như chúng em phải mất đến nửa năm mới biết được các cung, nhịp, cách lấy hơi, rung ở giai đoạn đơn giản của nghệ thuật hát then và chơi đàn tính. Vậy mà, anh ấy chỉ mất có một tuần là đã lĩnh hội được rồi” - Hoàng Thị Thùy Linh, học trò của thầy Quang và là bạn cùng học với Huy chia sẻ. Có lẽ, ấn tượng nhất với tôi về Trần Huy là lúc ngồi nghe thầy Quang giải thích về các cung trong chơi đàn tính, cách làm nhịp, độ rung mỗi lời hát ở cuối câu... Huy chăm chú nghe giảng, như “nuốt từng câu, từng chữ” của người thầy.
Bất chợt Huy để ngang đàn tính và gảy rồi giọng ca cao vút thanh trong lời bài hát “Chơi xuân”: Bươn chiêng pay tức yến nà đon. Mự chiêng pay tọt còn nà lẹng. Tức Yên tức cảu đon. Tọt còn tọt cả tổng. Tức yến muộn lườm ngài. Tọt còn muộn lườm pừa (Tháng giêng đi chơi yến đồi nhồn. Ngày tết đi chơi còn ruộng cả. Chơi Yến qua 9 đồi nhồn. Tung còn nơi ruộng cả đồng khô. Chơi yến là muốn quên cả bữa. Chơi còn muốn quên ăn)... Ngước lên nhìn thầy, Huy hỏi: “Con chơi đàn và hát như vậy có đúng không thầy?”. Thầy Quang vỗ tay: “Rất hay, thầy thích nhất, dù bài nào con cũng “thổi” được cái hồn, tâm tư tình cảm của mình. Người chơi đàn tính hoặc hát Then khi biểu diễn mà không có “hồn” coi như hỏng”.
Với Trần Huy, được đến với tình yêu lớn của đời mình “nàng Then” thì không gì sánh bằng. Nhưng hơn thế nữa “chàng Then” Trần Huy lúc nào cũng muốn được chia sẻ với mọi người về tình cảm của mình. Cứ mỗi tháng lĩnh lương là Huy lập tức lên đường. Nay Lạng Sơn, mai Cao Bằng, rồi Bắc Cạn, Hà Nội... đâu có người hát Then là nơi đó Huy góp mặt. Huy đến để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn, qua đó vun đắp, làm giàu kinh nghiệm về các làn điệu Then của bản thân mình.
“Qua mỗi buổi giao lưu, Huy học được rất nhiều điều bổ ích. Có nơi, Huy học được cách tổ chức trong việc phát triển câu lạc bộ hát Then. Có nơi, Huy học được các làn điệu Then, cách chơi các nhạc cụ độc đáo trong khi hợp xướng Then. Huy đã áp dụng được khá nhiều, sau đó áp dụng chất tinh túy của các địa phương gắn với các làn điệu Then của Hưng Khánh để tạo nên những tác phẩm ứng ý, lay động lòng người mỗi khi biểu diễn”.
Huy say sưa khi nói về các cung, nhịp trong hát Then và chơi đàn tính, nào là, chơi đàn tính có 5 cung như: tính thuông (nhịp thuông), tính pay tảng (cung tính đi đường trong biểu diễn Then nghi lễ), tính tiên, tính là mương, tính thùng (Then nghi lễ)... Hát Then có 2 loại: Then nghi lễ chủ yếu cầu bình an, cầu giải hạn, cầu mùa màng tươi tốt...; Then nghệ thuật dễ học, dễ thuộc và dễ hát với ý nghĩa giáo dục con người ăn ở hòa thuận, ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước.
Phần thưởng lớn nhất dành cho Trần Huy khi đến với “nàng Then” là Huy chương Vàng biểu diễn cùng thầy Quang tiết mục “Chơi xuân” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng năm 2013 do huyện Trấn Yên tổ chức. Nhưng ý nghĩa hơn với Trần Huy chính là việc cùng với thầy Quang thành lập được 3 câu lạc bộ hát Then ở xã Hưng Khánh. Mỗi câu lạc bộ có trên 30 người tham gia ở các lứa tuổi già trẻ có, trai gái có, đều đam mê các làn điệu Then tìm đến học tập.
Chia tay Trần Huy, chúng tôi nói vui, nửa đùa nửa thật: “Huy yêu “nàng Then” thì cứ yêu nhé, nhưng phải lập gia đình cho ông bà đỡ buồn lòng!”. Trần Huy cười tít: “Lập gia đình thì chắc chắn rồi, nhưng hiện giờ thì chưa, vì phải đền đáp tình yêu với “nàng Then” đã anh ạ!”. Cái bắt tay thật chặt của Trần Huy như lời mời chân thành cho buổi biểu diễn tới đây của câu lạc bộ hát Then do Huy sáng lập. Tuy không nói ra, nhưng trong mỗi chúng tôi đều chắc chắn, sẽ sớm gặp lại Huy để xem anh biểu diễn với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và một tình yêu vô bờ bến của “chàng Then” dành tặng “nàng Then” ở đất Hưng Khánh này.
Ngọc Sơn - Thu Trang
Các tin khác
YBĐT - Với mục tiêu thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp trong tỉnh nói chung và khuyến nông viên cơ sở huyện Trấn Yên nói riêng đã từng bước giúp nông dân đạt được những thành tựu, kết quả cao trong các chương trình rau an toàn, chè an toàn VietGAP, chăn nuôi sạch, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
YBĐT - Mặc dù đã được nghe giới thiệu về hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Xi măng Yên Bái nhưng sự ám ảnh lâu nay về các nhà máy xi măng với khói bụi trắng xóa phủ kín cả một vùng kèm theo thời tiết nóng bỏng, khô rát đến gần 400C khiến tôi không khỏi rùng mình suốt dọc đường đi. Nhưng khác với những gì tôi tưởng, đặt chân vào Nhà máy là quang cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ cũng không khói bụi mịt mờ...
YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
YBĐT - Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất.