“Hoa 03” nở trên rừng Yên Thái

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2016 | 9:24:18 AM

YBĐT - Đầu tháng 6, chúng tôi về xã Yên Thái, huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn - một người lính tiêu biểu trên trận tuyến mới.

Anh Nguyễn Văn Thuấn (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã trao đổi với người lao động làm việc tại xưởng chế biến gỗ.
Anh Nguyễn Văn Thuấn (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã trao đổi với người lao động làm việc tại xưởng chế biến gỗ.

Biết thông tin chúng tôi về xã tìm hiểu mô hình làm kinh tế giỏi là hội viên của mình, anh Nông Văn Dương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và anh Hoàng Hữu Dự - Chủ tịch Hội Nông dân xã đến trụ sở từ đầu giờ làm việc buổi sáng đưa chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình Thuấn.

Trên đường đi, anh Dương tranh thủ giới thiệu: “Anh Nguyễn Văn Thuấn là tấm gương cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu của xã trong thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh mới được huyện tuyên dương tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03. Câu chuyện về mô hình phát triển kinh tế của anh ý thì dài lắm, tý nữa đến nơi các chú hỏi chuyện mới biết được, anh em chúng tôi không thể nhớ được hết…”.

Anh Dương vừa ngừng lời, chúng tôi đã tới trước nhà anh Thuấn. Ngôi nhà 3 tầng khang trang nằm ngay trên đường trục chính (gần trụ sở UBND xã).

- Ôi chà, nhà xây đẹp quá! Anh bạn cùng đi lên tiếng. Thấy có khách đến, anh Thuấn nhanh nhẹn từ trong nhà ra đón khách:

- Chào các anh! Hôm nay anh Dương, anh Dự điện hẹn trước chứ không bây giờ tôi đã vào xưởng chế biến gỗ lâu rồi. Bà xã nhà tôi thì đi lên rừng từ sớm để thuê người bóc quế và phát dọn, chăm sóc cho diện tích quế mới trồng năm ngoái. Mời anh em vào nhà uống nước.

- Xin phép anh để chúng tôi ngắm ngôi nhà chút đã.

- Có gì đâu, nhà này là “tác phẩm” của thằng con cả tôi, nó tốt nghiệp Đại học Kiến trúc đi làm thuê mấy năm, thấy bố, mẹ vất vả quá nó bỏ về giúp tôi kinh doanh, khi rảnh rỗi nó thiết kế đấy mà.

Đó là ngôi nhà xây 3 tầng, mỗi tầng khoảng gần 100 m2, được thiết kế rất đẹp và hợp lý. Vừa rót nước mời khách, anh Thuấn vừa kể: “Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại mặt trận phía Bắc trở về, khi ấy điều kiện cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, con còn nhỏ, mình thì sức khỏe yếu, vết thương chiến tranh thường xuyên tái phát mỗi khi trở trời. Nhiều đêm tôi thức trắng trăn trở suy nghĩ mình phải làm gì để vượt qua khó khăn, vượt qua đói nghèo trên quê hương của mình. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định bàn với vợ nhận 4 ha rừng của Nhà nước tiến hành khai hoang, san gạt đất ở lòng khe làm ruộng, đắp đập nuôi cá, trồng quế, bồ đề, keo...”.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” anh Thuấn đã chủ động trồng xen canh các loại cây lương thực như ngô, khoai, sắn và lúa nương vào diện tích rừng để cải thiện cuộc sống gia đình. Đồng thời, mạnh dạn vay 6 triệu đồng của Nhà nước để mua trâu lấy sức cày, kéo và đầu tư vào buôn bán phân bón phục vụ nhân dân địa phương.

Sau hàng chục năm lao động vất vả, gia đình anh Thuấn đã ăn nên làm ra không chỉ trả được hết nợ mà còn có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô trang trại. Từ năm 2007 đến nay, gia đình anh đã nhận lại 17 ha rừng của Lâm trường Văn Yên để phát triển kinh tế VAC, thời điểm đó trang trại của gia đình anh đã nuôi tới 16 con bò sinh sản, 9 con trâu, 12 con lợn thương phẩm và 1 con lợn nái; làm 5 sào ruộng, 5 sào đập nuôi cá và 21 ha rừng.

Khi mô hình kinh tế VAC đã phát triển ổn định, năm 2008 anh Thuấn quyết định bán bớt trâu, bò đi và khai thác vườn rừng xây ngôi nhà 3 tầng, phần vốn còn lại anh đã đầu tư mua ô tô kinh doanh vận tải, mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng và cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, nông cụ sản xuất và tạp hóa, tạo công ăn việc làm thường xuyên tại xưởng gỗ bóc cho từ 13 - 16 lao động ở địa phương và hàng chục lao động phát dọn, chăm sóc rừng theo mùa vụ. Đến năm 2015, anh Thuấn quyết định bán tất cả đàn bò và trâu đi, chỉ giữ lại một con trâu để lấy sức cày, kéo… Câu chuyện làm kinh tế của anh Thuấn cứ níu kéo chúng tôi đi suốt cả buổi sáng từ khu rừng thôn 2, thôn 3 đến thôn 5 của gia đình anh với trên 20 ha (chủ yếu là quế).

-Sau khi bán hết trâu, bò đi anh còn đầu tư kinh doanh thêm hàng hóa gì nữa? Tôi hỏi.

- Chủ yếu vào rừng ở thôn 2, thôn 3 và thôn 5, nơi các chú vừa đi thăm. Số vốn còn lại mình mua 2 xe ô tô gần 800 triệu đồng, một cái để chở gỗ, một cái chở thức ăn gia súc và hàng tạp hóa vừa bán vừa phân phối cho các đại lý trong huyện.

- Số lao động là con em các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cựu chiến binh làm việc cho gia đình anh có nhiều không?

- Lao động làm việc tại xưởng gỗ bóc có 13 người, có lúc nhiều ván phơi lên tới 16 người. Còn phát dọn, chăm sóc quế thường xuyên có khoảng 10 lao động, cũng có lúc vào vụ trồng quế đầu xuân và vụ thu thì phải thuê đến 20 lao động trồng rừng, chủ yếu là con em các hộ nghèo dân tộc Dao ở thôn 1, con em Hội Cựu chiến binh trong xã và một số hộ nghèo khác.

Càng hỏi về chuyện làm kinh tế của anh Thuấn chúng tôi càng “say”, về đến xưởng gỗ bóc rồi mà vẫn ngỡ như đang ở trên rừng quế. Xưởng gỗ bóc của gia đình anh xây dựng khá khang trang, rộng khoảng 2.000 m2 với 2 căn nhà sàn, một căn để làm văn phòng, một căn để cho những lao động ở xa nghỉ trưa nấu cơm ăn. Lúc này gần đến giờ nghỉ trưa nên công việc ở đây cũng nhộn nhịp hơn. Chỗ thì công nhân cắt gỗ, bóc gỗ, chỗ thì vận chuyển ra bãi phơi, bốc gỗ đã khô lên xe cho thương lái chở đi tiêu thụ…

Xưởng gỗ bóc của gia đình anh Nguyễn Văn Thuấn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 13 đến 16 lao động.

Dừng chân bên xưởng gỗ bóc anh Nông Văn Dương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết thêm: “Trước đây, anh Thuấn làm nhiều thứ lắm cả trâu, bò, cá, trồng sắn, cấy lúa… Nhưng từ khi 5 người con của anh lớn lên đi học đại học, lấy vợ gả chồng, gia đình anh ý không phát triển chăn nuôi nữa mà tập trung vào phát triển kinh doanh rừng và thức ăn gia súc, hàng tạp hóa. Để có diện tích 18 ha quế từ 2 đến 13 năm tuổi hiện nay, gia đình anh Thuấn đã đầu tư hết hàng tỷ đồng rồi. Bình quân trồng được 1 ha quế chăm sóc đến 5 tuổi hết khoảng 260 triệu đồng. Chỉ tính riêng tài sản rừng, gia đình anh Thuấn hiện có gần chục tỷ đồng đấy. Không chỉ làm giàu cho cho mình, gia đình anh ấy còn hỗ trợ vốn, thóc gạo và giống cây cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Được biết, ngoài giúp đỡ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động làm việc tại xưởng gỗ bóc và phát dọn, chăm sóc rừng gia đình anh Thuấn còn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã bằng cách gián tiếp như, hàng năm đến mùa thu hoạch quả chẩu, măng nứa, măng giang anh Thuấn tạo điều kiện cho bà con lên rừng của mình nhặt hạt chẩu, lấy măng về bán, mỗi công được trên 100.000 đồng.

Anh  bảo: “Mình giúp đỡ bà con, thì bà con ủng hộ, bảo vệ rừng cho mình, chứ trên 20 ha rừng ai mà trông coi được...”.

Anh Thuấn vừa ngừng lời, tôi ghé vào xưởng gỗ bóc hỏi chuyện một công nhân đang cắt những cây gỗ dài ra thành từng đoạn nhỏ chuyển vào máy bóc.

- Anh làm ở xưởng gỗ bóc này được lâu chưa?

- Mình làm được gần 5 năm rồi, còn vợ thì làm được một năm. Anh Nông Văn Trung, ở thôn 3, xã Yên Thái đáp lời.

- Mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập được bao nhiêu tiền?

- Được từ 9 đến 10 triệu đồng. Làm ở đây thu nhập ổn định hơn, có tiền nuôi con ăn học chứ trông vào 2 sào ruộng thì gay lắm anh ạ!

- Không chỉ gia đình anh Trung làm việc ở đây có thu nhập ổn định mà hàng chục gia đình hộ dân tộc thiểu số nghèo, con em Hội Cựu chiến binh xã, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã không có công ăn việc làm được anh Thuấn nhận vào làm việc đều có thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn...

Chia tay với người cựu chiến binh, thương binh trên trận tuyến mới, tôi càng khâm phục với những việc anh và gia đình đã và đang làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Minh Hằng - Yên Thái, tháng 6/2016

Các tin khác
Trần Huy (bên phải) say sưa luyện tập cùng người thầy của mình.

YBĐT - Nếu thi sỹ Nguyễn Bính say đắm yêu qua bài thơ “Tương tư”: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, thì chàng trai tuổi Bính Dần (1986) - Trần Huy ở xã Hưng Khánh (Trấn Yên) lại yêu “nàng Then” một cách “rất riêng”.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên trao đổi với khuyến nông viên cơ sở tại mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây chè Bát Tiên của xã Báo Đáp.

YBĐT - Với mục tiêu thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp trong tỉnh nói chung và khuyến nông viên cơ sở huyện Trấn Yên nói riêng đã từng bước giúp nông dân đạt được những thành tựu, kết quả cao trong các chương trình rau an toàn, chè an toàn VietGAP, chăn nuôi sạch, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Các cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Yên Bái cùng đại diện các tổ nhân dân sinh sống gần nhà máy kiểm tra, đo đạc, quan trắc môi trường không khí trong Nhà máy.

YBĐT - Mặc dù đã được nghe giới thiệu về hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Xi măng Yên Bái nhưng sự ám ảnh lâu nay về các nhà máy xi măng với khói bụi trắng xóa phủ kín cả một vùng kèm theo thời tiết nóng bỏng, khô rát đến gần 400C khiến tôi không khỏi rùng mình suốt dọc đường đi. Nhưng khác với những gì tôi tưởng, đặt chân vào Nhà máy là quang cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ cũng không khói bụi mịt mờ...

Thầy Lại Xuân Duy và học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục