Ước mơ ươm mầm xanh
- Cập nhật: Thứ tư, 3/8/2016 | 9:20:50 AM
YBĐT - “Em yêu cây lắm! Từ bé em đã theo ông nội ra vườn. Học xong cấp III em muốn thử sức, được đi học chuyên nghiệp cho bằng bạn bằng bè. Nhưng niềm đam mê kinh doanh như đã “ăn” vào máu, thôi thúc em về quê hương lập nghiệp” - đó là tâm sự của Hà Mạnh Đức, chàng giám đốc 22 tuổi của Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái, ở thôn 3 Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.
Hà Mạnh Đức (bên trái) bên vườn ươm cây giống rộng 5000 m2.
|
Với vẻ ngoài sương gió, chín chắn, Đức đã khiến tôi thực sự ấn tượng. Tốt nghiệp Đại học Nội vụ nhưng không theo đuổi chuyên ngành đã học mà quyết định “rẽ ngang” kinh doanh. Chỉ sau hơn 1 năm khởi nghiệp chàng giám đốc trẻ của Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái này đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.
Con đường dẫn vào nhà Đức nằm ngay sau trụ sở UBND xã Đại Đồng dốc đứng và lầy lội sau trận mưa rào vì đang trong quá trình sửa chữa, xây dựng. Gửi xe ở ngôi nhà đầu ngõ, tôi cùng Đức thong dong đi bộ, vừa đi Đức vừa tâm sự: “Trụ sở UBND xã xây xong là con đường nhỏ này cũng được bê tông hóa, chắc chắn thuận tiện hơn rất nhiều đối với xe cộ ra vào mua bán cây giống. Chị có nhìn thấy mấy quả đồi đằng xa kia không? Đều là của nhà em cả, chờ tới lúc đó em tính sẽ san lấp mặt bằng, mở rộng kinh doanh”.
Tôi tươi cười đáp lại: “Như thế thì còn gì bằng! Từ lúc được đồng chí Bí thư Huyện đoàn Yên Bình giới thiệu về em chị đã thấy ngưỡng mộ rồi. Còn trẻ như em mà quyết tâm lập thân, lập nghiệp như vậy thật đáng khâm phục đấy!”.
Đi bộ thêm khoảng 100 m, từ trong căn nhà khang trang, cô Phạm Thị Dung - mẹ của Đức đon đả ra đón. Tôi có cơ hội được trò chuyện cởi mở hơn cùng cả hai mẹ con, bà Dung bảo: “Đức sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm cây giống lâm nghiệp đã hơn 20 năm. Ông bà nội Đức trước đây đều là cán bộ Lâm trường Yên Bình. Vợ chồng tôi tuy không công tác trong ngành lâm nghiệp nhưng Đức thì lại có tình yêu đặc biệt đối với cây giống. Vì thế, chẳng có lý do gì để vợ chồng tôi không ủng hộ con tiếp nối nghề của ông bà nội”.
Về phía Đức, khi được hỏi có tiếc công sức 4 năm đại học hay không, em chỉ bình thản trả lời: “Nếu nói không tiếc là không đúng. Nhưng em suy nghĩ đơn giản lắm, em luôn coi những kiến thức khi còn đi học là hành trang, kinh nghiệm cho em vững bước trên con đường kinh doanh. Mọi thứ khi mới bắt đầu đều vô cùng gian nan, vất vả. Em vui vì đã quyết tâm và có thể vượt qua được”.
Nắm rõ từng đặc trưng của cây quế như ưa sáng, khí hậu nóng ẩm và dễ sống ở những vùng đất khác nhau. Có thể là đất đồi, đất đỏ, vàng, đất pha cát, đất nghèo dinh dưỡng, thoát nước tốt… diện tích đồi sau nhà được Đức tận dụng triệt để. San lấp mặt bằng lấy làm vườn ươm giống, đất đồi xả ra thì dùng để đóng bầu… Dẫn tôi sang thăm vườn ươm rộng gần 5.000 m2, trải dài khắp khu vườn là một màu xanh mướt của cây giống, bên trên có mái che.
Chị Nguyễn Hồng Thư đang làm việc tại Trung tâm cho biết: “Đang là thời điểm chuẩn bị xuất bán cây giống nên chúng tôi luôn phải kiểm tra từng cây thật cẩn thận, kỹ lưỡng. Làm tại Trung tâm có tôi cùng 3 anh, chị khác, lương tháng 3 triệu đồng/người. Các công đoạn như: đóng bầu, làm đất, tra hạt, bốc cây… Trung tâm phải thuê thêm từ 3 - 5 người. Còn chính vụ, Trung tâm phải thuê thêm ít nhất 20 người mới đủ sức để làm”.
Hiện tại, cây giống quế tại Trung tâm chiếm tới 80%, keo chiếm 17%, còn lại là các loại khác gồm: bạch đàn, sưa, lát… “9 tháng cây quế giống cho thu hoạch một lần là 9 tháng vất vả, chăm bón từng bầu quế. Công đoạn làm mái che, đóng bầu, tra hạt là vất vả nhất. Có lần, tra hạt gặp thời tiết không thuận lợi nhiều cây bị thối cổ, rễ, hỏng phải bỏ đi. Cây lớn hơn một chút thì lại lo lắng sâu bệnh như: rệp trắng, lụi lá… Bên cạnh đó, vì là một trong những loại cây lâm nghiệp được trồng phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên thị trường cung ứng cây giống ngày càng phát triển, mở rộng. Tính cạnh tranh vì thế tăng cao, đòi hỏi khâu làm thị trường phải đổi mới, có cách tiếp cận mới. Chăm sóc quế, quản lý Trung tâm đã vất vả nhưng tìm kiếm đầu ra, các đầu mối thương lái lại càng khó khăn hơn” - Đức chia sẻ thêm.
Đầu năm 2015, sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cấp quyết định thành lập Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái, Đức đăng ký làm thành viên của trang thông tin thuonghieuvang.com.vn để được đăng bài quảng bá trên trang mạng. Đã có những thương lái từ Thanh Hóa, Quảng Nam, Bắc Kạn, Hà Giang… biết đến, gọi điện để được tư vấn trực tiếp và ký hợp đồng mua bán cây giống. Hiện, Trung tâm cung ứng ra thị trường 300 vạn cây giống/năm. Giá cả dao động từ 450 - 500 đồng/cây. Đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, Đức thu về hơn 800 triệu đồng.
Tự tìm tòi, viết bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội là cách nhanh và hiệu quả nhất để Hà Mạnh Đức đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng.
Không dừng ở quảng bá trên mạng Internet, hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại, Đức còn đích thân theo xe ô tô đến tận địa chỉ giao hàng. Đức kể: “Chuyến đi công tác “nhớ đời” nhất của em chính là lần giao quế giống cho bà con huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Vừa ở Văn Yên chọn mua hạt giống về buổi sáng, chiều đến nhận được đơn hàng em vội vàng xếp cây vận chuyển lên đó ngay. Từ trung tâm huyện vào nhà khách hàng lại thêm mấy chục cây số đường xấu, ngồi nhiều trên ô tô khiến em mệt mỏi. Vào đến nơi, ăn ngủ cùng bà con ở đó, em phải tận tay trồng từng gốc, hướng dẫn bà con tỉ mỉ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Vì đa phần là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế, sợ bà con quên, em lấy bút ghi lại cẩn thận vào vở chứ để cây chết, vừa mất công, vừa mất của, em tiếc cây của mình lắm!”.
Hoạt động Trung tâm dần đi vào ổn định, Đức quyết định mở thêm một cơ sở ươm trồng, buôn bán cây giống tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên với 4 nhân công làm việc cố định, quy mô cung cấp ra thị trường 100 vạn cây/năm. Ngoài ra, tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Đức cũng đang tìm địa điểm mở thêm một cơ sở nữa.
Nói về Đức, anh Nguyễn Tuấn Anh - Cán bộ Khuyến nông xã Đại Đồng cho biết: “Mô hình trồng cây giống lâm nghiệp của Đức hiện đang là một trong những mô hình quy mô lớn nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Từ bỏ công sức học hành đi theo con đường kinh doanh là một quyết định dũng cảm của Đức. Ở một xã nhỏ như Đại Đồng, bà con sống rất gần gũi, Đức được mọi người yêu quý, đánh giá là có chí làm giàu, là tấm gương để nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi học tập, noi theo”.
Có thể khẳng định, để đảm bảo trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao thì việc đầu tư các vườn ươm giống có vai trò hết sức quan trọng. Với những thành công bước đầu đáng ghi nhận, Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái do chàng giám đốc trẻ Hà Mạnh Đức tạo dựng đã góp phần đáp ứng nguồn giống bảo đảm cả về số lượng và chất lượng trên địa bàn tỉnh. Với những kinh nghiệm quý báu, truyền thống lâu đời của gia đình cùng khả năng sáng tạo, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái không những lớn mạnh về quy mô sản xuất mà ngày càng tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực cây trồng lâm nghiệp. Mỗi cây giống tuy nhỏ bé nhưng ẩn chứa trong đó là cả nhiệt huyết, mồ hôi, nước mắt, công sức lao động của chàng giám đốc trẻ này.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - A Mua vừa đi chợ huyện mua sắm ít vật dụng cho gia đình. Quay sang tôi, A Mua cười bảo: “Nhờ cái giống ngô mà cuộc sống gia đình mình đã thoát nghèo, với 3.000 m2 ruộng để cấy lúa lấy lương thực còn 2 ha ngô đồi mỗi năm gia đình mình trồng 2 vụ để phát triển chăn nuôi và bán để lấy tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình”.
YBĐT - Lúa mì chỉ là 1 trong 2 loại cây trồng mới mà huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ tại cánh đồng Nậm Khắt ở vụ đông 2015 - 2016.
YBĐT - Đến Phong Dụ Thượng tôi hỏi về người đảng viên làm kinh tế giỏi, đến hỏi bà con về người có uy tín, cán bộ, đảng viên và nhân dân giới thiệu là ông. Ông là Siều Ngọc Tân - người cán bộ duy nhất ở huyện Văn Yên có thâm niên 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, một tấm gương làm kinh tế giỏi, người lãnh đạo được nhân dân quý trọng.
YBĐT - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bắt đầu từ y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi công việc vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng mức thù lao cho họ lại chưa tương xứng.