Cuộc “cách mạng” trên đồng đất Mù Cang
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 9:47:17 AM
YBĐT - Lúa mì chỉ là 1 trong 2 loại cây trồng mới mà huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ tại cánh đồng Nậm Khắt ở vụ đông 2015 - 2016.
Lãnh đạo Báo Yên Bái trao đổi với cán bộ nông nghiệp huyện Mù Cang Chải tại cánh đồng lúa mì xã Nậm Khắt.
|
Tôi gọi sự đổi thay trên đồng đất Mù Cang Chải là một cuộc “cách mạng”. Mà đúng là “cách mạng” thật! “Cách mạng” đổi mới trong tư duy cây trồng, tư duy làm kinh tế của những nông dân vùng cao vốn bao đời nay chỉ quen với lối sống tự cấp, tự túc, phụ thuộc phần nhiều vào tự nhiên. Áp lực về an ninh lương thực, sức ép của một địa phương nghèo nhất cả nước và yêu cầu tái cơ cấu cây trồng ở vùng cao mà tỉnh đặt ra…, đã đánh thức sự năng động, quyết tâm dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ địa phương; đánh thức tiềm năng đồng đất xứ Mù Cang nghèo khó...
Từ thành công trên đất ruộng một vụ…
Vốn quen với sản xuất cây lúa nương, cây ngô đồi và gieo cấy lúa nước 1 vụ, lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải trồng khoai tây và lúa mì vào vụ đông. Sự thử nghiệm táo bạo ấy thành công đã trở thành kỳ tích, đánh dấu bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, đưa Mù Cang Chải trở thành một trong số không nhiều huyện, thị được tỉnh đánh giá là năng động trong đổi mới.
Tháng Tư ở Nậm Khắt, tiết trời hãy còn vương chút se se lạnh. Cái nắng giữ lòng thung lũng dịu nhẹ nhưng đủ hong vàng cả một cánh đồng lúa mì phẳng lì, rộng hơn chục héc-ta.
Dù đã được Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Vũ Tiến Đức kể cho nghe trước, thế nhưng khác xa với những gì mường tượng trong tôi, cánh đồng lúa mì ở Nậm Khắt quả thực đẹp - thơ mộng, kiêu hãnh giữa hoang sơ đại ngàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Tiến Lâm vui vẻ bộc bạch: “Vụ đầu, huyện mới triển khai trồng thử nghiệm 13 ha lúa mì tại 4 xã là Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, diện tích tập trung chủ yếu là ở cánh đồng Nậm Khắt gần 11 ha. Chỉ tuần trước thôi lên Nậm Khắt ngắm cánh đồng lúa mì này, các anh chị sẽ cảm nhận được phong cảnh ở đây có nét rất giống với châu Âu. Nhiều bạn trẻ đã lên đây chụp ảnh lưu niệm. Giờ lúa đã chín quá rồi”.
Tuốt một bông mì xoa nhẹ trong lòng tay, anh phân trần: “Chỉ tiếc là đúng vào dịp cây lúa mì trổ bông gặp phải đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, mưa tuyết đóng băng kéo dài hơn 1 tuần nên diện tích lúa mì bị lép bông, không có hạt mất gần 8 ha. Thế nhưng đánh giá sau thu hoạch, năng suất lúa mì vẫn đạt 6 tấn/ha, bảo đảm tiêu chuẩn cho công ty thu mua. Thành công bước đầu giúp huyện thêm quyết tâm làm vụ đông”.
Lúa mì chỉ là 1 trong 2 loại cây trồng mới mà huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ tại cánh đồng Nậm Khắt ở vụ đông 2015 - 2016. Tại bản Hua Khắt, 3 sào khoai tây Marebel giống của Đức do Công ty cổ phần Quốc tế An Việt cung ứng cũng đã được triển khai trồng thử nghiệm trên phần đất ruộng mà hộ ông Thào A Phếnh, Thào A Của trực tiếp tham gia.
Ông Của cho biết: “Trồng khoai tây dễ thôi, chủ yếu là đúng kỹ thuật. Sau 80 - 85 ngày, khoai đã cho thu hoạch củ. Vụ trước, đúng vào đợt rét đậm, rét hại, có cả băng tuyết nữa thế mà cây khoai tây không bị ảnh hưởng gì. Khoai thu hoạch về được công ty thu mua hết, chỉ những củ nhỏ quá là họ không mua. Gia đình mình được huyện hỗ trợ trồng tiếp vụ này. Thuận lợi nhất là bà con không phải lo tìm nơi để bán”.
Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt - Chang Thế Sửu: “Ở đất Nậm Khắt này, những cây trồng vụ đông truyền thống chẳng thể sống nổi vào mùa đông, vì nhiệt độ trong vùng xuống quá thấp, thường là dưới 10 độ C, nhiều năm xuống tới 1 - 2 độ C. Do vậy, 350 ha đất ruộng ở đây chỉ canh tác được duy nhất 1 vụ lúa trong năm, vụ đông hoàn toàn bỏ hoang. Khó tin là cây lúa mì và cây khoai tây lại chống chịu được với khí hậu khắc nghiệt trong vùng, ngay cả khi nhiệt độ xuống đến mức âm độ C như vụ đông vừa qua nên bà con rất phấn khởi. Làm được vụ đông trên đất ruộng 1 vụ là điều hoàn toàn mới mẻ chưa từng có từ trước tới nay ở huyện Mù Cang Chải nói chung và ở xã Nậm Khắt nói riêng”.
Theo tính toán của cán bộ nông nghiệp huyện, mỗi héc-ta khoai tây đạt năng suất khoảng 20 tấn, giá thu mua từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng; trừ chi phí giống, phân bón, người dân sẽ thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha chỉ sau 3 tháng chăm bón. Trong khi đó, 1 ha lúa cho thu nhập 28 - 30 triệu đồng mà thời gian canh tác lại kéo dài gấp đôi… Vụ đông tới, huyện dự kiến triển khai trồng 10 ha lúa mì và 15 - 20 ha khoai tây trên đất 1 vụ tại xã Nậm Khắt và các xã khu 2, hy vọng thành công mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân trong huyện.
Nông dân xã Nậm Khắt chăm sóc sơn tra tại mô hình trồng 100 ha sơn tra tập trung do Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải thực hiện.
… Tới triển vọng cây xóa nghèo
Phát triển tốt trong rừng phòng hộ, phòng chống cháy rừng tốt, giữ đất, bảo vệ nguồn sinh thủy, đặc biệt mang lại thu nhập giúp người dân nâng cao ý thức giữ rừng, cây sơn tra được tỉnh xác định là cây xóa đói giảm nghèo bền vững cho vùng cao và là cây kinh tế chủ lực trong trồng rừng kinh tế, trồng rừng phòng hộ và trồng tái sinh rừng nghèo kiệt. Mù Cang Chải hiện là một trong hai địa phương có diện tích cây sơn tra lớn nhất toàn tỉnh với gần 2.000 ha.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện - Vũ Tiến Đức chưa thôi nuối tiếc khi hơn 1.500 ha thảo quả bị ảnh hưởng nặng nề không thể khắc phục do băng tuyết trong đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm 2016, đồng nghĩa với việc trên 200 tỷ đồng của nông dân bị mất trắng.
Ông chia sẻ: “Cây sơn tra có khả năng chống chịu tuyệt vời với thời tiết khắc nghiệt. Đợt băng tuyết đi qua, nhiều cây trồng bản địa chết khô, kể cả cây thảo quả, riêng cây sơn tra vẫn bật chồi non, đơm hoa, kết trái. Cũng may là sơn tra vụ này bội thu nên bù đắp được phần nào thiệt hại về kinh tế cho bà con. Táo ở đất Mù Cang Chải giờ là đặc sản nổi tiếng của Yên Bái nên rất có giá trị về kinh tế. Với trên 960 ha táo đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm bà con thu về từ 35 - 50 tỷ đồng. Triển vọng một hai năm tới, thu nhập của người dân từ cây sơn tra sẽ tốt lên là điều chắc chắn. Huyện đã quy hoạch được vùng phát triển cây sơn tra bền vững, có độ cao, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Kế hoạch 5 năm tới sẽ trồng thêm khoảng 1.000 ha, chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải và một số xã khu 2. Mục tiêu của huyện là chú trọng nâng cao chất lượng cây giống để tạo ra vùng chuyên canh hàng hóa lớn, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sơn tra Mù Cang Chải”.
Cây sơn tra hiện đang được trồng trên đất rừng phòng hộ tại 13/14 xã, thị trấn và trồng trên diện tích rừng sản xuất tại 11 địa phương của huyện, tập trung nhiều nhất ở Nậm Có 438 ha; Nậm Khắt 399 ha; Lao Chải 379 ha… Năm 2015, huyện mở rộng diện tích trồng mới thêm 200 ha; năm 2016, dự kiến trồng mới 400 ha sơn tra tại các xã được quy hoạch, từng bước trồng thay thế cây thông bằng cây sơn tra, kết hợp trồng sơn tra dưới tán thông để bảo vệ rừng phòng hộ.
Huyện cũng đã xây dựng thành công mô hình trồng 100 ha sơn tra tập trung tại xã Nậm Khắt. Thực tế cho thấy, nhờ cây sơn tra, hàng ngàn hộ gia đình ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Cao Phạ, Lao Chải... đã trở nên khá giả. Đặc biệt ở Nậm Có đã có những gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây đặc sản này.
Với trên 54 nghìn héc-ta rừng phòng hộ, việc đưa cây sơn tra vào trồng hỗn giao trong rừng phòng hộ là một giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ rừng, cải thiện và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, trong đó có trên 3.200 hộ dân, chiếm khoảng 30% số hộ của toàn huyện đang hưởng thu nhập trực tiếp từ cây sơn tra. Nhìn rộng ra, những mô hình sơn tra kết hợp với trồng cỏ chăn nuôi, hay mô hình sơn tra - ngô - cỏ chăn nuôi đã cho kết quả tốt tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La cũng là một gợi ý hay, một giải pháp khả quan cho phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Yên Bái.
Huyện nghèo Mù Cang Chải đang chuyển mình vượt khó. Dẫu còn lắm gian truân nhưng thành công từ cuộc cách mạng đổi mới tư duy với quyết tâm dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến thôn, bản đã đem đến cho nông nghiệp Mù Cang Chải những đổi thay mới, mang sắc màu của no ấm. Đây có thể xem là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Minh Thúy - Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Đến Phong Dụ Thượng tôi hỏi về người đảng viên làm kinh tế giỏi, đến hỏi bà con về người có uy tín, cán bộ, đảng viên và nhân dân giới thiệu là ông. Ông là Siều Ngọc Tân - người cán bộ duy nhất ở huyện Văn Yên có thâm niên 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, một tấm gương làm kinh tế giỏi, người lãnh đạo được nhân dân quý trọng.
YBĐT - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bắt đầu từ y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi công việc vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng mức thù lao cho họ lại chưa tương xứng.
YBĐT - Để phát huy lợi thế của địa phương, xã Hưng Thịnh đã khảo sát điều kiện về lao động, đất đai để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa, khuyến khích mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và tập trung giúp người nghèo thoát nghèo
YBĐT - Từ 50 hộ ban đầu, giờ bản Đề Sủa có tới 119 hộ, 678 nhân khẩu; 6 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.