Người “dát vàng” bên dòng Tạng Chan
- Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2016 | 8:39:10 AM
YBĐT - Cái tên Giàng A Phử - thôn Sài Lương 4, xã An Lương (Văn Chấn) được nhiều người biết đến là một đảng viên người Mông tiên phong, đi đầu trong việc vượt qua khó khăn mở mang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng rừng quế bạt ngàn.
Sau nhiều năm gây dựng, giờ đây ông Phử đang sở hữu rừng quế gần 50 ha, trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông không chỉ là tấm gương sáng để mọi người học tập, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy làm kinh tế đồi rừng của những người Mông ở mảnh đất còn đầy những khó khăn như An Lương.
Nằm ôm lấy dòng Tạng Chan hiền hòa là những đồi quế xanh bạt ngàn với giá trị hàng tỷ đồng vô cùng thích mắt - đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới mảnh đất An Lương xưa nay vốn được coi là mảnh đất rừng già của Văn Chấn.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quế đang trong thời gian thu hoạch của gia đình, ông Giàng A Phử phấn khởi cho biết: “Gia đình vừa khai thác hơn 5 ha quế bán cho thương lái thu về hơn 1 tỷ đồng, niềm vui hôm nay là thành quả của nhiều năm vất vả bám đất, bám rừng. Hiệu quả của cây quế đã thấy rõ rồi nên sau khi khai thác gia đình tiếp tục tái trồng cây quế, bởi đây cũng là hướng phát triển kinh tế chủ lực của gia đình…”.
Thành công trong phát triển kinh tế rừng, ông Phử luôn trăn trở, làm sao để có thể thay đổi thói quen, tập quán trong canh tác của người Mông nơi đây, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới mong đời sống của đồng bào được ấm no.
Với kinh nghiệm có được từ những năm trồng quế, ông Phử vận động nhân dân phá bỏ các diện tích cỏ dại, đất bỏ hoang để trồng quế, với phương châm cầm tay chỉ việc.
Để chủ động nguồn cây giống, ông Phử đã đi nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Hiện, ông đã tự ươm được giống quế thích hợp với đất đai thổ nhưỡng và hoàn toàn chủ động được nguồn cây giống của gia đình cũng như hỗ trợ giống cho các hộ dân xung quanh có nhu cầu.
Là một trong những gia đình được ông Phử giúp đỡ anh Giàng A Sáu nhớ lại hơn chục năm về trước mình đã từng nản chí, buông xuôi khi nhiều lần thất bại trong chăn nuôi. Chính sự động viên, giúp đỡ tận tình của ông Phử mà anh Sáu đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
Hiện nay, gia đình anh Sáu cũng sở hữu hơn 50 ha quế, trong đó hơn 10 ha đang cho thu hoạch, mang lại thu nhập cả tỷ đồng. Anh Sáu chia sẻ: “Nhờ có bác Phử động viên, giúp đỡ về cây giống, kỹ thuật mà gia đình mới có kinh tế khá giả như ngày hôm nay, gia đình mình cảm ơn bác Phử nhiều lắm…”.
Những đóng góp thầm lặng của ông Giàng A Phử đã góp phần làm thay đổi tư duy, đời sống vật chất và tinh thần của người Mông nơi đây. Mỗi năm diện tích quế trồng mới và trồng dặm trong thôn Sài Lương 4 đã tăng từ 50 ha đến 70 ha.
Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích lúa ruộng cấy 2 vụ tăng theo từng năm, quy mô chăn nuôi đại gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được mở rộng. Nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình anh Giàng A Sáu, Giàng A Khua...
Với những đóng góp không nhỏ, năm 2000 ông Giàng A Phử đã được người dân trong thôn tín nhiệm và bầu làm Bí thư Chi bộ. Trên cương vị mới ông đã cùng với chính quyền thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không trồng cây thuốc phiện mà thay thế vào đó là những vườn quế, vườn thảo quả bạt ngàn.
“Đảng viên Phử là người có tác động mạnh mẽ tới tư duy, nhận thức của người dân, nhất là trong phát triển kinh tế đồi rừng, đồng thời là người tích cực trong vận động đồng bào Mông xã An Lương thực hiện Đề án đổi mới trong việc tang, việc cưới góp phần làm cho xã An Lương ngày càng đổi mới và phát triển, đây là tấm gương điển hình tiên tiến mà xã An Lương sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”. Đồng chí Hà Đình Sân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Lương nhận định.
16 năm làm Bí thư Chi bộ, mọi con đường, cánh rừng đã in đậm dấu chân của Giàng A Phử - người bí thư chi bộ cần mẫn, không quản mưa nắng hàng ngày bám rừng, bám bản để đến với từng hộ người Mông trong thôn. Mọi người tìm thấy trong ông một con người thân thiện, chất phác, hết mực vì dân bản, ông nói với bà con không chỉ là cái lý, mà còn chất chứa nhiều tình cảm, sự cảm thông, chia sẻ.
Giờ đây, người dân đã tập trung phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh đồi rừng, mở rộng diện tích trồng quế, thảo quả, chăn nuôi đại gia súc, chung sức xây dựng làng bản văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Quang Sơn - Hoàng Minh (Đài TT - TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - “Em yêu cây lắm! Từ bé em đã theo ông nội ra vườn. Học xong cấp III em muốn thử sức, được đi học chuyên nghiệp cho bằng bạn bằng bè. Nhưng niềm đam mê kinh doanh như đã “ăn” vào máu, thôi thúc em về quê hương lập nghiệp” - đó là tâm sự của Hà Mạnh Đức, chàng giám đốc 22 tuổi của Trung tâm Vườn ươm cây giống lâm nghiệp Yên Bái, ở thôn 3 Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.
YBĐT - A Mua vừa đi chợ huyện mua sắm ít vật dụng cho gia đình. Quay sang tôi, A Mua cười bảo: “Nhờ cái giống ngô mà cuộc sống gia đình mình đã thoát nghèo, với 3.000 m2 ruộng để cấy lúa lấy lương thực còn 2 ha ngô đồi mỗi năm gia đình mình trồng 2 vụ để phát triển chăn nuôi và bán để lấy tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình”.
YBĐT - Lúa mì chỉ là 1 trong 2 loại cây trồng mới mà huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ tại cánh đồng Nậm Khắt ở vụ đông 2015 - 2016.
YBĐT - Đến Phong Dụ Thượng tôi hỏi về người đảng viên làm kinh tế giỏi, đến hỏi bà con về người có uy tín, cán bộ, đảng viên và nhân dân giới thiệu là ông. Ông là Siều Ngọc Tân - người cán bộ duy nhất ở huyện Văn Yên có thâm niên 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, một tấm gương làm kinh tế giỏi, người lãnh đạo được nhân dân quý trọng.