Chàng trai người Mông có chí làm giàu
- Cập nhật: Thứ năm, 15/9/2016 | 7:18:47 AM
YBĐT - Sau khi xây dựng gia đình, Vừ A Hù ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) đã đầu tư mô hình chăn nuôi “mới” đem lại hiệu cao.
Một góc chuồng trại chăn nuôi gia cầm của Vừ A Hù.
|
Qua mô hình chăn nuôi của A Hù đã khơi gợi cho những nông dân nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi biết thêm hướng phát triển kinh tế mới trong thời đại kinh tế thị trường.
Xã Hồ Bốn là nơi đất rộng người thưa. Nhưng đất đai ở đây chủ yếu độ dốc cao, nên bao đời nay, người dân vẫn sống dựa vao canh tác lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô đồi, chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ tự cung, tự cấp. Nhà nào thật cần cù thì cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc và chuyện làm giàu với họ là rất khó. Nhưng với A Hù, nhờ được học chữ, được va chạm với xã hội, nên suy nghĩ, hành động của anh khác hẳn với bà con ở quê. A Hù là em út trong gia đình có đông anh chị em.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2011, Hù thi đỗ vào Khoa Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Đại học Thái Nguyên. Năm 2012, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không thể theo học được nữa, nên A Hù xin bảo lưu kết quả và về quê giúp mẹ lao động khắc phục khó khăn trước mắt và kiếm tiền mong sớm trở lại học tiếp.
A Hù cho biết: “Sau khi về giúp mẹ cày cấy, em cũng suy nghĩ rất nhiều, vừa muốn theo các trai làng đi làm thuê ở thành phố, lại muốn đi buôn nhưng không có vốn... Cuối cùng, nghĩ thương mẹ, em quyết định ở nhà xây dựng gia đình. Sau đó, em làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, để vừa làm kinh tế vừa giúp mẹ việc ruộng nương và chăm sóc mẹ lúc tuổi già”.
A Hù bắt đầu lên mạng tìm kiếm những loại vật nuôi có ưu thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, gia đình để mua về phát triển chăn nuôi. Khi đã nghiên cứu kỹ, A Hù bắt đầu trồng cỏ nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu. Lúc cao điểm nhất là năm 2013, đàn thỏ của Hù lên đến trên 300 con và trên 100 con chim bồ câu.
Hù vừa xuất bán làm thực phẩm và bán cho bà con các xã lân cận làm giống. Sau một thời gian, thấy thị trường tiêu thụ chậm lại, A Hù tiếp tục tìm giống vật nuôi khác. Năm 2014, anh lặn lội đến huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La để mua giống gà tây về nuôi và kết hợp nuôi gà ta, duy trì nuôi chim bồ câu. Cuối năm 2015, đàn gia cầm của A Hù lên đến trên 300 con các loại, trong đó đàn gà tây khoảng hơn trăm con.
A Hù chia sẻ về giống vật nuôi còn khá lạ này: “Quá trình nuôi, em thấy gà tây là giống cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao. Gà tây rất dễ nuôi, thích nghi với thời tiết, khí hậu ở đây, thức ăn chủ yếu là gạo, ngô, thóc, đặc biệt rất thích ăn cỏ nên nuôi gà tây là phải có bãi cỏ, hoặc thường xuyên nấu rau lẫn với cám để cho gà ăn mới lớn nhanh và khoẻ mạnh hơn.
Gà con từ lúc mới nở, nuôi 10 tháng thì trọng lượng đạt từ 8 đến 10kg/con. Nếu bán gà thịt giá 200.000 đồng/kg, còn trứng bán 20.000 đồng/quả, mà gà tây còn đẻ không kịp để người dân đến mua”.
Vừ A Hù kiểm tra gà tây giống.
Bà Cứ Thị Giở - mẹ của A Hù cho biết thêm: “Những năm đầu mới chăn nuôi, Hù chưa có kinh nghiệm, nên những lúc vật nuôi bị bệnh, nó không xử lý kịp và bị chết nhiều con. Nó cũng nản nhưng tôi động viên con phải trải qua rủi ro thì mới có thêm kinh nghiệm. Khi kinh tế đã khá hơn rồi thì nó lại phải nghỉ học ở nhà, vì tôi già rồi. Tôi thương nó lắm!”.
Hiện nay, A Hù còn đầu tư nuôi thêm gà chọi. Ngoài ra, cùng với số vốn tiết kiệm được, A Hù còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi đại gia súc. A Hù hiện đã có 4 con trâu và 5 con bò.
Ông Sùng A Bình - Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn cho biết: “Hiện tại, ở địa phương cũng đã có một số mô hình phát triển kinh tế khá như: chăn nuôi trâu, bò, trồng ngô đồi... Nhưng điều kiện để áp dụng được rộng rãi và đại đa số mọi người dân đều có thể làm theo được, không đòi hỏi vốn quá nhiều, diện tích đất quá lớn hay trình độ kỹ thuật cao thì mô hình nuôi gà tây, gà chọi của anh Vừ A Hù đang là mô hình hay và được nhiều hộ dân đến mua giống về phát triển”.
So với nhiều trang trại chăn nuôi ở miền xuôi thì mô hình chăn nuôi của Vừ A Hù chưa phải là lớn. Nhưng đối với vùng đất khắc nghiệt như Hồ Bốn, mà một thanh niên người Mông ngoài 20 tuổi đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất truyền thống tự cung, tự cấp nhiều đời nay chuyển sang chăn nuôi hàng hoá và đem lại thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, đang là một mô hình rất đáng biểu dương. Đặc biệt, qua mô hình, đã tác động đến nhiều người dân nơi đây thay đổi tư duy, có cách nhìn mới trong phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn 5 năm trở lại xã Lâm Thượng (Lục Yên), tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê vốn khó khăn. Bên cạnh những nếp nhà sàn truyền thống, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Ở trung tâm xã, người dân và tư thương đi lại giao lưu buôn bán tấp nập. Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn mới mà không phải địa phương nào cũng có được.
YBĐT - Bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point, máy tẽ ngô hay máy thái rau lang là những sản phẩm khoa học đã và đang được ứng dụng trong thực tế trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Và tác giả của những sản phẩm này, không ai khác, chính là những người phụ nữ dân tộc thiểu số bình thường.
YBĐT - Làng Trục là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Toàn thôn có 148 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đời sống khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Làng Trục đã có những đổi thay đáng kể.
YBĐT - Thực hiện Đề án “Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án) huyện Văn Chấn có 17 trường phải sắp xếp lại quy mô và 103 điểm trường lẻ sẽ được sáp nhập về điểm trường chính.