Ngày mới ở Làng Trục
- Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2016 | 8:37:02 AM
YBĐT - Làng Trục là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Toàn thôn có 148 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đời sống khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Làng Trục đã có những đổi thay đáng kể.
Cán bộ thôn Làng Trục cùng kiểm lâm địa bàn trao đổi về công tác bảo vệ rừng.
|
Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm về Làng Trục. Còn nhớ 2 năm trước đây, khi đến với Làng Trục phải mất rất nhiều thời gian bởi đường đất lầy lội. Lần này đến thôn vì trời mưa lớn nên chúng tôi chuẩn bị tinh thần “chiến đấu” với những đoạn đường trơn trượt. Thế nhưng thật bất ngờ, đường vào Làng Trục đã được bê tông hóa đến tận cuối thôn.
Vào Làng Trục phải đi qua suối Trục - một con suối nhỏ chạy cắt qua bản nhưng vào mùa mưa bão suối Trục trở nên hung dữ đe dọa đến tính mạng, nhà cửa của người dân. Ông Lý Văn Thủy - Bí thư Chi bộ thôn Làng Trục nhớ lại: “Trong quãng đời tôi sống ở đây, đã chứng kiến 3 lần lũ lịch sử vào năm 1971, 1991 và mới nhất năm 2008. Lần nào cũng đau thương, có năm cả gia đình một hộ dân bị mưa lũ cuốn trôi”.
Theo ông Thủy, thôn Làng Trục có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, nhiều hộ dân phải lựa chọn làm nhà ven suối, lưng núi, bởi chỉ ở những nơi đó mới có địa hình bằng phẳng hơn để dựng nhà. Những năm gần đây, rừng bị tàn phá nên lũ về nhanh hơn, nhiều hộ dân bị bất ngờ không kịp ứng phó. Niềm vui đến với người dân Làng Trục khi năm 2013 Nhà nước đầu tư xây dựng một khu tái định cư cho 70 hộ dân quanh khu vực suối Trục, trong đó thôn Làng Trục có 35 hộ được di dời đến nơi ở mới.
Ngày nay, Làng Trục đã bớt được nỗi lo mỗi khi đến mùa lũ, thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề người dân đang phải đối mặt. Trong đó có 3 vấn đề mà theo Trưởng thôn Đặng Văn Thất là khó khăn lớn nhất với Làng Trục, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói. Trước tiên và cấp bách hơn cả là vấn đề điện. 35 hộ dân của Làng Trục ở trong khu tái định cư đã có điện, nhưng số hộ còn lại vẫn chưa có điện.
Những năm gần đây, kinh tế phát triển một số hộ dân tự mua dây để kéo điện về, nhưng do khoảng cách xa, chi phí dây lên tới cả chục triệu đồng, hao phí điện đội giá lên gấp 2 đến 3 lần, việc thiếu điện đã gây không ít trở ngại cho cuộc sống của người dân địa phương. Bởi hầu như người dân không được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng, mọi thông tin hầu như chỉ nghe bập bõm qua nghe đài. Chưa kể, cứ mỗi lần hội họp, Trưởng thôn Đặng Văn Thất lại phải đến từng hộ dân thông báo, vì không có điện để sử dụng loa phóng thanh.
Ông Thất cho biết: “Tôi đã nhiều lần đại diện cho người dân kiến nghị trong các cuộc họp của xã, mong các cấp chính quyền quan tâm kéo điện về cho dân nhưng đến nay điện vẫn chưa về bản tôi và cũng chưa biết khi nào điện mới về đến”.
Hai vấn đề còn lại cũng cấp bách không kém, đó là nạn mù chữ và thiếu đất sản xuất. Theo trưởng thôn Đặng Văn Thất, hầu hết những chủ hộ trên 30 tuổi đều mù chữ, điều này cản trở rất lớn đến khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân.
“Bản thân họ là lao động chính, nhưng lại thiếu kiến thức, không định hướng được cách phát triển kinh tế hộ, có chút tiền vay vốn nhưng sử dụng không hiệu quả, đã vậy có người còn lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước” - Trưởng thôn Đặng Văn Thất chia sẻ. Hiện nay, Làng Trục vẫn còn 105 hộ nghèo, làm sao để tìm hướng thoát nghèo hiệu quả là vấn đề rất khó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Thủy - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Ngoài vấn đề về điện, thì vấn đề cấp bách hiện nay là cần tuyên truyền xóa mù, kế đến là giúp người dân định hướng phát triển kinh tế”.
Trong điều kiện đất nông nghiệp thiếu thốn thì phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi khả quan ở Làng Trục. Toàn thôn có 160 ha rừng trồng, 11 ha lúa, 115 ha sắn, 25 ha ngô đồi, đây là nguồn thức ăn tại chỗ tốt nhất phục vụ chăn nuôi. Thực tế, những hộ dân khá giả trong thôn đều đi lên từ chăn nuôi.
Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Tay, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và diện tích rừng trồng ít ỏi, đã đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua nhiều năm chăm sóc, phát triển, đến nay ông Tay đã có được 9 con bò, 3 trâu, đàn dê 10 con, kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm mỗi năm thu nhập của gia đình cũng đạt trên 40 triệu đồng.
Chăn nuôi đại gia súc - hướng thoát nghèo của người dân Làng Trục.
Để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo Bí thư Chi bộ Lý Văn Thủy: “Điều quan trọng nhất là phải học, phải có cái chữ. Không học, không hiểu biết thì làm gì cũng sai, cũng hỏng. Vì thế lớp trẻ bây giờ phải cố mà học lên hơn nữa mới mong đổi đời, thoát nghèo và giữ được văn hóa của dân tộc mình”. Nhận thức của Bí thư Chi bộ Làng Trục như một luồng tư tưởng mới “thổi” vào cả tập thể Chi bộ thôn Làng Trục trong lãnh đạo chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới... Mong mỏi đó của ông và các đảng viên trong thôn giờ đang được hình thành bởi các chủ thể nông thôn mới ở đây. Ngày càng có nhiều con em người Dao ở Làng Trục tiếp tục theo học lên cao rồi quay trở lại xây dựng thôn bản ngày càng thêm văn minh, no ấm hơn xưa...
Rời Làng Trục khi ánh nắng đang bừng lên trên những mái nhà mới sau cơn mưa rào. Màu sắc tươi sáng của cuộc sống mới đang bừng lên từ chính sự nỗ lực vượt khó của bà con, cùng vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Lâm Giang và Chi bộ thôn Làng Trục.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Đề án “Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án) huyện Văn Chấn có 17 trường phải sắp xếp lại quy mô và 103 điểm trường lẻ sẽ được sáp nhập về điểm trường chính.
YBĐT - Sáng ngày 21/8, nước sông Hồng xuống nhanh, để lại bùn đất nhầy nhụa trên các tuyến phố. Những chiến sỹ quân đội, công an lại xắn quần, xắn áo cùng với nhân dân nạo đất, vét bùn... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
YBĐT - Những năm gần đây, cụm từ “kinh tế du lịch” đã trở nên quen thuộc với người dân Yên Bái. Thậm chí, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những cách làm mô hình du lịch cộng đồng vô cùng sáng tạo, phong phú, hấp dẫn thu hút du khách.
YBĐT - Năm 2007, từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu đến nay huyện Yên Bình có trên 450 lồng nuôi cá và 120 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Với chủ trương đúng, cách làm hay, việc phát triển và nuôi cá lồng không chỉ giúp ngư dân nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.